Trước tình hình giá thép tăng phi mã, với mức tăng đến 45% so với đầu năm, kéo theo một loạt mặt hàng xây dựng khác như thép, xi măng tăng theo, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Tổng hội Xây dựng, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam và các địa phượng, thực hiện giải pháp giảm tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.
Công văn của Bộ Xây dựng nhìn nhận thời gian gần đây, giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao. “Nhất là giá thép đã tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường, đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng”, công văn của Bộ Xây dựng cho biết.
Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh chỉ đạo sở xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên bám sát diễn biến của thị trường xây dựng, để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, Bộ yêu cầu trường hợp cần thiết, công bố giá hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.
Các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành và đơn vị liên quan sớm chỉ đạo đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép, đến tình hình thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các vấn đề phát sinh liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng.
Cụ thể là tập trung đánh giá về số dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, từng hợp đồng xây dựng. Bên cạnh đó là dự báo, xây dựng kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng đầu tư, cũng như khả năng đáp ứng về nguồn vốn, để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.
Ngoài ra, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng, Hội Kinh tế Xây dựng được giao tổng hợp cung cấp các thông tin và kiến nghị của các nhà thầu xây dựng (nếu có), đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.
Cụ thể, nếu so với đầu năm 2021, giá thép đến giữa cuối tháng 4 đã tăng từ 30% đến 45% so với cuối năm 2020.
Mỗi dự án xây dựng dân dụng, thép chiếm 10-30% tổng giá trị dự án. Mức tăng giá quá mạnh này đang tác động rất mạnh tới các nhà thầu; ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả dự án, khả năng nhận thầu. Nhiều doanh nghiệp đã không dám nhận thầu vì giá thép và vật liệu xây dựng biến động mạnh.
Trong khi đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết nguồn cung thép trong nước không khan hiếm. Giá tăng là do nguyên liệu sản xuất trên thế giới tăng mạnh. Vì nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của thép đa phần phải nhập khẩu.
Dự báo giá thép có thể tăng đến hết quý III-2021, trước những diễn biến khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng giá các nguyên liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, thời gian giao hàng kéo dài do dịch bệnh là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.
Bộ Công Thương dự báo thép cuộn cán nóng (nguyên liệu chính cho sản xuất tôn mạ và nhiều sản phẩm khác) sẽ vẫn mất cân đối cung- cầu, giá sẽ càng tăng mạnh trong thời gian tới, do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng.
Riêng thép xây dựng, với việc một số dự án thép đã đi vào hoạt động, như Dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát, Dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn... năng lực sản xuất của thép xây dựng trong nước khoảng 14 triệu tấn, bảo đảm cho nhu cầu trong nước, cũng như xuất khẩu.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép trong nước; hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường, để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu.