Ghi nhận tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, số lượng heo về chợ có giảm so với trước kia. Trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn 400 tấn/ngày, sau dịch giảm còn 300 tấn/ngày.
Đại diện các chợ đầu mối cho biết, sản lượng giảm là do giá thịt cao nên người tiêu dùng giảm sử dụng. Hiện vẫn chưa xảy ra tình trạng thiếu thịt heo. “Trước đây, tôi bán một ngày gần 100kg, nhưng hiện nay bán 50kg thịt cũng không hết”, tiểu thương Lưu Ngọc Anh (chợ Tân Định) nói.
Nhiều hộ nuôi heo ở ĐBSCL bắt đầu tái đàn sau dịch tả heo châu Phi
Có rất nhiều nguyên nhân khiến giá thịt heo tăng cao, nhưng chủ yếu là do thương lái nhỏ “lùng sục” khắp nơi để mua lại heo hơi từ thương lái lớn (các công ty) để bán sang Trung Quốc. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn sẽ làm nguồn heo trong nước ngày càng khan hiếm và giá tăng cao.
Lý giải hiện tượng thương lái nhỏ tranh mua, TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho hay: Thương lái nhỏ mua heo từ hộ dân và thương lái lớn mua heo từ trang trại lớn thông qua hợp đồng ổn định. Hiện các nông hộ không còn heo, nên thương lái nhỏ bằng mọi cách mua lại heo từ thương lái lớn để bán sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Nương, Chủ nhiệm Hội quán Làng bộ Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), cho biết, liên tục nhiều ngày qua giá heo hơi tăng chóng mặt. Hiện thương lái tìm mua heo hơi với giá dao động 85.000- 90.000 đồng/kg. Dù giá heo rất cao nhưng rất nhiều hộ ở vùng làm bột - nuôi heo nổi tiếng của TP Sa Đéc không còn heo để bán.
Trong khi đó, Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương lại lên tiếng khẳng định, không có tình trạng xuất khẩu thịt heo Việt Nam sang Trung Quốc và thừa nhận nguồn heo thịt hiếu hụt và giá heo hơi bị đẩy lên 90.000 đồng/kg là có. Một số nhà phân phối, siêu thị phản ánh về việc khó tiếp cận nguồn hàng thịt heo của các nhà sản xuất, trang trại, công ty chăn nuôi - trong đó chỉ đích danh Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, có vốn đầu tư Thái Lan - dù các nhà sản xuất này còn nguồn hàng.
Trước thông tin một số đơn vị găm hàng thịt heo, Bộ Công thương đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp sản xuất cung ứng đủ và theo đúng cam kết cho các doanh nghiệp phân phối, giảm giá bán nhằm dẫn dắt, bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối, nhất là các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tiếp cận trực tiếp nguồn hàng với giá hợp lý.
Bộ Công thương cho biết sẽ thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào việc kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt heo và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019. |