Giá vàng tăng mạnh nhất trong lịch sử, nhà đầu tư cần lưu ý gì?

(ĐTTCO)-Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư và người dân cần theo dõi những biến động từng giờ của thị trường vàng đồng thời không nên lướt sóng ở thời điểm này bởi thị trường vàng biến động rất khó lường.

Nhiều người dân đến giao dịch vàng tại doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhiều người dân đến giao dịch vàng tại doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giá vàng miếng SJC tăng chóng mặt lên mức cao nhất kể từ trước đến nay khiến nhiều người băn khoăn nên mua vào hay bán ra lúc này. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới.

Tăng gần 7 triệu đồng trong 2 tháng

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục biến động mạnh, đặc biệt là vàng SJC khi thương hiệu này liên tục thiết lập kỷ lục giá mới. Chỉ tính riêng tuần qua, vàng SJC đã tăng tổng cộng khoảng 2,7 triệu đồng/lượng, lên mức khoảng 75,70 - 76,90 triệu đồng/lượng.

Thậm chí, trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu (22/12), thương hiệu này đã có lúc vọt lên 77,30 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.

Tính từ đầu tháng 12 đến nay, giá vàng SJC đã tăng 3,4 triệu đồng mỗi lượng. Còn nếu tính từ đầu tháng 11 đến nay, giá vàng SJC đã tăng gần 7 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng 24k tăng gần 6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng, đã có nhiều người tranh thủ bán ra để kiếm lời. Anh Nguyễn Văn Trung ngày 22/12 đã mang bán 5 cây với giá 75,6 triệu đồng.

“Lúc tôi mua vào là 73,5 triệu đồng/lượng ở cuối tháng 11, thời điểm lúc đó giá cũng đã cao nhưng vì để tiền cũng không biết làm gì. Chỉ trong vòng 1 tháng số tiền tôi đầu tư 367 triệu đồng đã có lãi 11 triệu đồng, gần bằng 1 tháng lương tôi đi làm,” anh Trung chia sẻ niềm vui của mình.

Tuy nhiên không phải ai cũng được như anh Trung. Chị Minh Trang ở Hải Phòng thì ngậm ngùi cho biết năm 2015 chị mua nhà thiếu tiền nên đã vay 7 cây vàng của người thân, thời điểm đó là vàng khoảng 35,2 triệu đồng.

“Tôi không nghĩ giá vàng sẽ lên cao như thế này, hôm trước lo quá tôi phải tranh thủ ra mua 1 cây với giá 77 triệu đồng, cứ đà này không biết đến bao giờ gia đình tôi mới trả hết nợ,” chị Trang ngậm ngùi chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh, giá vàng trong nước đi lên bởi ảnh hưởng từ thị trường quốc tế.

Trên sàn Kitco, chốt phiên cuối tuần giá vàng giao dịch ở mức 2.052 USD/ounce, tăng 0,36%. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York giao dịch ở mức 2.064 USD/ounce. Đồng kim loại quý này tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD suy yếu, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chủ chốt lao dốc và mất mốc 103 điểm. Hiện chỉ số DXY đã dừng ở mức 101,72 điểm, giảm 0,12% so với giao dịch ngày 22/12 và mức thấp nhất trong 3 tháng qua.

Ở trong nước, giá vàng đi lên bởi 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, trong cuộc họp tháng 12 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã không tăng lãi suất và Fed có thể giảm lãi suất từ giữa năm 2024 bởi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu trì trệ (GDP của nước này đã tăng 4,9% trong quý 3, giảm so với tốc độ 5,2% được báo cáo trước đó). Fed không tăng lãi suất, thậm chí giảm, sẽ khiến giá đồng USD đi xuống bởi giá đồng USD và giá vàng luôn diễn biến trái chiều.

Thứ hai là tình hình bất ổn địa chính trị. Xung đột giữa Nga và Ukraine đã diễn ra trong thời gian dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh đó, gần đây là xung đột tại Trung Đông. Căng thẳng địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến giá dầu và nền kinh tế. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn tài sản.

Lãi suất tiết kiệm xuống thấp khiến dòng tiền không còn mặn mà, phải tìm nơi gửi gắm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ ba, vào cuối quý 4 và đầu quý 1/2024, nhu cầu về vàng nữ trang và vật chất tăng cao vì rơi vào mùa cưới và mùa lễ hội ở nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… Ngoài ra, các ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng. Năm 2022, các ngân hàng trung ương mua khoảng 1.100 tấn vàng. Ba quý năm 2023, các ngân hàng trung ương đã mua khoảng 800 tấn, dự kiến đến cuối năm có thể mua tổng cộng vượt 1.000 tấn.

"Giá vàng trong nước tăng mạnh trong bối cảnh các kênh đầu tư đang trở nên bất định cũng không phải là điều quá bất ngờ. Lãi suất tiết kiệm ngân hàng trong những tháng cuối năm liên tục giảm sâu, về mức thấp chưa từng có (khoảng 2,2%-5,5%/năm) khiến dòng tiền không còn mặn mà, phải tìm nơi gửi gắm. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, dòng tiền có dấu hiệu 'ngủ đông' khi định giá của thị trường đang ở mức hấp dẫn, nhưng thanh khoản lại rất dè dặt," ông Khánh cho hay.

Người dân không nên tích trữ vàng

Chia sẻ về việc có nên tích trữ vàng vào thời điểm này hay không, một số chuyên gia cho rằng, giá vàng trong nước biến động trái chiều. Vì vậy, nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.

Ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định: “Giá vàng trong nước đang quá cao so với vàng thế giới. Người dân không nên lướt sóng vàng thời điểm này vì đây là cơn “sốt,” mà sốt thì chắc chắn sẽ hạ nhiệt. Chưa kể khi giá vàng quá nóng thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có các động thái chính sách. Chẳng hạn như việc Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24 thì giá vàng chắc chắn sẽ hạ, rủi ro cho người mua."

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định thị trường vàng đang trở nên hấp dẫn như hiện nay thì việc mua vàng rất được kích thích và cũng quyết định đến việc người dân mua vàng.

Tuy nhiên theo ông Hiếu, nhà đầu tư và người dân khi đầu tư vàng cần theo dõi biến động từng giờ của thị trường vàng trên thế giới và Việt Nam đồng thời không nên lướt sóng ở thời điểm này bởi thị trường vàng biến động rất khó lường.

“Ngoài ra, nhà đầu tư và người dân cũng không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ, nên phân bổ số tiền mình có, hợp lý nhất là đầu tư 1/3 số tiền cho vàng. Đặc biệt, không nên vay tiền mua vàng. Bởi khi giá vàng bất ngờ giảm mạnh, nhà đầu tư sẽ phải bán vàng và chịu thiệt hại, lỗ. Trong khi đó, khoản tiền vay sẽ phải trả đúng hạn vì vậy không thể chờ đợi giá vàng kịp tăng trở lại,” ông Hiếu khuyến cáo.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cũng khuyến nghị người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới. Khoảng cách chênh lệch quá lớn, lên đến gần 17 triệu đồng mỗi lượng, trong khi đó giá vàng càng tăng thì chệch lệch giữa mua và bán cũng càng xa tới 1,2 triệu đồng. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều có thể xảy ra.

Dự báo về xu hướng giá vàng, các chuyên gia cho biết trong ngắn hạn giá vàng còn tăng nhưng về trung và dài hạn thì mức tăng đó sẽ khó có thể duy trì được. Ngay cả những người đầu tư dài hạn cũng không nên “tất tay” đổ toàn bộ tài sản vào vàng. Chỉ những người muốn đa dạng danh mục thì mới nên đổ tiền vào vàng.

Các tin khác