Hiện nay, nguồn cung nhà lưu trú cho công nhân cả nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Phần lớn công nhân vẫn ở trong những căn nhà trọ do người dân xây dựng với giá thuê dao động từ 1,5 - 4 triệu đồng/tháng.
Chật chội, ẩm thấp, những dãy phòng trọ dài hun hút, với 3 - 4 người ở trong diện tích trên dưới 10 m2. Đây là những hình ảnh phổ biến tại các khu vực gần khu chế xuất, khu công nghiệp.
"Tôi thuê phòng ở đây diện tích có 16 m2, mỗi tháng 1 triệu; tiền điện 3.000 đồng một số, tiền nước 2.000 một khối", chị Nguyễn Thị Lan, tỉnh Nghệ An, chia sẻ.
Nhà thương mại đắt đỏ, nhà ở xã hội lại quá ít và khó tiếp cận nên giấc mơ có 1 căn nhà tại nơi làm việc trở nên xa vời với hầu hết công nhân. Thu nhập cả hai vợ chồng chị Linh (tỉnh Hà Nam) vào khoảng 20 triệu/tháng, dù có tiết kiệm đến 20 năm cũng chưa chắc đã đủ tiền mua một căn chung cư tại thành phố.
"Với công nhân bọn em, hơi khó khăn, phải tích cóp dần, em cũng có em bé, phải để ra một phần cho em bé", chị Lã Thị Thùy Linh, tỉnh Hà Nam, cho biết.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ bên ngoài khu công nghiệp và chi phí thuê nhà hàng tháng chiếm đến 30% trên tổng thu nhập của họ.
"Bọn em có nhu cầu mua nhà, nhưng với mức thu nhập của bọn em, bây giờ còn thiếu và chưa đủ để mua nhà", anh Bùi Văn Đạt, tỉnh Hòa Bình, nói.
Điều kiện bắt buộc để hình thành hoặc mở rộng khu chế xuất, khu công nghiệp là phải đáp ứng chuỗi hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, việc xây dựng các loại hình nhà ở này còn nhiều vướng mắc, bất cập dẫn tới người lao động phải tự mình xoay xở.
Kỳ vọng nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân
"Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030" vừa được Chính phủ phê duyệt, với số tiền 120.000 tỷ đồng. Đề án này đã thắp lên hy vọng cho hàng triệu công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Đến nay, cả nước mới hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 7,3 triệu m2 sàn, nhưng số lượng này vẫn như muối bỏ bể so với nhu cầu. Hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang. Tuy nhiên công nhân mới chỉ được thuê nhà, còn mong mỏi của họ là được mua cho mình những căn hộ để an cư lạc nghiệp.
Hơn 400 căn hộ tại Khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam đã sáng đèn. Kể từ khi được xét duyệt thuê căn hộ tại đây, vợ chồng chị Trang cảm thấy cuộc sống được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Không còn phải chịu cảnh thuê nhà trọ chật hẹp, hiện nay anh chị cũng yên tâm hơn khi các con nhỏ có chỗ học tập gần nhà, được sống trong không gian an ninh và thoáng đãng
"Nhà cửa rộng rãi hơn, các bé có không gian hơn, có chỗ chơi, có bạn bè, không chật hẹp như ở nhà trọ", chị Cao Thị Trang, tỉnh Yên Bái, chia sẻ.
Khu Thiết chế Hà Nam có thiết kế hiện đại, nằm gần khu dân cư, trường học, nhà trẻ, chợ, trạm y tế, nhất là gần các công ty, doanh nghiệp, giá cả lại phải chăng nên nhiều công nhân khi dọn về đây đều phấn khởi.
Tuy nhiên với trên 80.000 lao động làm việc, trong đó khoảng 40% là lao động ngoại tỉnh, hiện Khu Thiết chế công đoàn tỉnh Hà Nam mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu nhà ở của người lao động.
"Tiếp cận với nhà ở, họ đều phấn khởi. Mong muốn của người lao động là trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp có nhà lưu trú cho người lao động, nhà ở xã hội cho công nhân, song song với đó cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người lao động để được mua, thuê nhà ở", bà Phạm Thu Giang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam, cho biết.
Phần lớn những công nhân đã gắn bó lâu năm tại đây như gia đình chị Thu đều mong muốn mua được căn nhà hợp lý, lâu dài, nhưng nếu không có cơ chế hỗ trợ cho vay tiền mua nhà thì họ rất khó thực hiện.
"Ở khu này, giá đất rất cao, nên công nhân, người lao động không đủ khả năng mua. Nếu được mua, tôi mong muốn có những khu nhà tương tự như thế này để chúng tôi được ở và mua với giá hợp lý, trả lãi suất cố định, ưu đãi, trả góp trong nhiều năm", chị Mễ Thị Thu, tỉnh Phú Thọ, nói.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất thí điểm quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho giấc mơ an cư lạc nghiệp của hàng triệu công nhân.
Hiện có 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ bên ngoài khu công nghiệp và chi phí thuê nhà hàng tháng chiếm đến 30% trên tổng thu nhập của họ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân là rất cần thiết, góp phần quan trọng tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, vướng mắc trong những năm vừa qua về giải quyết nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để công nhân gắn bó hơn với tổ chức Công đoàn.
Tháo gỡ vướng mắc trong xây nhà lưu trú
Một vấn đề đặt ra là đi đôi với việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân cần phải đảm bảo việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ nhằm tránh tình trạng xuống cấp sau một thời gian đưa vào hoạt động như hiện nay.
Cơ sở hạ tầng xuống cấp, nứt sàn, vỡ gạch, trần và tường ẩm mốc, rộp, bong tróc, đây là thực trạng đang diễn ra tại khu nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long Hà Nội sau một thời gian đi vào hoạt động
"Bọn em đã ở được 3 năm. Chung cư ở đây đang xuống cấp, cơ sở hạ tầng xuống cấp nhiều, gạch bị bung, thang máy hỏng..., rất mong muốn được bảo dưỡng định kỳ", chị Nguyễn Thu Lan, Công ty TNHH Cannon Việt Nam, chia sẻ.
Với kỳ vọng ban đầu là giúp người lao động được "an cư" để yên tâm sản xuất trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian dài đưa vào sử dụng, khu nhà ở tại đây đã bộc lộ không ít những bất cập cả về công tác quản lý vận hành lẫn chất lượng công trình.
"Mong muốn được cung cấp thêm bình nóng lạnh, điều hòa, nếu được thì cho bọn em lắp thêm tủ lạnh, nâng cấp đường dây điện", chị Nguyễn Thị Thúy, Công ty TNHH Cannon Việt Nam, nói.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội, Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng 160.000 lao động, trong đó mới chỉ có 3 khu công nghiệp có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu sinh sống của công nhân.
Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân. Các địa phương cần có cơ chế, khuyến khích, thu hút nhiều thành phần tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại khu công nghiệp trên địa bàn. Dù là nhà cho thuê hay bán cho công nhân, phải chú trọng đến chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người lao động.
Về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, ngày 24/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương báo cáo định kỳ hàng tháng về tiến độ triển khai thực hiện, cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất phương án, thời gian hỗ trợ lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng này.