Những dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng này không mới, nếu chúng ta nhớ lại con số 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ của Bộ Công Thương. Trong các dự án đó, không dễ biết được bao nhiêu do thiếu trách nhiệm, móc ngoặc, và bao nhiêu do rủi ro kinh doanh không lường trước được.
Trong vụ việc của PVN - 1 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - khi người ta còn đang tranh cãi và chờ đợi về chuyện quy trách nhiệm, có một sự thật rõ ràng là nguồn lực nhà nước đang không được quản lý hiệu quả với nhiều dự án thua lỗ lớn.
Mối quan hệ chằng chịt, phức tạp
Với một ma trận chằng chịt, phức tạp các mối quan hệ đan xen của tập đoàn nhà nước, những người lãnh đạo của PVN rất khó để độc lập ra các quyết định kinh doanh. Lằn ranh giữa quyết định kinh doanh thuần túy, chấp nhận rủi ro, với những quyết định đầu tư vì ai đó chỉ đạo, gợi ý hay để lấy lòng người nào đó, hết sức mong manh ở những tập đoàn này.
Cái ma trận quan hệ của 1 tập đoàn nhà nước lớn có thể mang lại lợi ích nhất định về ưu đãi, tiền bạc, quan hệ, nhưng cũng cản trở những quyết định kinh doanh thuần túy, và vì vậy hạn chế năng lực những ai thật sự muốn làm chuyên môn, làm kinh doanh tốt ở tập đoàn như thế. Đây không phải là điều chỉ có ở Việt Nam ngay cả những nước như Mỹ, những quan hệ chính trị (political connections) cũng có tác động đến quyết định đầu tư của DN.
Ngoài những yếu tố quan hệ chằng chịt đó, còn là vấn đề động lực. Những người lãnh đạo ở PVN chắc phải cân nhắc khi đưa ra các quyết định đầu tư có tính rủi ro. Họ sẽ được gì nếu dự án ở Venezuela thành công và bị gì khi nó thất bại? Ở DN thông thường, thất bại của dự án Venezuela đơn thuần là thất bại của quyết định mạo hiểm trong kinh doanh. Còn ở công ty nhà nước, người ta đang nói tới vấn đề “mắt xích” chỉ đạo.
Điều này có nghĩa dù có mướn người nước ngoài điều hành DNNN Việt Nam, hay trả lương rất cao cho tầng lớp quản lý, cũng chưa chắc họ có thể điều hành DNNN được tốt. Đơn giản vì họ không dám ra những quyết định kinh doanh táo bạo và sáng suốt như khi điều hành DN tư nhân.
Một người bạn học người Hồng Công của tôi chừng 5 năm trước đến Việt Nam tìm hiểu đầu tư, sau đó về có nói CPH tập đoàn lớn là giấc mơ lớn của Việt Nam. Đến nay hình như nó vẫn là giấc mơ thật. Hy vọng 5 năm nữa nó không còn là mơ. |
Khi nguồn lực này không thể được quản lý hiệu quả vì những lý lẽ kể trên, lựa chọn thay thế là nên đẩy nhanh cổ phần hóa (CPH), điều những tổ chức quốc tế ở Việt Nam như World Bank luôn thúc đẩy, và cũng là lý do nước ngoài tin tưởng Việt Nam còn có thể đổi mới động lực tăng trưởng nhanh hơn nữa.
Thất vọng CPH?
Thất vọng CPH?
CPH từng là điểm sáng để người ta giới thiệu về Việt Nam ở thị trường vốn quốc tế trong những năm 2017, 2018. Thế nhưng, vào cuối 2018 với tốc độ CPH DNNN rất chậm, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã tỏ ra thất vọng.
Nếu không có sự đột phá trong CPH DNNN, chúng ta mãi chỉ là nền kinh tế có tiềm năng chẳng bao giờ vượt qua chính mình. |
Trong bài viết “Giải tỏa áp lực CPH 2019” trên ĐTTC ngày 28-1-2019, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ CPH được chỉ ra “do khâu tổ chức thực hiện và quyết tâm của người đứng đầu DNNN; kỷ luật chấp hành chỉ đạo của những người có trách nhiệm chưa nghiêm; còn tư tưởng e ngại, sợ mất quyền lợi nên cố tình trì hoãn, kéo dài… và vướng mắc trong vấn đề xử lý đất đai DN đang quản lý sử dụng”.
Đây là những lý do không mới, nhưng bao nhiêu năm qua vẫn tồn tại do không ai chế tài những DN chậm CPH, cùng với những nút thắt về mặt pháp luật chậm được gỡ. Vì sao có sự chậm trễ đó, Chính phủ và Quốc hội có thể làm gì để đẩy nhanh tiến trình này, đang là câu hỏi cấp thiết, không thể đợi 5 năm nữa vẫn tiếp tục đưa ra những lý do này, để rồi vẫn không có bao nhiêu DN được CPH.
Nhà máy đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ của Bộ Công Thương.
CPH tất nhiên không phải thuốc tiên, cứ CPH xong là chữa được bệnh của DNNN. Khi Nhà nước vẫn còn nắm lượng lớn cổ phần chi phối sau CPH, vấn đề quan hệ chằng chịt và nhập nhằng trong nội bộ DN đó vẫn sẽ khó xử lý (chẳng hạn như quyết định có chia cổ tức hay không, hay các quyết định đầu tư có tính mạo hiểm cổ đông nhà nước không muốn). Ngay cả với các công ty, ngân hàng chủ yếu là tư nhân nắm quyền, vẫn có những vụ việc lãnh đạo trong HĐQT đấu đá nhau hàng mấy năm trời cũng không giải quyết được.
Nhưng chí ít, CPH rồi Nhà nước bớt phải rót tiền cho các dự án ngàn tỷ, bớt đi chuyện phức tạp chi phối tới quyết định đầu tư của DNNN, và khi có tư nhân tham gia những công chuyện làm ăn cũng phải minh bạch hơn, nguồn lực xã hội sẽ được tận dụng hiệu quả hơn. Đó là cốt lõi của câu chuyện CPH.
Chính vì vậy, cái lợi của CPH khi tính là phải tính cả phần tiết kiệm được những chi phí tốn kém, để điều tra xem thua lỗ ngàn tỷ là do tham nhũng hay rủi ro kinh doanh, mua sắm tài sản ngàn tỷ hợp lý không... Đó đều trở thành những quyết định kinh doanh nên để cho người làm kinh doanh quyết định. Nguồn vốn của xã hội vì vậy sẽ được phân bổ hiệu quả hơn, đó là cái cốt lõi của tăng tính cạnh tranh nền kinh tế.
Một khi đã nhìn nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển của nền kinh tế, cũng cần quán triệt thêm điểm nữa, là những cái được mất của CPH không nên đong đếm quá kỹ ở thì hiện tại, mà phải tính đến những lợi ích lâu dài của chuyện phân bổ nguồn lực xã hội, tránh việc phải tiếp tục bơm tiền cho những dự án thua lỗ kéo dài và mạnh dạn đẩy nhanh CPH.
Còn ở phía làm luật cũng nên mạnh dạn hỗ trợ công cụ chế tài để đẩy nhanh CPH, cụ thể cho phép chế tài dứt khoát và mạnh mẽ những trường hợp chậm CPH.