Nửa năm sau khi Việt Nam vượt qua Brazil trở thành nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, ngành cà phê trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là khả năng cạnh tranh giành thị trường yếu đi, bị động về giá, đặc biệt đang loay hoay tìm phương án giải quyết công nợ.
Bấp bênh giá cả
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 8 vừa qua ước đạt 86.000 tấn, với giá trị kim ngạch 183 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng năm nay ước đạt 974.000 tấn với giá trị kim ngạch 2,09 tỷ USD, giảm 23,2% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so cùng kỳ năm 2012.
Dù giá trị xuất khẩu sang các thị trường như Anh, Tây Ban Nha và Nga tăng 11,5%, 7,7% và 16,9%, nhưng tại 2 thị trường lớn là Đức và Hoa Kỳ lại giảm mạnh, lần lượt 18,7% và 30,3%. Nguyên nhân khiến xuất khẩu cà phê giảm sút chủ yếu do giá cà phê trong nước giảm.
Như giá cà phê nhân xô tại Tây nguyên vào thời điểm hiện tại giảm còn 36.600-37.000 đồng/kg, so với trên 40.000 đồng/kg vài tuần trước. Trong khi đó, doanh nghiệp, đại lý và nông dân cho biết giá nội địa phải trên mức 44.000 đồng/kg và giá xuất khẩu 2.100-2.200USD/tấn mới có thể có lời.
Dù Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) đánh giá Việt Nam đã vượt qua Brazil để trở thành nhà xuất khẩu cà phê số 1 trên thế giới, nhưng tình hình xuất khẩu vẫn khó khăn, bà con nông dân thu lãi thấp. Cần có quỹ riêng phát triển ngành cà phê để bình ổn giá, đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Ông Nguyễn Viết Vinh, |
Theo Vicofa, sản xuất cà phê nước ta đang gặp 3 khó khăn rất lớn và nếu không giải quyết được, không những người dân, doanh nghiệp mà cả ngành cà phê sẽ đi đến "ngõ cụt".
Thứ nhất, tái canh cây cà phê. Hiện nay lượng cây cà phê già có tuổi đời trên 25 năm chiếm đến 30% trong tổng diện tích 520.000ha cà phê đang khai thác (khoảng 130.000ha). Những cây cà phê già cỗi này cho năng suất sản lượng thấp, vì vậy trồng mới lại diện tích cà phê già cỗi là vấn đề bức thiết đề ra.
Thứ hai, chi phí đầu vào như phân bón, nông dược tăng lên nhanh chóng. Tuy chưa có con số điều tra chính thức nhưng hiện nay chi phí sản xuất 1kg cà phê của nông dân khoảng 3.000 đồng, trong khi giá bán ra khoảng 3.800 đồng. Chi phí đầu vào sản xuất cà phê tăng lên tạo ra áp lực về giá bán.
Thứ ba, thiếu yếu tố ổn định về giá kể cả trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Mặt hàng cà phê chịu tác động rất lớn giá cả quốc tế, đặc biệt tại thị trường London và NewYork. Lúc ở mức giá cao nhưng có khi giá lại xuống thấp cả vài trăm USD.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cà phê thường thực hiện giao dịch mua bán cà phê trước vài tháng đến cả năm (giao dịch mua bán kỳ hạn), tức giao dịch trước khi có hàng. Nhưng do không chủ động được nguồn hàng và giá cả, nhiều doanh nghiệp khi ký hợp đồng xong mới tổ chức thu mua nên dễ gặp rủi ro.
Chưa kể 2 đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Brazil và Indonesia vừa trúng mùa cà phê, một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ là giá trừ lùi (giá bên mua trừ vào bên bán do chất lượng và thương hiệu). Thí dụ, giá cà phê hiện tại 1.758USD/tấn, với mức trừ lùi 50USD/tấn, bên bán chỉ nhận được 1.708USD/tấn, tức doanh nghiệp cà phê nội đã bị ép giá.
Từ nợ xấu đến vỡ nợ!
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), do thiếu vốn nên 2 năm qua doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao 15-18%/năm. Trong khi lượng cà phê tồn đọng ngày càng tăng do xuất khẩu giảm, dẫn đến nợ xấu tăng theo. Theo Vicofa, dư nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp cà phê hiện nay khoảng 80.000 tỷ đồng (chiếm 60% tổng dư nợ toàn ngành), trong đó nhiều khoản nợ đã trở thành nợ xấu, khó thu hồi.
Nhiều doanh nghiệp đã mua cà phê lúc giá tăng mạnh 46.000 đồng/kg những tháng đầu năm, nay giá xuất khẩu giảm càng bị lỗ nặng. Vụ việc 7 ngân hàng cùng xiết nợ Công ty Trường Ngân, một doanh nghiệp cà phê lớn ở tỉnh Bình Dương với tổng số tiền vay lên tới cả ngàn tỷ đồng, đã cho thấy hậu quả của việc lãi suất cho vay quá cao. Có thời điểm công ty này phải trả lãi suất cho vay hơn 20%/năm.
Cà phê là một ngành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, song vẫn còn nhiều bế tắc. |
Thực tế, tình trạng doanh nghiệp cà phê vỡ nợ là vấn đề không mới, hầu như năm nào cũng xảy ra. Thống kê của Vicofa, trong năm 2012 hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê tại các tỉnh khu vực trên Tây nguyên đã vỡ nợ hàng ngàn tỷ đồng.
Thiệt hại trong những vụ vỡ nợ này vẫn luôn thuộc về người dân, bởi hầu hết khi ký gửi cà phê, cho vay tiền mặt nông dân chỉ có giấy nợ viết tay. Chỉ tính riêng địa bàn Đắk Lắk trong năm 2012 đã có 43 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ, mất khả năng thanh toán khoảng 300 tỷ đồng và nợ nông dân khoảng 3.000 tấn cà phê nhân ký gửi.
Hơn 1.000 nông dân Đắk Lắk mất trắng tài sản vì đã ký gửi cà phê cho các đại lý thu mua. Vỡ nợ của doanh nghiệp cà phê cũng xảy ra ở Gia Lai. Đó là trường hợp của bà Đặng Thị Hường, chủ nhà hàng Đại Phúc, thuộc doanh nghiệp Phúc Vinh với số tiền nợ lên đến 69 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Nam Hải nhìn nhận khó khăn về tài chính kéo dài khiến doanh nghiệp phá sản là điều khó tránh khỏi. Nhưng làm cách nào để hạn chế tối đa doanh nghiệp bị xóa sổ không dễ. Hiện tại, tình hình bất ổn tại Syria - nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới - nên giá dầu sẽ thay đổi từng ngày và các nhà đầu cơ sẽ rút vốn từ việc kinh doanh cà phê sang các kênh đầu tư khác.
Điều này sẽ khiến giá cà phê thời gian tới có thể tiếp tục giảm, có nghĩa doanh nghiệp và người trồng cà phê tiếp tục thua lỗ. Doanh nghiệp và người nông dân chỉ còn cách tích trữ lượng cà phê thành phẩm, chờ được giá mới bán. Vicofa đã kiến nghị với Bộ Tài chính tìm giải pháp hỗ trợ về nguồn vốn, giãn các khoản nợ vay để doanh nghiệp cà phê và người nông dân khắc phục khó khăn.
Vicofa cũng kết hợp với Bộ NN-PTNT tìm nhiều phương cách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân về phương thức sản xuất, về bảo quản, về giống cà phê để có thể tăng năng suất, chất lượng đáp ứng kế hoạch phát triển lâu dài, giúp ngành cà phê ổn định, đứng vững trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Đòn bẩy chính sách
Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch cao mà Việt Nam có thể chủ động tốt khâu sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, giá trị gia tăng thu lại vẫn rất thấp so với khâu phân phối thương mại. Muốn ngành cà phê phát triển, không gì khác hơn là phải có chính sách toàn diện từ khâu trồng trọt, sản xuất, chế biến cho đến xuất khẩu.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ kết hợp với các ngân hàng thương mại, tìm phương án thích hợp để hỗ trợ doanh nghiệp cà phê trong giai đoạn khó khăn này. Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị cho phép mặt hàng cà phê được áp dụng chính sách kéo dài thời gian vay vốn tín dụng xuất khẩu tối đa trên 36 tháng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, |
Theo các chuyên gia, để tăng giá trị cho cà phê Việt, bên cạnh việc chế biến sâu, cần phải đầu tư cho giá trị thương hiệu, trong đó việc xây dựng cà phê có chỉ dẫn địa lý (GI) là một yếu tố quan trọng. Ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng cà phê có chỉ dẫn địa lý là một trong những xu hướng phát triển quan trọng được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Chỉ dẫn địa lý được xem là công cụ để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt Nam.
Bên cạnh các yếu tố trên, một trong những điều kiện quan trọng để nâng giá trị, giúp ngành cà phê Việt phát triển bền vững, cấp thiết phải có sự liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, nhà quản lý, doanh nghiệp và Nhà nước.
Theo ông Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, vài năm trở lại đây chất lượng cà phê Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, nếu quản lý tốt hơn, doanh nghiệp, hiệp hội nỗ lực nhiều hơn và có sự liên kết 4 nhà, chất lượng cà phê sẽ tốt hơn.
Cà phê là một trong những lợi thế cạnh tranh của quốc gia, Vì vậy cần được quan tâm đúng mức. Xây dựng thương hiệu “quốc gia cà phê” để khẳng định vai trò của Việt Nam trong ngành cà phê toàn cầu là rất cần thiết và cấp bách. Đây có thể coi là liệu pháp giúp doanh nghiệp cà phê củng cố niềm tin, từng bước vượt qua khó khăn.