Giải ngân không đạt, người đứng đầu chịu trách nhiệm

(ĐTTCO)-Tỷ lệ giải ngân đầu tư công trên địa bàn TPHCM so với cùng kỳ có tiến bộ hơn, nhưng so với kỳ vọng đặt ra vẫn còn thấp. Một trong những vướng mắc là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục giải ngân… vẫn chậm.
Giải ngân không đạt, người đứng đầu chịu trách nhiệm
Tại cuộc họp về công tác giải ngân vốn đầu tư công giữa tuần qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, cho biết công tác giải ngân tại nhiều đơn vị quá thấp, cá biệt có đơn vị đến nay giải ngân đạt… 0%.
Một số quận, huyện, đơn vị tỷ lệ giải ngân đến ngày 9-6 khá thấp, như quận 1 (1,67%), quận 11 (24%), quận 12 (26%), Thủ Đức (23%), Tân Phú (13%), Nhà Bè (12,9%). Một số sở, đơn vị không giải ngân đồng nào, như Sở Nội vụ, Sở Công Thương, Thảo Cầm viên Sài Gòn.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Lê Thị Quỳnh Mai, tính đến hết ngày 9-6, TP đã giải ngân được 9.482,916 tỷ đồng, đạt 22,75% kế hoạch vốn đã giao 41.691,846 tỷ đồng. Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành chưa quyết toán và số vốn đã chi cho các dự án nhưng chưa hoàn trả tạm ứng 6.101,197 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 37,38% so với kế hoạch vốn được giao.
Hiện TP đã bố trí vốn thực hiện cho 74 dự án bồi thường hỗ trợ, tái định cư với tổng số vốn 4.181 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác GPMB, việc giải ngân các dự án đầu tư công này đang gặp nhiều khó khăn. 
Bên cạnh đó, đến nay nhiều dự án đầu tư công tại TPHCM đã hoàn thành việc giải ngân, nhưng chưa quyết toán được vì vướng thủ tục của bộ, ngành. Nếu tính đầy đủ cả các dự án này, vốn đầu tư công đã giải ngân sẽ tăng thêm 6.101 tỷ đồng. Thực tế, nhiều đơn vị đã rất nỗ lực trong việc giải ngân, đặc biệt sau khi có quy trình giải ngân đầu tư công, các đơn vị có cơ sở để triển khai.
Tuy nhiên so với kỳ vọng chưa đạt yêu cầu, nhất là khâu quyết toán tiến độ giải ngân vẫn chậm. Vì thế, việc phối hợp giữa các sở ngành với các bộ ngành trung ương cần chặt chẽ hơn, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân hơn nữa. 
“Văn bản 622 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất cụ thể, đây là giải pháp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng. Một đồng vốn đầu tư của Nhà nước sẽ huy động được 13 đồng vốn bên ngoài xã hội. Nếu chúng ta làm tốt, thu ngân sách sẽ đạt 92% trở lên, còn không chỉ 85%” - Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, đồng thời chỉ đạo Văn phòng UBND TP chuẩn bị báo cáo sơ kết 6 tháng, phân tích đầy đủ nguyên nhân để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. 
Theo ông Tuyến, trách nhiệm các tổ chức, đơn vị có 3 mốc thời gian: đến 30-6 giải ngân ít nhất 50%, đến 31-7 giải ngân thấp nhất 60% và đến 15-10 thấp nhất 80%. Ông Tuyến đề nghị các đơn vị hoàn thành ngay việc quyết toán khối lượng, vướng chỗ nào TP sẽ trực tiếp làm việc với đơn vị đó. Tập trung giải quyết khó khăn cụ thể, như công tác GPMB các đơn vị, lãnh đạo các quận huyện phải tổ chức giao ban hàng tuần để tháo gỡ khó khăn. Giao Sở KH-ĐT hỗ trợ các quận huyện, đơn vị giải quyết những khó khăn hiện nay. 
Hiện nay Nghị quyết 27 về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho các quận huyện thực hiện dự án. Nhưng đến nay các đơn vị vẫn chưa có kế hoạch triển khai Nghị quyết 27. Do đó ông Tuyến yêu cầu Sở TN-MT gấp rút hoàn thiện trước 30-6. Nếu đến 31-7, theo quy trình của TP phê duyệt sẽ cắt vốn đều chuyển vốn nếu chậm giải ngân và người đứng đầu phải giải trình, làm kiểm điểm.
Nói về người đứng đầu chịu trách nhiệm, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết: “Tôi mới kiểm tra 1 văn bản của Sở TN-MT được giao nhiệm vụ từ ngày 15-1, tức sau 15 ngày phải báo cáo, nhưng nay đã bước sang tháng 6, Sở TN-MT vẫn chưa trả lời để doanh nghiệp phải bị rút giấy phép. Việc này đã đủ cơ sở để cách chức cán bộ chịu trách nhiệm. Bởi chỉ đạo của UBND TP nếu được hay không phải báo cáo, không thể im lặng như thế”. 

Các tin khác