Giải pháp căn cơ ổn định tỷ giá

Xin được nói rõ ngay sự ổn định VNĐ trong nền kinh tế thị trường hội nhập ngày nay là ổn định trong sự biến đổi có giới hạn; lúc tăng lúc giảm theo cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối có tổ chức, theo mục tiêu định hướng ổn định kinh tế vĩ mô. Sự ổn định không đồng nghĩa với cố định và rất kiêng kỵ với những giải pháp điều chỉnh tỷ giá gây sốc.

Xin được nói rõ ngay sự ổn định VNĐ trong nền kinh tế thị trường hội nhập ngày nay là ổn định trong sự biến đổi có giới hạn; lúc tăng lúc giảm theo cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối có tổ chức, theo mục tiêu định hướng ổn định kinh tế vĩ mô. Sự ổn định không đồng nghĩa với cố định và rất kiêng kỵ với những giải pháp điều chỉnh tỷ giá gây sốc.

Truy tìm căn nguyên

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn xác định “điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường”. Điều này cần được hiểu nhất quán là thị trường có tổ chức, không bị động theo diễn biến thị trường ngoại hối tự do, tức thị trường bất hợp pháp, gọi là chợ đen. Vì vậy muốn giữ ổn định tỷ giá phải xử lý hàng loạt các giải pháp, chính sách và cơ chế quản lý; kể cả nghệ thuật điều hành tác nghiệp về tỷ giá của NHNN.

Nhiều năm qua nước ta luôn nằm trong tình trạng mất cân đối cung cầu ngoại tệ; cung không đáp ứng cầu luôn xảy ra ở thị trường chính thức, có tổ chức, do 2 nguyên nhân cơ bản: “sức khỏe” của cả nền kinh tế đang gặp nhiều bất cập; tuy có phát triển nhưng các cân đối vĩ mô luôn bất ổn, không đồng bộ. Chẳng hạn tình trạng nhập siêu, một mặt phục vụ yêu cầu tăng trưởng, tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu, nhưng mặt khác lại làm gia tăng sự mất cân đối cung cầu ngoại tệ...

Chính sách ngoại hối tự do quá mức cần thiết tác động xấu đến cân đối cung cầu ngoại tệ. Ảnh: LÃ ANH

Chính sách ngoại hối tự do quá mức cần thiết
tác động xấu đến cân đối cung cầu ngoại tệ. Ảnh: LÃ ANH

Bên cạnh đó việc mất cân đối, thiếu hụt ngoại tệ còn mang “tính giả tạo”, bắt nguồn từ chính sách nới lỏng quản lý ngoại hối của nước ta khi hội nhập mà chưa đủ sức để hòa nhập. Để xử lý sự thiếu hụt ngoại tệ thực sự bắt nguồn từ “sức khỏe” nền kinh tế, đòi hỏi phải có thời gian, không thể khắc phục một sớm một chiều, xử lý trong trung hạn ít nhất phải đến 5 năm.

Các giải pháp xử lý vấn đề này Chính phủ đã vạch ra đầy đủ trong Nghị quyết 11 về chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. 6 nhóm giải pháp của Nghị quyết 11 nếu được đồng thuận thực thi quyết liệt, bền bỉ và có tính xuyên suốt, trước mắt cả trong trung dài hạn sẽ giải quyết sự thiếu hụt ngoại tệ căn cơ như trên đã nói.

Đối với những giải pháp chính sách để khắc phục tình trạng thiếu hụt ngoại tệ giả tạo, chúng tôi nghĩ Chính phủ và các bộ, ngành quản lý chức năng, đặc biệt là NHNN, phải thực sự mạnh tay xử lý tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế làm phân tán các nguồn thu ngoại tệ của đất nước tràn lan như hiện nay.

Thiết lập cơ chế mua-bán ngoại tệ

Có thể nói chính sách ngoại hối nước ta có phần “tự do” quá mức cần thiết, nên tự nó đã tác động tiêu cực đến cân đối cung cầu ngoại tệ, tức tạo nên tình trạng thiếu hụt ngoại tệ một cách giả tạo trên thị trường ngoại hối chính thức có tổ chức. Vấn đề này đã được người viết trình bày đầy đủ trong bài viết đăng trên báo Đầu tư Tài chính (số 404 ngày 24-3-2011), nên xin không nhắc lại những nội dung đã được đề cập. Và đây là nguyên nhân chủ yếu tạo nên tình trạng bát nháo thị trường ngoại tệ.

Đã tới lúc Nhà nước cần áp dụng thông lệ quốc tế để xử lý vấn đề đô la hóa tiền mặt trong dân cư như các nước láng giềng: Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… Bất kể ai có ngoại tệ đều phải đổi ra bản tệ để chi tiêu trong nước. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch quốc tế, các cửa hàng, cơ quan giao tế phục vụ đối tượng người nước ngoài… cũng cần chấm dứt việc cho phép thu nhận trực tiếp bằng ngoại tệ (cả tiền mặt và chuyển khoản…).

Cần xác định việc áp dụng chế tài cấm đô la hóa tiền mặt trong sở hữu cất giữ của dân cư chắc chắn sẽ có sự phản ứng, không dễ đồng thuận ngay của dư luận xã hội. Nhưng Nhà nước cần kiên trì, có chính sách thỏa đáng về tỷ giá khi dân chúng rút tiền gửi tài khoản ngoại tệ bằng tiền mặt hay chuyển khoản VNĐ để tiêu dùng, thay thế việc rút ra bằng tiền mặt ngoại tệ, chủ yếu là tiền mặt USD như hiện nay.

Kiều hối về Việt Nam cũng xử lý chuyển đổi ra VNĐ để chi tiêu trong nước; còn nguồn kiều hối chưa tiêu dùng họ vẫn có thể gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại được phép bằng ngoại tệ hoặc bằng tài khoản VNĐ chuyển đổi…

Xử lý tình trạng đô la hóa tiền mặt trong nền kinh tế theo giải pháp trên đây sẽ giúp hệ thống ngân hàng thương mại được phép và NHNN tập trung trong tay một lượng lớn ngoại tệ, nhất định sẽ cải thiện đáng kể sự thiếu hụt ngoại tệ trong cán cân thanh toán vãng lai đối ngoại nước ta. Lâu nay chúng ta loay hoay lý thuyết định hướng “tiến tới trên đất nước Việt Nam chỉ duy nhất sử dụng VNĐ để chi trả, thanh toán”, nhưng không xác lập chế tài cụ thể để thực thi.

Quan điểm xử lý vấn đề sở hữu tiền mặt USD trong dân cư nói trên, chính là bước đi đầu tiên trong giải pháp chính sách khắc phục đô la hóa nền kinh tế lúc này. Mặt khác, không thể duy trì tình trạng tổ chức doanh nghiệp nào cũng mở tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại được phép để “kết hối - bán dần” cho ngân hàng.

Không thể áp dụng chế tài luật pháp hành chính từng lần bằng cách Thủ tướng Chính phủ phải can thiệp bằng chỉ thị yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có tài sản ngoại tệ ký gửi tại ngân hàng thương mại được phép, trích bán ngoại tệ cho ngân hàng mỗi khi cung cầu ngoại tệ có sự căng thẳng. Giải pháp can thiệp hành chính kiểu này chỉ là sự điều hành tình thế, không căn cơ và ngộ nhận về cơ chế tự chủ tài chính.

Theo tôi, đã đến lúc cần xóa bỏ cơ chế tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại được phép của mọi tổ chức kinh tế, lớn hoặc nhỏ của bất cứ thành phần kinh tế nào, kể cả các pháp nhân kinh tế có yếu tố đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chuyển hẳn sang cơ chế giao dịch mua, bán ngoại tệ.

Chính cơ chế đa sở hữu ngoại tệ, tài khoản tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế, thậm chí ngân sách nhà nước thu ngoại tệ cũng ký gửi ngân hàng, đang làm méo mó tình hình cung cầu ngoại tệ của đất nước. Sự thiếu hụt ngoại tệ giả tạo do khâu này gây ra đã làm “bó tay” hệ thống ngân hàng trong điều hành tác nghiệp cung cầu ngoại tệ và sự bình ổn tỷ giá VNĐ.

Vai trò điều hành NHNN Trung ương

Xử lý cung cầu ngoại tệ để ổn định tỷ giá theo định hướng chung của chính sách kinh tế vĩ mô, đòi hỏi trong tay NHNN phải tạo lập đủ nguồn vốn ngoại tệ và cả nguồn vốn bằng VNĐ để tham gia tác nghiệp vào sự bình ổn tỷ giá. Lâu nay chúng ta hay nói quỹ dự trữ ngoại tệ nhà nước có lúc công khai con số, có lúc lập lờ và quỹ này có dùng vào việc bình ổn tỷ giá hay không cũng thật mù mờ...

Chính sách tỷ giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước mà nước ta đang theo đuổi là đúng đắn, không phải bàn cãi. Điều đáng nói sự điều tiết của NHNN còn mang tính chất bị động, đối phó với thị trường ngoại tệ tự do đang là bất cập cần khắc phục. Sự can thiệp, điều tiết bằng giải pháp phá giá tiền tệ là hơi nhiều so với các nước (5 lần điều chỉnh trong 3 năm). Với mức tỷ giá thị trường hiện nay (21.000 đồng/USD) nên giữ ổn định lâu dài hơn, không nên điều chỉnh tỷ giá thêm.

Để tham gia bình ổn tỷ giá, NHNN Trung ương cần phải nắm trong tay quỹ bình ổn tỷ giá vừa bằng ngoại tệ, vừa bằng VNĐ với một lượng vốn cần thiết được tính toán tác nghiệp cụ thể; tách bạch với quỹ dự trữ ngoại tệ nhà nước làm chức năng dự trữ chiến lược, thuộc vốn ngân sách quốc gia.

Theo tôi, Nhà nước bỏ vốn đầu tư tạo lập các quỹ nói trên sẽ rất cần thiết và quan trọng hơn nhiều so với việc bỏ vốn đầu tư một số dự án lâu nay được đánh giá không hiệu quả như công luận đã phản ánh. Nguồn vốn ngoại tệ và VNĐ cho các quỹ này hà cớ gì không sử dụng vốn vay ổn định cán cân thanh toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay các nguồn vốn ODA khác?

Đối với vốn VNĐ sẽ góp phần bình ổn tỷ giá khi mua ngoại tệ vào, Nhà nước nên cho phép sử dụng vốn thặng dư từ cổ phần hóa hệ thống ngân hàng thương mại thuộc quyền sử dụng của ngân sách nhà nước. Chẳng lẽ cứ mỗi khi bỏ vốn VNĐ ra mua ngoại tệ để tăng cường tiềm lực dự trữ ngoại tệ cho đất nước lại bị đổ lỗi là gây áp lực lạm phát?!...

Phải thừa nhận rằng đất nước ta kể từ khi đổi mới, vận hành kinh tế tiền tệ theo cơ chế thị trường, từ năm 1990 trở đi sức mua đối ngoại của VNĐ luôn sụt giảm. Nói cách khác, tương quan tỷ giá của VNĐ so với ngoại tệ, đặc biệt so với USD (đồng tiền có vị thế quốc tế chủ yếu, được lấy làm tiền tệ bản vị của tiền tệ các nước) VNĐ luôn trong tình trạng mất giá. Cho đến ngày nay, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại được phép đã ở mức trên dưới 21.000 đồng/USD. Vấn đề đặt ra VNĐ sẽ tiếp tục mất giá nữa hay giữ ổn định ở mức hiện nay?

Ổn định tỷ giá phải nằm trong sự biến đổi cung cầu ngoại tệ trên thị trường có tổ chức. Từ tỷ giá mục tiêu định hướng, NHNN cần sử dụng công cụ quỹ bình ổn tỷ giá để điều tiết tăng hay giảm với mức độ hợp lý, theo tín hiệu thị trường.

Mức tăng hay giảm được duy trì quanh biên độ ấn định. Với những giải pháp như đã đề cập, nếu được sự đồng thuận nhất trí cao trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tôi tin rằng chúng ta đủ sức, đủ bản lĩnh để ổn định cán cân cung cầu ngoại tệ và giữ ổn định tỷ giá VNĐ một cách căn cơ.

----------

> Thị trường ngoại hối chuyển động tích cực

Các tin khác