Giảm giá khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng Việt

(ĐTTCO)-Theo các đơn vị kinh doanh, song song với chung tay phòng chống COVID-19, đây cũng là thời điểm thuận lợi để mang hàng Việt đến với người tiêu dùng cả nước, nhất là góp phần tạo đầu ra cho nông sản.
Các điểm bán thuộc Saigon Co.op đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)
Các điểm bán thuộc Saigon Co.op đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày cuối tháng Tám này, nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Các đơn vị kinh doanh cho rằng song song với chung tay phòng chống COVID-19, đây cũng là thời điểm thuận lợi để mang hàng Việt đến với người tiêu dùng cả nước, nhất là góp phần tạo đầu ra cho nông sản nội địa.

Chia sẻ áp lực chi tiêu

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), hai mục tiêu quan trọng mà hiện nay Saigon Co.op tập trung nguồn lực thực hiện là đảm bảo nguồn cung hàng hóa với giá tốt và môi trường mua sắm an toàn cho người dân.

Bên cạnh kích hoạt những phương án đảm bảo môi trường mua sắm tại các điểm bán, Saigon Co.op khuyến khích khách hàng mua sắm trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại.

Nhằm tiếp tục chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, tại các điểm bán thuộc Saigon Co.op đang thực hiện giảm giá trực tiếp đa dạng sản phẩm nhu yếu như sữa, rau củ, quả, thịt, cá, gạo, nước mắm... trong 3 tuần liên tiếp và tính từ ngày 20/8 vừa qua. Điển hình, vào 3 ngày đầu tuần hàng chục mặt hàng được áp dụng "Mua 2 tính tiền 1," còn 3 ngày cuối tuần có chương trình "Siêu ưu đãi" áp dụng mức giảm giá trung bình hơn 80%.

Tương tự Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan triển khai giảm giá với mức 20% dành cho mặt hàng thịt lợn VietGAP và thịt bò Australia tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op và Aeon Citimart.

Người tiêu dùng mua hàng trực tiếp tại hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan cũng được hưởng mức giá ưu đãi ở một số mặt hàng như thịt lợn xay, ba rọi lợn, sườn non lợn, cốt lết lợn... Chương trình áp dụng từ nay đến ngày 2/9 tới, tùy sản phẩm.

Bên cạnh đó, Vissan còn hỗ trợ khách hàng với chương trình khuyến mãi giảm giá 15% sản phẩm nước xương hầm áp dụng từ ngày 26/8-12/9 tới tại toàn bộ hệ thống siêu thị Coopmart trên toàn quốc.

Đồng thời, giảm giá lên đến 15% thực phẩm chế biến áp dụng từ nay đến ngày 27/8 tới cho tất cả khách hàng mua trực tiếp tại chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan trên địa bàn Thành phố hoặc đặt hàng qua hotline 19001960, fanpage www.fb.com/CuaHangVissan và trên sàn thương mại điện tử SENDO, NOW.

Cùng với việc triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, một số nhà bán lẻ, doanh nghiệp còn áp dụng phong phú ưu đãi cho khách hàng thành viên.

Tại LOTTE Mart, khách hàng thành viên mua sắm vào 3 ngày cuối tuần với hóa đơn từ 400.000 đồng được mua hàng với giá ưu đãi đặc biệt, tùy theo ngành hàng.

Hay khi khách hàng mua sắm sản phẩm mang thương hiệu Speed L của LOTTE Mart trong khung giờ vàng có thể nhận được giá ưu đãi lên đến 50%. Chương trình này còn áp dụng tặng quà cho khách hàng có hóa đơn từ 500.000 đồng.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Thanh Hà, cư ngụ tại quận Gò Vấp cho hay, trong thời gian qua, nhiều mặt hàng có giá cả tăng cao, nhất là thực phẩm tươi sống nên việc nhà bán lẻ, doanh nghiệp chạy chương trình khuyến mãi sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng chi tiêu hàng ngày của người dân. Đặc biệt, mặt hàng thịt lợn có nhiều sản phẩm giảm giá lên đến 40.000 đồng/kg, sức mua sẽ tăng, vì người dân có thể dự trữ cấp đông tại nhà.

Tương tự, chị Nguyễn Hoàng, nhân viên văn phòng tại quận 1 chia sẻ, cuối tuần gia đình thường đến trung tâm thương mại để mua thực phẩm dự trữ cho cả tuần. Gia đình rất hào hứng khi nhiều sản phẩm thịt lợn có giá ưu đãi thiết thực, trong khi mặt hàng này đang neo ở mức cao trong suốt thời gian qua.

"Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều nhà bán lẻ thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng, gia đình cũng tranh thủ mua sắm những mặt hàng cần thiết có giá giảm sâu so với thời điểm bình thường. Tuy nhiên, gia đình vẫn phải cân đối tài chính rất kỹ lưỡng, vì tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và chưa biết sẽ như thế nào," chị Nguyễn Hoàng cho biết thêm.

Cần giải pháp tăng sức mua

Trong vài tháng gần đây, thị trường tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng ảm đạm, khi người dân thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên mua sắm những mặt hàng thiết yếu. Điều này không chỉ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, mà gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của nhà bán lẻ, đơn vị phân phối do phải duy trì bộ máy nhân sự, vận hành với chi phí cao.

Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy mãi lực tại chợ truyền thống trên địa bàn thành phố tương đối ổn định nhưng tại nhiều hệ thống siêu thị đã giảm 10% đối với mặt hàng lượng thực, thực phẩm. Riêng lượng khách hàng vào hệ thống siêu thị mua sắm cũng giảm 50% do người dân hạn chế tiếp xúc nơi đông người và thực hiện quy định phòng chống dịch COVID-19.

Trước đó, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy vừa qua đạt 104.066 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và giảm 5,8% so với tháng cùng kỳ năm trước. Còn tính chung 7 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 718.133 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị này đang tăng cường theo dõi hoạt động kinh doanh tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ truyền thống... nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu. Theo đó, hầu hết đơn vị kinh doanh đều đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu đầy đủ và khách hàng mua sắm online, nhận giao hàng tại nhà cũng tăng lên đáng kể.

Hiện tại, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh đã và đang đẩy mạnh kênh mua sắm online và cạnh tranh bằng cách tung ra thị trường các sản phẩm mới, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng như không chỉ giao hàng tận nhà, mà còn với thời gian nhanh chóng và theo khung giờ yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả những giải pháp này, doanh nghiệp phải chuyển đổi khâu vận hành, nhân sự, đầu tư thiết bị...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bánh kẹo Á Châu-ABC Bakery cho rằng, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ đảm bảo tăng trưởng mà còn góp phần tạo đầu ra cho hàng Việt.

Điển hình, việc ABC Bakery sáng tạo các loại bánh mới không nằm ngoài đẩy mạnh tiêu thụ nhiều nông sản Việt, giúp nông dân bớt khó khăn khi nông phẩm khó tìm đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hiện ABC Bakery sử dụng 2,5 tấn thanh long mỗi ngày cho việc sản xuất các loại bánh tại hãng. Mới đây, doanh nghiệp cũng đưa sầu riêng 6 Ri vào các loại bánh của ABC Bakery và trong tương lai sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng nông sản và nguyên liệu nội địa trong hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm mới.

Liên quan đến giải pháp kích cầu tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, để duy trì sản xuất và lấy lại đà tăng trưởng, nhà bán lẻ, doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Đối với thị trường nội địa, nhà bán lẻ, doanh nghiệp phải chinh phục người tiêu dùng bằng cách đa dạng giải pháp tạo chuyển biến tích cực trong nâng cao giá trị hàng Việt và tiêu chuẩn hàng hóa, từng bước khẳng định thương hiệu Việt.

Các tin khác