Trong văn bản tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội về những chất vấn xung quanh hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) và những bất cập trong việc lỗ nhưng lương cao, các cơ quan liên quan đều cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn này trong thời gian tới.
Lỗ nhưng lương cao là... theo quy định
Theo phản ánh của cử tri Đà Nẵng, Cần Thơ về tình trạng ngành điện, xăng, dầu kinh doanh thua lỗ nhưng lương, thưởng nhân viên rất cao là không hợp lý, không công bằng so với mức lương, thưởng ở lĩnh vực, ngành khác. Nếu kinh doanh thua lỗ phải có biện pháp chế tài mạnh đối với lãnh đạo ngành.
Giải trình về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết TĐ Điện lực (EVN) và TĐ Xăng dầu (Petrolimex) những năm qua đã thực hiện các chế độ, chính sách tiền lương theo đúng quy định hiện hành, sự chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Đối với EVN, tiền lương người lao động sản xuất kinh doanh điện gắn với sản lượng điện thương phẩm. Ngoài tiền lương theo hệ thống thang, bảng lương do Nhà nước quy định, do đặc thù sản xuất kinh doanh, tính chất và điều kiện lao động, người lao động sản xuất kinh doanh điện còn được hưởng các khoản thu nhập khác như: tiền lương bổ sung chung, tiền vận hành an toàn điện, tiền lương làm thêm giờ, các khoản phụ cấp khu vực, lưu động, phụ cấp độc hại, nguy hiểm...
Tổng các khoản phụ cấp và tiền vận hành an toàn điện chiếm bình quân 27,8% tiền lương của người lao động. Tiền lương bình quân người lao động của EVN ở mức trung bình của các TĐ, TCT nhà nước với mức bình quân năm 2011 là 8,7 triệu đồng/người/tháng.
Với Petrolimex, căn cứ đơn giá tiền lương được giao, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và tình hình thực tế, TĐ quyết toán quỹ tiền lương thực hiện năm 2011 là 1.405 tỷ đồng, trong đó quỹ tiền lương kinh doanh xăng dầu là 1.161 tỷ đồng. Thu nhập bình quân năm 2011 hơn 7,4 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, tiền lương bình quân được hưởng từ nguồn quỹ tiền lương 2011 là 6,7 triệu đồng/người/tháng, chi quỹ khen thưởng và phúc lợi 700.000 đồng/người/tháng.
Theo Bộ Tài chính, năm 2011 do mưa nhiều hơn nên các nhà máy thủy điện đã tăng được sản lượng điện so với năm 2010 nên lỗ kinh doanh điện của EVN đã giảm đáng kể (lỗ phát sinh trong năm là 2.589 tỷ đồng). Với điều kiện thủy văn thụân lợi, năm 2012 hoạt động sản xuất kinh doanh điện dự kiến lãi khoảng 476 tỷ đồng.
Phân rõ trách nhiệm giám giám sát
Từ câu chuyện hiệu quả kinh doanh của 2 TĐ trên, nhiều cử tri đề nghị tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kết quả hoạt động của các TĐ, TCT và thông báo công khai kết quả thanh tra, kiểm toán để nhân dân được biết, đồng thời kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân sử dụng vốn ngân sách nhà nước để kinh doanh trái ngành nghề không mang lại hiệu quả, gây thất thoát cho ngân sách.
Trong văn bản trả lời đến đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan cam kết sẽ có những biện pháp để đánh giá thực trạng hoạt động của TĐ, TCT. Như Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư kinh doanh vốn và quy chế tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn, hướng doanh nghiệp tập trung vốn vào các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính, hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao; sửa đổi, bổ sung quy định để chủ sở hữu, cơ quan tài chính thực hiện công tác giám sát, cảnh báo tình hình hoạt động sản xuất-kinh doanh, tài chính doanh nghiệp.
Trong văn bản trả lời, Chính phủ cũng khẳng định đang tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về DNNN, trong đó có quy định pháp lý về quản lý giám sát tài chính, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch - Đầu tư được giao xây dựng dự thảo nghị định về thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và nghị định về quản lý, giám sát các TĐ, TCT nhà nước. Trong đó, tinh thần chung sẽ quy định chi tiết về trách nhiệm của các bộ trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của TĐ, TCT nhà nước.
Về cơ bản, công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát các TĐ, TCT lớn được thực hiện trên nguyên tắc: bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm cao nhất về hiệu quả, kết quả hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện công tác giám sát, đánh giá toàn diện doanh nghiệp; các bộ tổng hợp (Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh - Xã hội) thực hiện giám sát, đánh giá chung về doanh nghiệp một cách độc lập trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Tại báo cáo giải trình chất vấn của các đại biểu Quốc hội hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đánh giá lại các TĐ, yêu cầu các TĐ thực hiện thoái vốn trong các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính và sẽ khẩn trương phê duyệt đề án tái cơ cấu của từng TĐ kinh tế, TCT nhà nước.
Trong khi tiến hành nghiên cứu thấu đáo phương án thành lập một cơ quan thực hiện thống nhất chức năng chủ sở hữu đối với DNNN, Chính phủ đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để ban hành nghị định mới về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, trong đó quy định cụ thể quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ quản lý, ngành, bộ tổng hợp, UBND cấp tỉnh, hội đồng thành viên và người đại diện phần vốn nhà nước. Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành nghị định riêng về điều lệ tổ chức hoạt động cho từng TĐ kinh tế và một số TCT lớn; tổng kết Luật Doanh nghiệp năm 2005, xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp để quản lý có hiệu quả DNNN.