Hàng Tàu vô tư dán nhãn Việt
Theo Trung tá Nguyễn Minh Thông, tại Việt Nam đang xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp (DN) Trung Quốc chuyển dịch nhà máy sang để sản xuất hàng hoá, nhưng thực chất là đưa hàng hoá, chi tiết, linh kiện sang Việt Nam để gia công, lắp ráp đơn giản, sau đó gắn nhãn Made in Vietnam. “Hàng hoá dạng này khi nhập khẩu không thể hiện xuất xứ sản phẩm, nhưng khi làm thủ tục hải quan hay lưu thông ra thị trường lại gắn nhãn Made in Vietnam”, Trung tá Nguyễn Minh Thông cảnh báo.
Một thủ đoạn khác của tội phạm dạng này cũng được C03 ghi nhận là việc DN sản xuất kinh doanh hàng hoá có thành phần, tiêu chuẩn định lượng không đúng hồ sơ công bố, hoặc giấy đăng ký xin cấp phép để bán cho người tiêu dùng.
“Khi lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng đối phó bằng việc đổ cho điều kiện bảo quản không đảm bảo nên chất lượng bị ảnh hưởng là yếu tố khách quan, nằm ngoài sự kiểm soát chủ quan của doanh nghiệp”, đại diện C03 nói và cho biết thêm, hình thức gian lận này đa phần tập trung vào nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”, Trung tá Nguyễn Minh Thông phân tích.
Tinh vi hơn, theo đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, lợi dụng là đơn vị phân phối sản phẩm độc quyền tại Việt Nam, nhiều tổ chức đã gia công sản phẩm giống với hàng chính hãng để bán ra thị trường tiêu thụ.
“Trước đây hàng giả và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ theo phương thức truyền thống thường là giả của thương hiệu, nhãn hiệu khác. Nhưng hiện nay lợi dụng cơ chế chính sách, sự am hiểu hàng hoá khiến các đối tượng đánh cắp được công nghệ để sản xuất hàng hoá có chất lượng và hàm lượng không như công bố. Khó khăn khi xử lý hình sự những đối tượng này là việc phải chứng minh được hành vi làm giả là ý thức chủ quan của doanh nghiệp”, Trung tá Nguyễn Minh Thông cho biết.
Chưa hết, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn nhắc tới hành vi làm giả hồ sơ tài liệu của sản phẩm như: Chứng nhận xuất xứ hàng hoá; Chứng nhận kiểm định chuyên ngành; Giấy uỷ quyền thương mại…
“Thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều ở nhóm các DN kinh doanh lương thực, thực phẩm, hoặc có hoạt động nhập khẩu hàng hoá là dược phẩm, bánh kẹo, trái cây, bột gia vị, hương liệu dùng để chế biến thực phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm lại thể hiện nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Những sản phẩm này khi làm thủ tục hải quan sẽ được phân luồng xanh nên cơ quan hải quan không kiểm soát được”, Trung tá Nguyễn Minh Thông chỉ rõ.
Độ nguy hiểm của giấy tờ giả, theo vị này, còn thể hiện ở chỗ, tại thị trường nội địa, khi cơ quan chức năng kiểm tra, các đối tượng xuất trình giấy tờ có dấu hiệu bị giả mạo hoặc dùng bản dịch không được cơ quan chức năng chứng thực, với nội dung cho phép doanh nghiệp sử dụng tên, nhãn hiệu và thiết kế bao bì sản phẩm được nhập khẩu từ đơn vị được chỉ định.
“Với thủ đoạn như vậy, các đối tượng đã lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với các thương hiệu nước ngoài để lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài”, Trung tá Nguyễn Minh Thông nói.
Biến sản phẩm của người khác thành của mình
Cũng tại Diễn đàn, bày tỏ sự hoang mang khi nhắc tới việc chiếm dụng vỏ bình gas của các thương hiệu nổi tiếng, ông Đoàn Trọng Thà, Trưởng Ban chống gian lận thương mại, Hiệp hội Gas Việt Nam than thở: Tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom và chiếm dụng bình gas của nhau diễn ra ngang nhiên.
“Thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường đã trở thành bất cập, làm thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính. Những việc làm này đã gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhà nước thất thu thuế và là một trong các nguyên nhân gây ra cháy nổ”, ông Thà khẳng định.
Mặc dù tình trạng kể trên đã diễn ra trong nhiều năm, song theo ông Thà, việc xác định các hành vi sản xuất, kinh doanh gas giả để xử lý chưa cụ thể, cần được hướng dẫn rõ hơn. Đặc biệt là những hành vi thương nhân chiếm dụng bình của chủ sở hữu khác để chiết nạp gas, gắn niêm màng co của mình để bán LPG của mình; Hành vi chiếm đoạt bình của thương nhân chủ sở hữu rồi hoán cải (cắt tai, mài vỏ...) thành chai của mình.
“Hiện tại hành vi vi phạm trên diễn ra tại mỗi địa phương, mỗi lực lượng kiểm tra và xử lý vi phạm, mỗi vụ việc có những cách áp dụng pháp luật khác nhau. Do vậy, cần có sự trao đổi, hướng dẫn thống nhất trong của cơ quan có thẩm quyền về xác định hành vi vi phạm để có chế tài xử lý đúng”, ông Thà nói.
Ông Thà lấy ví dụ, trong khi Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí không có chế tài xử phạt về gas giả. Nên trong những trường hợp chiếm dụng vỏ bình gas, khi lực kiểm tra vẫn thấy gas thật, bình gas thật nhưng trên thực tế, các đối tượng chỉ có gas còn đã chiếm dụng trái phép vỏ bình gas của chủ sở hữu khác mà không có chế tài xử lý.