Ráo riết tăng vốn
Tháng 5-2018, NHNN chấp thuận cho VPBank tăng VĐL từ 15.706 tỷ đồng lên gần 25.300 tỷ đồng theo phương án tăng VĐL đã được cổ đông và HĐQT NH thông qua.
Theo kế hoạch, NH tổ chức 5 đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn, bao gồm phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để trả cổ tức và chia thưởng tỷ lệ 30%, phát hành ESOP với tổng mệnh giá gần 337 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ tối đa 15% trước phát hành, chia thưởng từ nguồn thặng dư vốn từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn cổ phiếu quỹ sau khi mua lại cổ phiếu ưu đãi cổ tức. Ghi nhận vào thời điểm cuối tháng 9, VPBank đã hoàn tất việc tăng VĐL.
Cách đây 3 năm, NHNN đã định hướng các NH nhỏ sáp nhập hợp nhất để từ 35 NH còn 15-17 NH vào cuối năm 2018, nhằm sớm đạt được chuẩn Basel II nhưng đã không đạt được mục tiêu này. Về lâu dài, nếu không thể kêu gọi dòng vốn đầu tư nước ngoài hoặc bán vốn cho nhà đầu tư trong nước, NHNN cũng sẽ buộc các NH phải chọn con đường sáp nhập hợp nhất để đủ sức áp dụng Basel II. TS. Bùi Quang Tín |
Một NH khác là Techcombank cũng đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn lớn trong năm 2018, khi VĐL chính thức được NHNN chấp thuận sửa đổi trên giấy phép kinh doanh 34.966 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần mức cũ 11.655 tỷ đồng. Vốn tăng lên nhờ NH phát hành thành công hơn 2,3 tỷ cổ phiếu cho 4.262 cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ hưởng quyền 1:2.
Hiện Techcombank đang đứng vị trí thứ 3 về VĐL sau Vietinbank, Vietcombank. MB cũng tăng vốn từ 18.155 tỷ đồng lên 21.604 tỷ đồng thông qua việc trả cổ tức 11% (6% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu), và phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 14%. LienVietPostBank hoàn thành tăng vốn từ 6.460 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng. Nhiều NH khác cũng dự kiến tăng vốn như SeABank được NHNN chấp thuận tăng vốn từ gần 5.466 tỷ đồng lên 7.688 tỷ đồng, ABBank muốn tăng vốn gấp đôi lên 10.638 tỷ đồng, OCB tăng 50% lên 7.500 tỷ đồng…
Đáng chú ý, việc tăng vốn của nhóm NHTM có vốn nhà nước cũng bắt đầu khởi sắc. Sau nhiều năm tập trung phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, BIDV đã có tờ trình xin ý kiến cổ đông việc chào bán cổ phần và tăng vốn, thông qua phát hành 603 triệu cổ phần riêng lẻ (tương đương 6.033 tỷ đồng) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank (Hàn Quốc) trong năm 2018-2019 để tăng vốn lên mức 40.220 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ phần phát hành tương đương 17,65% VĐL hiện tại.
Sau khi phát hành, dự kiến KEB Hana Bank nắm giữ 15% quy mô VĐL của BIDV. NHNN cũng chấp thuận việc Vietcombank thực hiện tăng VĐL từ 35.977,7 tỷ đồng lên 39.575,45 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tỷ lệ 10% đã được thông qua trước đó.
Những nỗi lo
Những nỗi lo
Theo TS. Bùi Quang Tín, hiện nay 3 NH là Vietcombank, BIDV và Vietinbank được bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài đến 35%, các NH còn lại áp dụng tỷ lệ tối đa 30%. Theo Luật Chứng khoán đang sửa đổi, đến năm 2020, những ngành như chứng khoán, NH hay những ngành Nhà nước không giữ vốn nhiều dự kiến sẽ nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức 35-49%. Dù vậy, đối với các NHTM nhà nước, việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, trách nhiệm quản lý vốn nhà nước tại các NH có vốn nhà nước. Trước đây, Vietcombank đã nỗ lực bán vốn cho đối tác GIC của Singapore, nhưng thời gian từ lúc ký hợp đồng ghi nhớ đến thực hiện khá lâu, trong khi giá cổ phiếu liên tục lên xuống. Tại thời điểm ký hợp đồng, trường hợp giá cổ phiếu lên, 2 bên khó lòng giữ được cam kết giá giao dịch ban đầu. Vì nếu giữ cam kết, các NH Việt Nam sẽ làm thất thoát nguồn vốn nhà nước.
Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá về việc tuân theo chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành, quản trị vốn, quản trị rủi ro. Song đối với các tiêu chuẩn của Basel II, đến nay mới có Vietcombank và VIB đạt được, 8 NH còn lại gần như bất khả thi. Thứ ba, nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc kỹ về thời gian gắn kết với NH nội do sự khác nhau về văn hóa kinh doanh.
Từ những khó khăn tăng vốn bằng vốn ngoại, Bộ Tài chính đã bác bỏ đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu để có nguồn vốn giữ lại phục vụ hoạt động kinh doanh cũng như vốn đáp ứng chuẩn Basel II. Trong khi các NHTM có vốn nhà nước nhiều lần kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ vấn đề này. Hồi tháng 9-2018, cùng với việc cổ phần hóa Agribank, bán vốn BIDV và Vietcombank, Chính phủ cũng đang tìm giải pháp để tăng vốn cho 4 NH.
Cụ thể, sẽ tăng vốn cho các NHTM có vốn nhà nước, từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Nếu được phép làm điều đó, Vietinbank có thể trút được gánh nặng trong việc tăng vốn. Bởi so với 2 NH đang có phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, Vietinbank khó khăn hơn trong việc tuân thủ Basel II vì thiếu vốn. Hiện sở hữu nhà nước tại Vietinbank đã ở mức tối thiểu cho phép 65%. Tại chiến lược phát triển ngành NH mới ban hành, cơ quan quản lý đã có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tối thiếu ở các NHTM có vốn nhà nước xuống mức 51%.
Như vậy Vietinbank sẽ phải chờ ít nhất đến năm 2020 hoặc muộn hơn mới có thể tăng vốn, nếu không được hỗ trợ tăng vốn bằng ngân sách.
Nỗ lực tăng vốn để đáp ứng Basel II không chỉ là áp lực của nhóm Big 4 mà của tất cả NHTM trong hệ thống. Hiện các NHTMCP có quy mô lớn và vừa đang nỗ lực trong việc tăng VĐL nhưng vẫn chưa đáp ứng được chuẩn Basel II. Trong khi đó, nhóm NHTM có quy mô nhỏ đang ì ạch trong tuân thủ Basel II. Do đó, yêu cầu tăng vốn vẫn là thách thức lớn trong năm 2019.