Vụ việc diễn ra sau vụ 39 thi thể được tìm thấy trong xe tải đông lạnh tương tự ở Essex, Anh, đang gây rúng động dư luận.
Người di cư tại biên giới Mexico trước khi tìm đường sang Mỹ
Áp lực từ tiền vay
Lính biên phòng Anh đã phát hiện ra những người di cư và báo cho chính quyền Pháp để tiến hành bắt giữ. Lúc bị phát hiện, 8 người Afghanistan ở đằng sau thùng xe bị hạ thân nhiệt nhẹ. Thời điểm đó, nhiệt độ bên trong xe tải chỉ khoảng 70C. Toàn bộ 8 người đã được đưa tới bệnh viện ở Calais để điều trị khẩn cấp. Cảnh sát đang tìm hiểu lộ trình xe và tiến hành điều tra mở rộng.
Calais-Dover là tuyến đường quan trọng của những kẻ buôn người. Để được ngồi trong thùng xe tải, khách hàng phải trả tới 10.000 bảng Anh. Tuyến đường này đặc biệt phổ biến với người Afghanistan, những người có gia đình và bạn bè ở Anh và nói tiếng Anh.
Vụ phát hiện mới nhất cho thấy, bất chấp những cảnh báo nguy hiểm, châu Âu vẫn là miền đất hứa đối với những người di cư châu Á muốn đổi đời bằng con đường nhập cư lậu. Qua lời đường mật của những kẻ tội phạm núp bóng dưới mác là dịch vụ tư vấn nhập cư, châu Âu là “giấc mơ đẹp” với những người nhập cư. Một số nước châu Âu được biết đến với chính sách chào đón người tị nạn. Thậm chí, một số nước ở phía Bắc và Tây Âu có nhiều lợi ích để giúp đỡ dân di cư ổn định cuộc sống tại vùng đất mới.
Với châu Âu, lượng người nhập cư là một cách để mở rộng thị trường vốn và lao động châu Âu. Những người nhập cư có thể làm trong khu chế xuất và chấp nhận mức lương thấp hơn so với lực lượng lao động bản địa.
So với tầng lớp trung lưu của châu Á, vốn có nhiều sự lựa chọn để đến các nước phương Tây một cách hợp pháp, nạn nhân của đường dây này thường là những người nghèo với hy vọng có thể có được tương lai tốt đẹp hơn. Bằng việc lợi dụng khó khăn về kinh tế của các nạn nhân, những băng nhóm trồng cần sa đã tìm về những miền quê tại nhiều nước vùng Đông Nam Á và Trung Quốc, đưa ra hứa hẹn về một công việc thu nhập tốt tại Anh để dụ dỗ người lao động. Những băng nhóm này cho nạn nhân vay chi phí sang Anh, khoảng 10.000 - 40.000 bảng Anh rồi dùng chính món nợ để gây áp lực với nạn nhân.
Những đường đi chính
Theo Daily Mail, có 3 con đường đưa lậu người châu Á từ Trung Quốc sang Anh được phát hiện, hành trình di chuyển có thể mất một tháng.
Thứ nhất là đường qua Serbia. Sử dụng giấy tờ Trung Quốc, nạn nhân bay đến Belgrade, Serbia, đến một ngôi nhà trú ẩn và được cấp hộ chiếu giả. Sau đó, họ được đưa trái phép qua Áo và Pháp đến nhà trú ẩn ở Hà Lan, rồi nhồi nhét lên xe tải ở Rotterdam, Hà Lan để đến Anh. Thảm kịch 58 thi thể bị phát hiện trong thùng xe tải ở cảng Dover, Anh, năm 2000 là nạn nhân của tuyến đường này. Mỗi người đã phải trả 20.000 bảng Anh cho một băng đảng tội phạm.
Thứ hai là đường qua Nga. Các nạn nhân sẽ từ Trung Quốc đến Nga qua biên giới trên bộ bằng xe buýt hoặc ô tô. Khi vào Nga, họ được vận chuyển bằng xe buýt hoặc tàu đến biên giới với Ukraine. Từ Ukraine có nhiều đường để đi tiếp, đường phổ biến nhất là đi qua Ba Lan, Cộng hòa Czech và Đức đến Bỉ. Hoặc một đường thay thế là đi đến Romania và vào Serbia, sau đó tiếp tục đi theo đường Serbia.
Thứ ba là đường qua Tây Ban Nha. Năm 2018, cảnh sát Tây Ban Nha chặn một số lượng lớn người Trung Quốc mang theo giấy tờ tùy thân giả tại sân bay Barcelona. Nhóm bị bắt sau khi 5 người di cư đồng ý cho lời khai để gia nhập chương trình bảo vệ nhân chứng. Với 18.000 bảng Anh mỗi người, họ được cung cấp hộ chiếu giả từ Hồng Công, Macau, lãnh thổ Đài Loan hoặc Nhật Bản - những nơi không cần thị thực để vào EU. Họ bay đến các thành phố của Tây Ban Nha, có thể là Barcelona hay Madrid, và được đưa đến nhà trú ẩn. Khi các giấy tờ giả khác được làm xong, nhóm tội phạm mua vé cho các nhóm nhỏ bay đến Heathrow, Gatwick và Dublin. Tuyến đường này từng được sử dụng để vận chuyển khoảng 150 người di cư Trung Quốc năm 2018 và cũng là đường để băng nhóm tội phạm đưa người Iran vào Anh trái phép năm 2017.
Ngoài ra còn có tuyến đường mà nhóm tội phạm sẽ chọn là “lối Balkan”, đi qua Afghanistan, Kazakhstan hay Turkmenistan tới Thổ Nhĩ Kỳ rồi vào Anh qua xe tải. Trong khi đó, tuyến đường từ Mexico đến Mỹ là điểm đến của phần lớn người dân Ấn Độ. Trong ngày 18-10, Mexico đã tiến hành trục xuất 310 người Ấn Độ do tìm cách nhập cư trái phép vào Mỹ. Theo lời kể của Manpreet Singh, người từng là nạn nhân của đường dây đưa người trái phép này, nhóm tội phạm đã đưa họ đi từ Dubai đến Nga bằng đường hàng không, sau đó đến Ecuador ở trong 2 tháng, rồi đến Guatemala và di chuyển đến Mexico bằng xe tải trước khi tìm đường sang Mỹ.
Di cư bằng mọi giá
Dường như “làm có tiền gửi về quê” là mục tiêu chính và cũng là lời bào chữa của những người nhập cư bất hợp pháp. Không giấy phép làm việc, không biết ngôn ngữ tại nước sở tại, họ không thể có được những công việc chính thức. Nghĩa là, họ phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi như đồng lương thấp, không được mua bảo hiểm, công việc không ổn định, hay bị phân biệt đối xử mà không được một tổ chức, nghiệp đoàn nào bảo vệ. Khi đau ốm cũng không dám đi bệnh viện chữa trị vì không có bảo hiểm y tế và sợ lộ tung tích. Nói chung không sống yên vì lúc nào cũng nơm nớp sợ bị cảnh sát bắt và trục xuất bất cứ lúc nào.
Theo nhà chức trách Anh, phụ nữ nhập cư bất hợp pháp đến Anh thường được đưa tới làm việc tại các tiệm làm móng, trong khi điểm đến của những người đàn ông sẽ là những nhà vườn trồng cần sa. Đã xuất hiện hàng loạt cảnh báo cho rằng, trong bối cảnh món hời tỷ đô từ việc trồng cần sa bất hợp pháp vẫn ngày càng phình to, những chuyến xe đưa người châu Á tới Anh trồng cần sa sẽ vẫn đông đúc nếu cơ quan chức năng liên quan không có động thái tăng cường kiểm soát.
Ước tính, có khoảng 800 - 1.000 người di cư đang có mặt tại Bỉ, đất nước chỉ cách bờ biển Anh 100km, để chờ thời cơ sang Anh bằng cách vượt biển thông qua cảng Zeebrugge hoặc các cảng của Pháp. Việc Pháp đóng cửa trại tị nạn Calais, khu lều tồi tàn ở phía Bắc nước này, khiến 6.000 người di cư buộc phải tìm chỗ trú ẩn mới, đã tạo thêm gánh nặng cho Bỉ. Trước khi vụ việc diễn ra tại Essex trong tuần qua, hồi năm 2014, thi thể một người di cư Afghanistan được phát hiện trong chiếc container cập cảng Tillbury ở Anh, trong khi 34 người đi cùng sống sót. Chiếc xe di chuyển qua cảng Zeebrugge vào thời điểm máy quét không hoạt động. Do mỗi ngày có tới 4.000 xe đi qua cảng này, các nhân viên cũng không đủ khả năng kiểm tra từng container.
Theo Press TV, hơn 10.000 người nhập cư lậu vào Anh mỗi năm vì kiểm soát biên giới lỏng lẻo. Giới chức an ninh tại TP Calais, biên giới Anh cho biết, mỗi tuần có gần 200 người tị nạn tìm đường trốn trong xe tải từ thành phố này sang Anh mà không bị phát hiện. Các nguồn tin ước tính, xe tải là phương tiện chuyên chở hơn 10.000 người tị nạn lậu vào Anh. Mỗi xe tải chứa hàng chục người nhập cư lậu. Nhiều xe bị bắt dừng trước khi qua biên giới Anh nhưng cũng có một con số đáng kể đã qua lọt.