Đây là quan điểm được TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đưa ra trong cuộc trao đổi với ĐTTC xung quanh vấn đề phát triển TTLĐ ở Việt Nam hiện nay.
PHÓNG VIÊN: - Tại hội nghị về phát triển TTLĐ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt nhiều câu hỏi như: Vì sao lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân?... Ông nhìn nhận về những hiện tượng này thế nào?
TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN: - Trước hết, sự dịch chuyển này cho thấy Việt Nam đã hình thành TTLĐ cạnh tranh và từng bước vận hành theo cơ chế thị trường. Nhưng đây cũng là câu hỏi mở cho các bộ, ngành suy nghĩ để có bài giải; các cơ quan, doanh nghiệp (DN) tự soi lại xem chính sách đãi ngộ đã thực sự theo nguyên tắc thị trường để giữ người lao động chưa. Nếu không giữ được, cơ chế, chính sách có vấn đề.
Bởi ai cũng biết có hiện tượng này do chưa có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp. Một người làm ở cơ quan nhà nước mức lương chỉ 15 triệu đồng/tháng, khi ra làm ở khu vực tư nhân cũng với công việc đó, chuyên môn đó họ được trả lương 40-50 triệu đồng/tháng; là lãnh đạo DNNN chỉ được hưởng mức lương 70 triệu đồng, nhưng DN tư nhân sẵn sàng trả lương 200 triệu đồng/tháng.
Do đó, để giải được câu hỏi của Thủ tướng nêu làm gì để thu hút người tài, giữ được người giỏi, chính là phải thay đổi cơ chế lương thưởng, trả lương theo hiệu quả công việc; lương phải tương xứng với tài năng, chất xám…
Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và Quốc hội cần xem lại Luật 69/2014/QH13 (về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN) đã hợp lý chưa, và phải sửa đổi luật này để thu hút được người tài, giữ chân được người giỏi. Bộ Tài chính cũng cần xem lại tiêu chí đánh giá về DNNN cho phù hợp hơn.
- Có người đã đưa ra con số trong 3.000 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách, có 1.950 người (65%) đã ở lại nước ngoài, chỉ 27% làm cho Nhà nước. Mỗi năm Việt Nam bỏ 1,4 tỷ USD cho 100.000 sinh viên du học nhưng phần lớn không về nước. Những con số này nói lên điều gì, thưa ông?
- Nhìn ở góc độ này thấy đang có những bất cập về tiền lương và thiếu cơ chế, chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn. Nhưng, quan trọng là thiếu môi trường làm việc tốt, cơ hội phát triển kỹ năng và nhiều chính sách linh hoạt khác. Như tôi đã nói, đây là vấn đề các bộ, ngành suy nghĩ để đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp.
Ở góc độ khác, người được đào tạo ở nước ngoài bằng tiền ngân sách và bằng tiền của gia đình ở lại nước ngoài làm việc cũng là sự đóng góp cho đất nước, làm lợi cho đất nước. Đó là khi họ ở lại làm việc, có thu nhập và đưa thêm người trong gia đình ra nước ngoài ăn, học, trong khi Nhà nước không phải bỏ thêm tiền nhưng lại có thêm người được đào tạo, tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, được tiếp thu kiến thức nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, nâng cao kỹ năng…
Lúc đất nước cần họ sẵn sàng đóng góp. Rất nhiều người trong số đó sẵn sàng về nước cống hiến khi Nhà nước cần. Người ở lại nước ngoài là những người yêu nước theo cách của họ.
- Có thực tế là kỹ năng người lao động Việt Nam còn thấp; người dân ở một số địa phương phải rời quê, xa gia đình để làm việc, kiếm sống... Ông nghĩ sao về điều này?
- Đây là vấn đề Chính phủ, và tôi cũng trăn trở lâu nay. Khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đi tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sẽ có lực lượng lớn lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp. Đó là tất yếu của quá trình phát triển, nhưng điều chúng ta muốn là ly nông nhưng không ly hương.
Song có thực tế là việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư chưa quan tâm đúng mức tới chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập của người lao động. Các chính sách kinh tế thường thiếu định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành gắn với nhu cầu lao động và đào tạo lao động tương ứng.
Bên cạnh đó, chúng ta cần chú ý tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân vẫn có được việc làm ổn định, thu nhập tốt không phải rời xa quê nhà.
Về mặt tổng thể quốc gia, chúng ta chưa tạo ra được lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao. Trong khi sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của TTLĐ, di chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao, còn phải có kỹ năng mềm và năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Phải thừa nhận rằng về mặt giáo dục - đào tạo chúng ta chưa đáp ứng đầy đủ cũng như yêu cầu và nhận thức vai trò, tầm quan trọng phát triển TTLĐ. Năng lực quản trị, vận hành TTLĐ, chưa có giải pháp hiệu quả để đảm bảo và phát triển bền vững.
- Chúng ta đang phấn đấu vì khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Vậy giải pháp cơ bản nhất, cần nhất để đạt mục tiêu này, ở góc độ của TTLĐ, theo ông là gì?
- Để làm được điều đó, chúng ta cần tranh thủ, tăng tốc nhanh, với chính sách linh hoạt và mạnh hơn hướng tới tương lai, để tận dụng thời cơ dân số vàng với những thay đổi mạnh mẽ và đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, có được nguồn lao động chất lượng cao, làm chủ được công nghệ và có TTLĐ cạnh tranh, bền vững.
Chúng ta cần xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển TTLĐ khi thời điểm dân số vàng còn đang hiện hữu. Phải đổi mới cơ chế tiền lương và có chính sách đãi ngộ phù hợp; đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo…
Có rất nhiều việc phải làm, nhưng để làm được phải xây dựng hệ thống quản trị TTLĐ hiện đại, minh bạch và có được hệ thống thông tin, thống kê, số liệu về lao động. Hệ thống này có hoàn thiện, kết nối về thông tin trên phạm vi giữa các ngành, vùng, trên cả nước tốt hay không, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách phát triển TTLĐ và chính sách phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm.
- Xin cảm ơn ông.
Tính đến năm 2021, mới có 26,1% trong lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ. Chỉ số kỹ năng tăng những năm gần đây nhưng vẫn ở mức rất thấp, có khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN. Gần 74% còn lại chưa có có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp. Nguồn: Bộ LĐTB-XH |