Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 tăng 10% so với năm 2014, nhưng 9 tháng qua kim ngạch xuất khẩu mới đạt 73,2%. Do đó, bình quân mỗi tháng cuối năm, Việt Nam phải đạt hơn 14,7 tỷ USD mới cán đích. Theo đó, để phấn đấu đạt mục tiêu cho cả năm 2015, buộc các ngành các cấp và địa phương phải dồn lực cho xuất khẩu.
Chia sẻ những khó khăn đang phải đối mặt, nhiều lãnh đạo ngành dệt may - một trong các ngành hàng chủ lực xuất khẩu - cho biết năm nay diễn biến thị trường rất phức tạp. Ngay từ cuối năm 2014 sang đầu 2015, xuất khẩu bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn bởi doanh nghiệp bị giảm đơn hàng. Mới vào quý I của năm, doanh nghiệp đã thiếu việc, quý II, quý III có chút cao trào, nhưng sang quý IV xuất khẩu lại giảm. Không những thế, trào lưu đầu tư vào ngành dệt may ngày một nhiều khiến đơn hàng xuất khẩu đến tay doanh nghiệp cũng ngày ít hơn.
Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 tăng trưởng 17-18% nhưng năm nay chỉ 10%. Dự kiến, 3 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may sẽ cán đích 27-27,5 tỷ USD cho tất cả mặt hàng.
Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong năm 2015 sẽ giảm khoảng 10-15% và chỉ đạt 6,6-6,7 tỷ USD giá trị, giảm hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái. Sở dĩ có tình trạng này do hầu hết các nhóm mặt hàng đều giảm giá sâu. Mặc dù Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp nhưng vòng xoáy giảm giá đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải co hẹp hoạt động.
Để giúp ngành xuất khẩu thủy sản giảm thiểu khó khăn, Vasep kiến nghị Nhà nước cần giảm lãi suất vay ngắn hạn (hiện nay là 7%). Năm ngoái, đề xuất được giảm 1% về tỷ giá nhưng chưa đủ bởi giá thành sản xuất của Việt Nam hiện nay rất cao. Bên cạnh đó, việc tăng lương chủ yếu vào quỹ công đoàn và quỹ bảo hiểm xã hội, không phải vào người lao động nên nếu tăng lương thu nhập người lao động cũng không tăng, trong khi doanh nghiệp cũng mất một lượng tiền hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng khiến xuất khẩu càng ngày càng khó khăn.
Đại diện các doanh nghiệp da giày cũng cho hay, trong những năm gần đây, tăng trưởng của ngành da giày có yếu tố doanh nghiệp FDI chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu. Tình trạng này do doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc thiếu vốn, công nghệ còn thiếu thị trường. Hiệp hội Da giày đề xuất từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương rà soát đánh giá lại, xem có vấn đề nào thiết thực, cần cụ thể hóa để các đơn vị chức năng thực hiện tốt hơn, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này sẽ thật sự trở nên ý nghĩa với các doanh nghiệp đầu tư trong nước.
Vừa qua, nhằm góp phần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về xuất nhập khẩu Quốc hội đã thông qua cho năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Kế hoạch, các Cục, Vụ quản lý sản xuất phối hợp với cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước và doanh nghiệp FDI để đẩy mạnh xuất khẩu. Và trước những lo ngại về nhập siêu đang quay trở lại và sẽ cao hơn kế hoạch của năm nay, Bộ Công Thương cho rằng nhập siêu không phải là hiện tượng đặc biệt của năm nay mà đã được dự báo trước. Con số nhập siêu không đáng lo và mục tiêu giữ nhập siêu bằng 5% kim ngạch xuất khẩu hoàn toàn có thể thực hiện được.
Theo dự báo của Chính phủ, trong 3 tháng cuối năm, xuất khẩu có những cơ hội thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng nhờ sự tăng trưởng ổn định của kinh tế trong nước, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng tín dụng đạt khá và việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian qua đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì thế, dù thế nào Chính phủ cũng thống nhất không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, kể cả xuất khẩu, tức vẫn phải nỗ lực để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 10%.
Trước chỉ thị pháp lệnh này, Bộ Công Thương đề nghị hiệp hội, doanh nghiệp từ nay đến cuối năm kết nối chặt chẽ với Bộ thực hiện 5 nhóm giải pháp tăng cường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm 2015 (tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu; tuyên truyền, phổ biến việc tận dụng các FTA; thuận lợi hóa thương mại; tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu, sử dụng hàng sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu). Trong đó, quan tâm nhất đến việc phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tín dụng, thị trường để cắt giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.