Chính vì vậy mà chủ đầu tư cũng như người dân rất kỳ vọng về kết quả cuối cùng tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NoXH) cho công nhân, người thu nhập thấp mới đây, bởi đích thân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất Thủ tướng giao bộ này lập đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ NoXH giai đoạn 2022-2030.
Rào cản thủ tục phức tạp
Trước thông tin 1 triệu căn hộ NoXH, nhiều ông lớn trong lĩnh vực nhà đất tỏ ra hào hứng, họ cho rằng chương trình không sợ thiếu tiền chỉ sợ rào cản thủ tục. Chủ tịch Tập đoàn Him Lam Dương Công Minh cho biết, Him Lam sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ NoXH từ nay đến năm 2030. Đây là quỹ đất doanh nghiệp đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục.
Theo ông Minh, Him Lam có 2 dự án nhà ở thương mại (NoTM), theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành NoXH, nhưng có 1 dự án tới 5 năm và 1 dự án 3 năm chưa hoàn thiện xong thủ tục. Ông cho rằng cần khơi thông thủ tục để huy động nguồn lực xã hội cho mục tiêu 1 triệu căn hộ NoXH. Thí dụ, bên cạnh quy định những dự án NoTM phải có 20% NoXH, nên quy hoạch khu vực NoXH tập trung; các địa phương có quy hoạch riêng NoXH, nhà ở công nhân.
Ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch Tập đoàn Novaland, cho biết với kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có đã và đang đầu tư xây dựng rất nhiều dự án nhà ở tại TPHCM, cùng các tỉnh, TP khác, Novaland sẵn sàng đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ NoXH để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết NoXH, nhà ở công nhân. Theo ông Huy, các chính sách hỗ trợ NoXH đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về NoXH đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cần được khắc phục.
Cụ thể, các bước thủ tục đầu tư dự án NoXH còn phức tạp. Đơn cử, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như NoTM, các dự án NoXH phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê mua, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức…
Bên cạnh đó, việc chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về việc hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư, các dự án NoXH còn phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán, làm chậm thu hồi vốn…
Cũng cần nói thêm, phân khúc NoXH hiện chưa hấp dẫn nhà đầu tư, bởi bên cạnh thủ tục như NoTM, NoXH còn phải thực hiện quy định khống chế mức lợi nhuận, kiểm toán đầu ra, đầu vào. Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện NoXH chưa được vay ưu đãi với lãi suất 4,8%; dự án NoXH cho thuê chưa được giảm 70% thuế suất Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập doanh nghiệp theo quy định…
Để không là lời hứa suông
Năm 2021, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cho biết TP đang có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ nhằm góp phần an cư cho người lao động, cũng như thực hiện các chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo sửa chữa chung cư cũ.
Vào tháng 10-2021, dự án NoXH cho công nhân quy mô 1.000 căn hộ, đáp ứng nhu cầu sinh sống cho 3.000 người ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức được khởi công. Bởi lẽ TP Thủ Đức tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) lớn như Linh Trung 1, 2, Bình Chiểu, Cát Lái, Khu công nghệ cao... với gần 200.000 công nhân, trong đó khoảng 70% người ngoại tỉnh có nhu cầu thuê, mướn chỗ ở lâu dài.
Theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 của TPHCM, chỉ tiêu phát triển NoXH là 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng 35.714 căn hộ. Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết năm 2022 TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án NoXH, 2 dự án nhà lưu trú công nhân, với tổng cộng 10.000 căn hộ.
Trong đó có 4 dự án NoXH do doanh nghiệp thực hiện với quy mô trên 3.300 căn tại quận Tân Phú và các huyện Củ Chi, Bình Chánh; 6 dự án sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án NoTM với gần 6.000 căn hộ tại quận 7, TP Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Thế nhưng theo ông Quân, hiện quy định có rất nhiều nội dung dẫn đến kéo dài thời gian. Đối với những vấn đề vượt ngoài thẩm quyền của TPHCM, ông Quân cho biết TP đang đề nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Còn những vấn đề nằm trong thẩm quyền của TP, ông Quân khẳng định sẽ tạo điều kiện rút ngắn và cải cách thủ tục để doanh nghiệp đồng hành, tham gia với TP xây dựng chương trình phát triển nhà ở theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Thời hạn năm 2025 TPHCM đề ra mục tiêu phát triển hơn 35.000 căn hộ giá rẻ đang gần kề. Đến tháng 5-2022 mới có khoảng 1.000 căn NoXH được triển khai trong trạng thái “chờ” vì chưa thành hình. Do vậy để việc xây dựng 1 triệu căn nhà ở giá rẻ không trở thành lời hứa suông, TPHCM cần có chính sách an sinh bài bản, cụ thể và dành ngân sách để thực hiện, thay vì giao phó, trông chờ hoàn toàn vào doanh nghiệp.
Nhu cầu quá lớn
TPHCM hiện có khoảng 122.111 công chức, viên chức, nhưng mới có hơn 5.000 người được hỗ trợ vay ưu đãi với lãi suất 4,7%/năm trong 20 năm để mua nhà; khoảng 3 triệu người nhập cư, chủ yếu là công nhân lao động, phần lớn muốn thuê NoXH, hoặc phòng trọ; hơn 285.000 công nhân tại 17 KCN, KCX nhưng chỉ có 15% được thuê chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân (chưa bao gồm 95.000 công nhân các cụm công nghiệp).
TPHCM có khoảng 60.470 cơ sở nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình với 560.219 phòng trọ đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân lao động thuê với giá khoảng 800.000 đến 1,5 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 20% thu nhập của họ. Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động TP, đối với công nhân ngành may mặc thu nhập bình quân khoảng 6,8 triệu đồng/tháng; trong đó có đến 56,8% công nhân lao động có thu nhập rất thấp và trên 60% công nhân lao động nhập cư có nhu cầu thuê NoXH.