NH ngại giải ngân, DN sợ vay
Theo kế hoạch ngành NH sẽ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các NHTM đối với các khoản vay thương mại cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, các NHTM đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, NHNN đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công 2023 (trên 23.965 tỷ đồng). Đồng thời, NHNN cũng đã thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng NHTM để triển khai sớm chính sách.
Bước đầu khá suôn, các ước tính được đưa ra trước đó với số tiền lãi hỗ trợ gần 16.035 tỷ đồng, tương ứng các NH sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm 2022. Trong năm 2023, dư nợ dự kiến được các NH bơm ra khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, số liệu mới nhất của NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 11-2022, dư nợ của các NH chỉ mới giải ngân gần 23.000 tỷ đồng, tương ứng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng, một tỷ lệ 78/16.035 tỷ đồng là quá thấp, không như kỳ vọng.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết có 2 lý do chính dẫn đến điều này. Thứ nhất, quy định yêu cầu khách hàng phải đáp ứng tiêu chí có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Nhưng các NH có thể đánh giá về khả năng trả nợ của DN, còn khả năng DN phục hồi hay không khi kinh tế trong nước và thế giới nhiều biến động thì không thể. Nếu tại thời điểm thanh kiểm toán, DN được đánh giá không có khả năng phục hồi, có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ hoặc bị quy trục lợi chính sách.
Thứ hai, khi tham gia chương trình hỗ trợ giảm lãi suất, DN phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau. Vì vậy, các DN cũng cân nhắc giữa lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, chứng từ và các quy định liên quan để phục vụ cho công tác kiểm tra, hậu kiểm sau này. Nếu tham gia chương trình nhưng sau này bị thu hồi, DN sẽ rất khó xử lý vì khi đã hạch toán và chia cổ tức không thể hồi tố lại số tiền này được.
Kỳ vọng khơi thông trong 2023?
Trong tọa đàm diễn ra gần đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, thẳng thắn: “Thiết kế chính sách cho DN trước và sau dịch khác nhau thế nào và mong Chính phủ chỉ ra sự khác biệt đó. Vì nếu không chỉ ra được, NH không dám triển khai. Bởi nếu trước và sau dịch tiêu chuẩn cho vay như nhau, phải chăng tác động của đại dịch là vô nghĩa, sự suy sụp đình trệ của DN chỉ là nhất thời?”. Và ông Kỳ đề nghị Chính phủ, NHNN sắp xếp lại tiêu chí, điều kiện cho vay để hỗ trợ DN.
Thực tế, tiêu chí của gói hỗ trợ lãi suất 2% là để hỗ trợ các DN phục hồi sau đại dịch. Từ khi được triển khai, các NHTM đều công bố thực hiện gói hỗ trợ này là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Và cũng từ khi bắt đầu triển khai cho đến cuối năm 2022, rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức, với mục đích bàn luận tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho chương trình hỗ trợ lãi suất. Thế nhưng đã bước sang năm 2023 - năm cuối triển khai của gói hỗ trợ, vướng mắc vẫn còn đó, trong khi DN rất mong mỏi sớm có sự thay đổi để tiếp cận ưu đãi, giảm đi phần nào gánh nặng trong chi phí vay vốn.
Tin mừng là mới đây Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi, giải quyết những vướng mắc trong thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%. Việc đánh giá những khó khăn, vướng mắc này do NHNN chủ trì và đang tổng hợp, báo cáo Chính phủ tháo gỡ. Như vậy, các bộ ngành có liên quan cũng đã có động thái tích cực trước các phản ánh của DN. Thông tin này đã tạo ra kỳ vọng mới về việc NH sẽ “mở két” trong năm 2023 để các DN tiếp cận sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, cũng như có động lực để phục hồi sau đại dịch.
Đang có sự lệch pha giữa chính sách và nhu cầu thực tế, khiến chính sách và DN không thể cùng đồng hành, dẫn đến nguồn ngân sách được dành ra chưa được hỗ trợ đến DN.
Tuy nhiên, quan sát từ góc độ khác, một chuyên gia tài chính NH chia sẻ, đối tượng muốn được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này phần nhiều là nhóm khách hàng có rủi ro hoặc còn nhiều khó khăn. Và thông thường nhóm khách hàng này muốn vay vốn phải áp dụng lãi suất cao, nhất là trong bối cảnh NH đang huy động vốn với lãi suất cao. Nhưng nếu áp dụng lãi suất cao theo thị trường, NH có thể bị thanh tra. Thế nên các NH cũng cân nhắc.
Trong khi đó, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, rất nhiều ngành nghề lĩnh vực cũng đã khác so với thời điểm xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch. Nhiều DN nhận thấy họ cần tiếp cận vốn hơn là yếu tố hỗ trợ lãi suất. Có nghĩa NH vẫn còn nhiều khách hàng mong muốn được vay và không quan tâm đến việc hỗ trợ lãi suất 2%. Vậy lý do gì NH phải đẩy mạnh cho vay gói hỗ trợ 2% có nhiều rủi ro?
Chính vì vậy, cùng với việc sửa đổi các vướng mắc về điều kiện tiếp cận vay vốn, cần giao nhiệm vụ cho các NH để họ phải thực hiện. Giao chỉ tiêu cụ thể cho các NH và các NH phải thực hiện dưới sự giám sát của Chính phủ. Từ đó các NH có động lực “mở két” cho vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.