Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Nikhil Bhandari, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng sạch và tài nguyên thiên nhiên tại Goldman Sachs cho biết, sự phục hồi của nhu cầu toàn cầu trong năm nay sẽ vượt xa các dự đoán về nguồn cung, làm tăng thêm phí bảo hiểm cho dầu thô.
“Chúng tôi cho rằng, thị trường dầu mỏ chưa sẵn sàng cho bất kỳ sự tăng trưởng nhu cầu tuần tự nào vì nguồn cung không thực sự tăng trong năm nay”, nhà phân tích Bhandari cho biết, đồng thời dự đoán việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau các hạn chế về đại dịch sẽ làm tăng nhu cầu dầu mỏ thêm 1,6 triệu thùng dầu/ngày.
Hiện tại, nhu cầu dầu toàn cầu vào khoảng 100 triệu thùng/ngày.
Nhà phân tích này nói thêm rằng, nguồn cung dầu thô không đủ để đáp ứng sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc "vì chúng ta đã chứng kiến sự thiếu đầu tư trong vài năm qua vào các tài sản dầu mỏ". Ông cho biết, OPEC đã lấy lại quyền định giá và sẽ đảm bảo giá vẫn tăng.
Mức tăng giá dầu do Goldman Sachs dự đoán tương đương với tăng 22% so với mức hiện tại, khoảng 82 USD/thùng đối với giá dầu Brent.
Giá một thùng dầu ở Mỹ đã giảm hơn 33% so với mức cao khoảng 122 USD đạt được vào tháng 6/2022, trong bối cảnh kho dự trữ tăng và nhu cầu kinh tế toàn cầu chậm lại.
Ông cũng cho biết, các cuộc thảo luận giữa các nhà đầu tư ở châu Âu đã chuyển từ tác động của việc Nga áp giá trần sang lệnh cấm vận sản phẩm của Nga, liên quan đến việc EU cấm nhập khẩu các sản phẩm tinh chế của Nga, như dầu diesel, naphtha và dầu nhiên liệu vào ngày 5/2.
“Lệnh cấm vận các sản phẩm dầu từ Nga ngày 5/2 có thể gây ra sự xáo trộn nhiều hơn đối với giá sản phẩm, không nhất thiết là giá dầu thô mà là giá các sản phẩm tinh chế do tỷ suất lợi nhuận tinh chế dầu diesel cao hơn”, nhà phân tích Bhandari cho biết.
Trước đó, trong báo cáo hàng tháng đầu tiên của năm 2023, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự báo nhu cầu dầu thô có thể tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên 101,7 triệu thùng, phần lớn nhờ các hạn chế về đại dịch của Trung Quốc được nới lỏng.
"Hai quân bài đại diện thống trị triển vọng thị trường dầu năm 2023 là Nga và Trung Quốc", IEA cho biết, đồng thời lưu ý rằng, gần một nửa dự báo tiêu thụ dầu của họ trong năm nay đến từ Trung Quốc.