Theo Globocan, năm 2020 thế giới ghi nhận 19,29 triệu ca mắc ung thư với 9,95 triệu ca tử vong. Trong đó:
Đàn ông (10,06 triệu ca) thường gặp các ung thư phổi (14,3%), tuyến tiền liệt (14,1%), ruột già (10,6%), dạ dày (7,1%) và gan (6,3%).
Phụ nữ (9,22 triệu ca) thường gặp các ung thư vú (24,5%), ruột già (9,4%), phổi (8,4%), cổ tử cung (6,5%) và tuyến giáp (4,9%). Tổng số người bệnh sống còn 5 năm (sau chẩn đoán) là 50,5 triệu người.
Theo Globocan, năm 2020 Việt Nam ghi nhận 182.563 ca mắc ung thư với xuất độ 158,6 /100.000 nghĩa là cứ 100.000 dân thì có 158,6 ca mới. Tổng số tử vong là 122.690 với tỷ lệ 105,6 /100.000. Tổng số người bệnh sống còn 5 năm (sau chẩn đoán) là 353.826 người. Trong đó:
Đàn ông (98.916 ca) thường gặp 5 loại gồm: ung thư gan (20,5%), phổi (18,9%), dạ dày (11,2%), ruột già (9,0%) và tuyến tiền liệt (6,3%).
Phụ nữ (83.647 ca), thường gặp 5 loại gồm: ung thư vú (25,8%), phổi (9,1%), ruột già (9,0%), dạ dày (8,2%), gan (7,4%).
Có khoảng 40% các ca ung thư có thể phòng tránh được. Phát hiện sớm lúc còn khả năng trị khỏi rất cao (chẳng hạn ung thư cổ tử cung và vú). Điều trị nhằm trị khỏi bệnh, kéo dài sự sống và cải thiện chất lượng sống sau đó. Chăm sóc giảm nhẹ giúp làm giảm triệu chứng, nâng đỡ tâm lý cho bệnh nhân.
Bệnh ung thư là một nhóm bệnh gồm trên một trăm loại có chung vài đặc tính cơ bản quan trọng. Ung thư có thể phát sinh ở bất cứ tế bào nào trong cơ thể. Tất cả đều xuất phát từ các tế bào bất thường tăng trưởng quá đà và lan tràn khắp cơ thể.
Mọc ra từ đột biến gen: Các tế bào ung thư phát sinh từ các đột biến gen (các hư hại của phân tử DNA) do phơi trải trong môi trường sống như: khói thuốc lá, các virus, các bức xạ... Các tế bào ung thư tiếp tục sinh sôi tăng trưởng, trở nên bất tử.
Lan tràn khắp chốn, hoành hành khắp nơi
Bướu gốc hay bướu nguyên phát: Hàng tỷ các tế bào ung thư tích tụ lại thành bướu (u) hay khối bướu (khối u).
Sự xâm lấn: Từ vị trí gốc, các tế bào ung thư, đến đè ép và phá hủy các mô lân cận.
Sự di căn: Các tế bào ung thư tách khỏi bướu gốc, trôi nổi theo dòng lymphô hoặc theo dòng máu lan tràn khắp cơ thể. Vài tế bào sinh sôi tạo ra các ổ mới trong cơ thể. Đó là các ổ di căn. Ví dụ ung thư vú đến các hạch nách cùng bên là di căn hạch vùng, còn lan tràn đến phổi, gan, xương và não... là các di căn xa. Ung thư dần nắm quyền chủ động, tàn phá cơ thể cho đến tử vong.
Đánh giá mức lan tràn
Bác sĩ xếp ung thư theo mức độ từ nhẹ đến nặng theo 4 giai đoạn:
Giai đoạn I. Sớm một khối (bướu) nhỏ không có xâm lấn hạch lymphô hoặc các mô khác gọi là giai đoạn sớm hoặc ung thư khu trú tại chỗ.
Giai đoạn II. Khu trú
Giai đoạn III. Lan tràn tại vùng
Giai đoạn IV. Lan tràn xa. Ung thư đã lan tràn tới các mô hoặc cơ quan khác gọi là ung thư tiến xa hoặc di căn.
Có khoảng 5%-10% là do di truyền. Hầu hết ung thư (khoảng 90%) phát xuất từ những gì con người phơi trải trong môi trường sống...
Ung thư ngừa được. Hiệp hội Phòng chống Ung thư Quốc tế (UICC) có thông điệp năm 2010: có thể phòng ngừa 40% ung thư trên toàn cầu, chủ yếu là tránh xa khói thuốc, giữ nếp sống tốt và phòng tránh các bệnh nhiễm.
Qua thăm khám sức khỏe định kỳ có thể rà tìm, biết sớm các ung thư vú, cổ tử cung, ruột già (đại-trực tràng), tuyến tiền liệt, miệng, da và tuyến giáp. Phải lưu ý một số triệu chứng báo động khi bệnh mới chớm.
Đặc biệt lưu ý: Phụ nữ tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung.
Đàn ông chú ý ung thư tuyến tiền liệt từ tuổi 50 (xét nghiệm PSA), nghiện thuốc lá nặng hoặc đã bỏ hút coi chừng ung thư phổi từ 40 tuổi.
Cả nam lẫn nữ: Ai có nguy cơ cao (viêm gan virus B và C), từ 40 tuổi nên kiểm tra gan. Có bệnh sử viêm loét dạ dày, xét nghiệm vi khuẩn H. pylori. Từ 50 tuổi bác sĩ tư vấn kiểm tra ruột già (soi đại - trực tràng).
Cảnh giác các triệu chứng báo động
Có trên trăm loại ung thư, mỗi thứ phát bệnh một kiểu. Gom gọn các triệu chứng để nhắc nhở mọi người không nên bỏ lỡ tầm soát bệnh sớm.
Đừng hoảng loạn vì phần lớn không phải là ung thư đâu. Nên đi khám bác sĩ. Nên nhớ ung thư biết sớm trị lành.
Chỗ dày (cục u) ở vú hoặc ở nơi nào đó trong cơ thể
Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường
Thay đổi thói quen của ruột và bọng đái
Ăn không tiêu hoặc nuốt khó
Ho dai dẳng hoặc khàn tiếng
Một chỗ lở loét không chịu lành
Thay đổi tính chất của mụn ruồi
Rối loạn chung chung như suy nhược, sụt cân, không thèm ăn
Người bệnh và thầy thuốc
Người bệnh cho biết vài triệu chứng tổng quát hoặc vài triệu chứng chức năng nào đó. Thầy thuốc thăm hỏi và khám kỹ hơn.
Bác sĩ khám lâm sàng nghe, gõ, sờ nắn thật tỉ mỉ và phải nhờ các xét nghiệm cận lâm sàng.
Các xét nghiệm máu
Thử máu có thể giúp biết bệnh bạch cầu (ung thư máu), đo lượng PSA tìm ung thư tuyến tiền liệt, đo AFP để xác định ung thư gan, lượng CEA giúp theo dõi ung thư ruột, đo CA125 và HE4 rà ung thư buồng trứng. Tuy nhiên riêng các xét nghiệm loại này không giúp xác định ung thư, mà cần các xét nghiệm khác để định rõ bệnh.
Mắt thần y học
Nội soi
Chẩn đoán hình ảnh
Xét nghiệm máu
Chẩn đoán bệnh học
Xét nghiệm đột biến gen
Các chốt kiểm miễn dịch
Chẩn đoán giải phẫu bệnh
Ngày càng có thêm nhiều cách định rõ bệnh.
Nội soi: Họng, thanh quản, cuống phổi, dạ dày, ruột già, bọng đái... đều có thể được khám với dụng cụ nội soi.
Chẩn đoán hình ảnh: Hết sức có giá trị trong việc phát hiện ung thư.
Cắt lớp điện toán (chụp CT), cộng hưởng từ (chụp MRI), kết hợp PET/CT. Máy nhũ ảnh, máy siêu âm.
Xét nghiệm các đột biến gen: Các xét nghiệm biết được các đột biến gen của nhiều loại tế bào ung thư (phổi, vú, ruột già...) giúp thầy thuốc chọn các thuốc sinh học phù hợp. Xét nghiệm các chốt kiểm miễn dịch (CTLA4, PD1 và PD-L1, PD-L2)
Chẩn đoán bệnh học (giải phẫu bệnh)
Sinh thiết giúp chẩn đoán căn bệnh chính xác nhất. Sinh thiết cho kết quả giải phẫu bệnh (dạng vi thể hay dạng mô học) định được rõ ràng loại ung thư. Việc điều trị chủ yếu tùy thuộc vào kết quả này.
Tùy loại ung thư, tùy giai đoạn bệnh mà lựa phương pháp điều trị (phẫu trị, xạ trị, hóa trị, sinh trị)... và phối hợp nhuần nhuyễn các cách trị này.
Không có một phương pháp nào trị được mọi loại ung thư. Các thầy thuốc kết hợp nhuần nhuyễn các liệu pháp tại chỗ (phẫu trị và xạ trị) và các liệu pháp toàn thân (hóa trị, sinh trị).