GS.TS Hoàng Văn Cường: 'Giữ được mức tăng trưởng 5% là thành công'

(ĐTTCO) - Theo nhiều dự báo, GDP Việt Nam năm 2023 tăng 5%, thấp hơn chỉ tiêu đã đề ra hồi đầu năm là 6-6,5%. Nhiều chỉ số tăng trưởng kinh tế khác cũng không đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng.

GS.TS Hoàng Văn Cường: 'Giữ được mức tăng trưởng 5% là thành công'

Tuy nhiên, theo GS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, 2023 là năm rất khó khăn của thế giới, việc Việt Nam đạt mức tăng trưởng được dự báo 5% đã là rất thành công.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% Quốc hội và Chính phủ đề ra hồi đầu năm?

GS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG: - Năm 2023, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chúng ta không đạt được. Không chỉ tăng trưởng GDP, các chỉ số như năng suất lao động, thu nhập bình quân đầu người, sản xuất công nghiệp... chúng ta cũng không thực hiện được như mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay, ngay cả các siêu cường của thế giới cũng phải chật vật để duy trì tính ổn định của nền kinh tế, mức tăng trưởng 5% của Việt Nam được coi là thành công và đáng ghi nhận. Thậm chí, mức tăng trưởng này được coi là “nổi trội” nếu so với các quốc gia trong khu vực.

Xét trên nhiều khía cạnh, có thể thấy Việt Nam đã rất thành công trong việc điều hành, giữ cho nền kinh tế ổn định. Về kinh tế vĩ mô, nợ công của Việt Nam đang có xu hướng giảm.

Có thể hồi đầu năm một số “lùm xùm” liên quan tới nợ trái phiếu của doanh nghiệp (DN), nhất là nhóm DN bất động sản, khiến nhiều người lo ngại sự đổ vỡ dây chuyền của nền kinh tế. Tuy nhiên, đầu tháng 3 Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP (NĐ08) về trái phiếu DN riêng lẻ, với một số quy định cho phép DN đang gặp khó khăn về tài chính có thể gia hạn trái phiếu.

NĐ08 đã tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép DN phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn, hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa 2 năm. Qua đó, giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm năm 2023 và năm 2024. Đây là sự thành công cần được ghi nhận.

Về các chính sách tiền tệ, nhiều quốc gia trong năm 2023 đã tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, đẩy lãi suất lên rất cao. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất, nhằm hỗ trợ DN. Tôi cho rằng đây là chính sách rất hợp lý, tạo ra những yếu tố then chốt để DN phục hồi.

Tiếp đến là lạm phát, trong khi nhiều quốc gia đối mặt với “bão” lạm phát. Đơn cử, trong tháng 8 lạm phát của khu vực đồng EUR tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát của Mỹ tăng 3,7%.

Còn tại châu Á, lạm phát tháng 8 của Lào tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, Philippines tăng 5,3%. Song Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng 9 tăng 3,66% so với tháng 9-2022. Từ những chỉ số trên, một lần nữa tôi cho rằng trong bối cảnh thế giới khó khăn, việc chúng ta đạt mức tăng trưởng như vậy là rất thành công.

- Thực tế có ý kiến cho rằng một số chính sách thuộc chương trình phục hồi kinh tế được áp dụng trong năm 2023 chưa phát huy được hiệu quả, hoặc đạt hiệu quả rất thấp. Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của các chương trình này?

- Tôi không đồng ý với ý kiến này. Thông qua các điều hành kinh tế năm nay, tôi thấy Chính phủ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi DN khá mạnh mẽ. Đơn cử, việc nợ trái phiếu nếu Chính phủ không ban hành NĐ08 kịp thời, có thể nhiều tập đoàn bất động sản lớn sẽ phá sản, thậm chí có thể tạo ra ảnh hưởng dây chuyền đối với khối ngân hàng.

Hay 2023 có thể coi là năm rất khó khăn của thị trường bất động sản, nhưng Chính phủ đã liên tục đưa ra các chính sách mạnh mẽ nhằm giúp thị trường phục hồi. Rõ ràng, những khó khăn chúng ta đã và đang xử lý.

Hoặc về các chính sách tiền tệ, tài khóa trong chương trình phục hồi kinh tế, nếu không có các chính sách này, câu hỏi đặt ra liệu kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 5% như dự báo? Rõ ràng, với những yếu tố tác động bất lợi từ bên ngoài, các chính sách phục hồi kinh tế có thể không đạt được như kỳ vọng, nhưng chúng có tính cộng hưởng và đã giúp kinh tế từng bước phục hồi.

- Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó quyết định mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 6-6,5%, bằng mục tiêu năm 2023. Theo ông, mục tiêu này liệu có cao và kịch bản có lặp lại như năm nay khi đặt ra mục tiêu nhưng không đạt được?

- Tôi cho rằng 2024 tiếp tục là năm khó khăn. Các yếu tố ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 như bất ổn chính trị ở nhiều nơi, chiến tranh, lạm phát chưa có dấu hiệu ngừng lại vào năm 2024. Thậm chí, các nghiên cứu chỉ ra rằng xu hướng khó khăn có thể mở rộng hơn nữa.

Như Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với năm 2023, EU còn tăng trưởng âm. Đây đều là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng hóa số 1 của Việt Nam. Vì vậy, những tín hiệu có phần tiêu cực này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng 6-6,5% Quốc hội đặt ra không phải không khả thi, nếu chúng ta biết cách khơi thông nội lực. Với hơn 100 triệu dân, thị trường nội địa của Việt Nam không phải nhỏ.

Để tạo ra sự tăng trưởng, chúng ta cần kích cầu thị trường trong nước, khai thác tốt nội lực để tránh phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài. Ngoài ra, còn yếu tố chúng ta thực hiện tốt trong năm 2023 cần tốt hơn nữa trong năm 2024 để đạt mức tăng trưởng 6-6,5%, đó là đầu tư công.

Theo đó, đẩy mạnh vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển một số mặt. Cụ thể, đầu tư công đúng mực sẽ giúp tạo ra công việc mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, đầu tư công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nó cung cấp các điều kiện cơ bản để hỗ trợ hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ, đồng thời thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh doanh. Chúng ta cần phải nỗ lực thực hiện những yếu tố “nằm trong tầm tay” này để đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng.

- Xin cảm ơn ông.

Đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sẽ thúc đẩy nền kinh tế đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng.

Các tin khác