Du khách nước ngoài đến Singapore trong mùa Giáng sinh và đón mừng Năm mới sẽ bắt gặp nhiều chú voi con bằng nhựa thủy tinh được sơn phết và trang hoàng công phu, đẹp mắt trên các đường phố trung tâm, khu mua sắm lớn. Những chú voi nói trên là một phần của cuộc triển lãm không gian mở mang tên Elephant Parade (tạm dịch là cuộc diễu hành voi) diễn ra lần đầu tiên trên đảo Sư Tử và cũng là lần đầu tiên tại châu Á từ ngày 11-11 đến 12-1-2012.
Thông qua sinh hoạt văn hóa đầy tính giáo dục này, người dân Singapore, nhất là trẻ em có cơ hội hiểu thêm về những khía cạnh mới trong việc bảo tồn động vật và các họa sĩ hay nhà thiết kế của Singapore có dịp thi thố tài năng với nghệ sĩ nước ngoài.
![]() |
Từ độc chiêu tiếp thị đón năm rồng bằng voi của Singapore, tôi chợt nghĩ ngành du lịch Việt Nam sẽ làm gì trong năm mới Nhâm Thìn sau sự kiện vịnh Hạ Long được bầu chọn trong số 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới?
Theo thiển ý của người viết, biểu tượng du lịch của Việt Nam cho năm 2012 (và nhiều năm kế tiếp) phải là những chú rồng đậm đà bản sắc dân tộc, linh hoạt uyển chuyển và thể hiện Thế và Lực của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Việc quảng bá và cổ động cho vịnh Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung ngoài yếu tố kỳ quan thiên nhiên, cần xoáy sâu vào những yếu tố lịch sử và nhân văn.
Thí dụ, câu chuyện về nguồn gốc con người Việt Nam như con rồng cháu tiên nên gắn với hình ảnh của Hạ Long: Khi người Việt lập nước đã bị giặc ngoại xâm. Ngọc Hoàng sai rồng mẹ mang theo đàn rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc.
Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn rồng hạ giới. Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển, như bức tường thành vững chắc chặn bước tiến của giặc. Giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, rồng mẹ và rồng con không trở về trời mà ở lại hạ giới.
Vị trí rồng mẹ đáp xuống là Hạ Long, nơi rồng con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xóa là Bạch Long Vĩ, đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15km...
Tôi tin rằng câu chuyện Hạ Long sẽ khiến du khách nước ngoài thích thú khi được biết ngoài cảnh quan thiên nhiên, trí tưởng tượng của người Việt Nam phong phú và đa dạng như vậy.
Sau khi thưởng lãm và chụp ảnh kỳ quan thiên nhiên, hiểu về lịch sử, địa lý và văn hóa Việt Nam, chắc hẳn họ không ngại bỏ thêm chút tiền mua vài món quà lưu niệm, trong đó có tượng con rồng - biểu tượng cho Hạ Long, cho sức sống và khát vọng vươn lên mãnh liệt của con người Việt Nam.
Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn, người viết xin góp vài ý kiến cho chiến lược tiếp thị du lịch năm con rồng, dựa trên 6 chữ cái trong từ tiếng Anh DRAGON (rồng), như sau:
- DESTINATION (điểm đến của thiên niên kỷ): Vịnh Hạ Long có thể cụ thể hóa khẩu hiệu du lịch: “Việt Nam, điểm đến của thiên niên kỷ” để du khách nước ngoài dễ hình dung hơn.
Sự háo hức đến với vịnh Hạ Long sẽ lan tỏa đến những vùng du lịch khác và trong trường hợp chưa có điều kiện đi Hạ Long, du khách sẽ “thử” đến một điểm tham quan nào thuận tiện nhất.
- REPOSITIONING (tái định vị): Với vị trí của một kỳ quan thiên nhiên được khẳng định đẳng cấp, Hạ Long có thể giúp chúng ta điều chỉnh vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới. Du lịch tại Hạ Long không nên nhắm vào giá rẻ mà phải là thể hiện đẳng cấp, tạo giá trị gia tăng cao.
Để làm được điều này không chỉ dừng ở những khách sạn, nhà hàng đắt tiền, mà còn đi vào chiều sâu qua những trải nghiệm nhân văn của từng du khách khi đến với vịnh Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thí dụ khẩu hiệu: “Việt Nam, một trải nghiệm phiêu lưu rất rồng” sẽ thuyết phục du khách, để khi nghĩ về Hạ Lọng họ lại càng gắn bó với Việt Nam hơn.
- AMBASSADORS (đại sứ du lịch): Ngoài việc bầu chọn một đại sứ du lịch chính thức và xứng đáng, ngành du lịch nên xây dựng thêm mạng lưới cộng tác viên hay tình nguyện viên là những đại sứ du lịch quảng bá không những cho vịnh Hạ Long mà cho địa phương mình, hay bất cứ danh lam, thắng cảnh nào trên mọi miền đất nước.
- GIFTS (quà kỷ niệm): Quà kỷ niệm cho vịnh Hạ Long không chỉ giới hạn trong những chiếc thuyền buồm, bưu thiếp hay bộ sưu tập ảnh mà phải có thêm tượng những chú rồng nhỏ (và cả rồng mẹ).
Quà lưu niệm này giống như du khách nước ngoài đến Singapore thường mua về những tượng sư tử đầu cá - biểu tượng của đất nước Singapore.
- ONLINE (internet): Cuộc bầu chọn vịnh Hạ Long vào 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới chủ yếu dựa vào internet. Vì thế ngành du lịch cần tiếp tục tận dụng và phát huy thế mạnh của truyền thông xã hội.
Các cá nhân, doanh nghiệp mặc dù không trực tiếp hoạt động du lịch cũng nên mở trang web cá nhân hay đường dẫn về vịnh Hạ Long hay các danh thắng khác để lượng thông tin về Việt Nam dồi dào và dễ truy cập hơn.
- NETWORK (mạng lưới): Nếu vịnh Hạ Long trở thành điểm đến không thể bỏ qua thì cũng phải nối kết với các vùng du lịch phụ cận và tạo thành mạng lưới tỏa đi các nơi khác.
Nói cách khác, du khách đến Hạ Long có thể sau đó kéo dài thời gian của mình ở Việt Nam lâu hơn để tranh thủ tham quan những nơi khác.
Singapore, tháng 12-2011