Theo đó, dựa trên tốc độ tăng trưởng hằng năm từ năm 2009-2016, Hà Nội được dự báo đạt được mức tăng trưởng 16,4%, đứng thứ 7 trong danh sách. Jarkata đứng thứ 5 với mức tăng trưởng 18,2%. Việc Hà Nội và Jakarta góp mặt trong danh sách này cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm du lịch then chốt.
Theo khảo sát trên, ngành du lịch tại châu Á - Thái Bình Dương không có dấu hiệu chững lại khi lượng du khách đến khu vực tiếp tục áp đảo. Minh chứng rõ ràng nhất vẫn là sức mua. Các thành phố ở châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận số tiền chi tiêu của du khách quốc tế cao nhất trong số 10 thành phố điểm đến toàn cầu. Với 91,16 tỉ USD doanh thu từ du lịch trong năm 2016, châu Á - Thái Bình Dương đã vượt mặt châu Âu (74,74 tỉ USD) và Bắc Mỹ (55,02 tỉ USD).
Để xếp hạng 132 thành phố du lịch hàng đầu thế giới, khảo sát phân tích số lượng du khách và chi tiêu của họ trong năm 2016 và đưa ra dự đoán tăng trưởng hằng năm, thông tin về các thành phố du lịch đang phát triển nhanh nhất, và hiểu rõ hơn lý do vì sao du khách đi du lịch và cách họ chi tiêu trên toàn thế giới.
Ông Eric Schnieder, Phó chủ tịch cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban cố vấn Mastercard, cho biết: "Là khu vực phát triển nhanh nhất về du lịch quốc tế, ngành du lịch của châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế quốc gia. Sự gia tăng của du lịch công tác và nghỉ dưỡng trong khu vực đòi hỏi các chính phủ và doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các mạng lưới thông minh và cơ sở hạ tầng nhằm đem lại những trải nghiệm thoải mái cho các cư dân, du khách và những doanh nhân đi công tác. Các thành phố đáp ứng được như vậy sẽ trở thành những điểm đến toàn cầu thực sự, và gặt hái được những lợi ích kinh tế từ lượng du khách và chi tiêu du lịch tăng cao”.
8 thành phố còn lại nằm trong Top 10 này gồm: Osaka (Nhật Bản), Thành Đô (Trung Quốc), Colombo (Sri Lanka), Abu Dhabi (UAE), Tokyo (Nhật Bản), Riyadh (Ả Rập Xê Út), Lima (Peru), Đài Bắc (Đài Loan).