Trong con người Nguyễn Thanh Trung (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tôn Đông Á, có một nửa sự kỹ lưỡng, chuẩn xác của một kỹ sư và một nửa là tầm nhìn, cảm nhận của một nhà kinh doanh. Hai nửa ấy ghép lại tạo nên thành công cho Tôn Đông Á trong suốt 14 năm qua.
"Chuyên gia" vượt khó
Tốt nghiệp khoa xây dựng Trường Đại học Bách khoa TPHCM năm 1982, Nguyễn Thanh Trung bắt đầu tìm cho mình một công việc để mưu sinh. Anh được nhận vào làm ở Công ty Quy hoạch và khảo sát thiết kế (thuộc Tổng công ty Cao su Việt Nam).
Mức lương tháng eo hẹp chỉ 48 đồng không làm nản lòng chàng cử nhân mới. Anh say sưa, nhiệt tình cống hiến cho công ty nên chẳng mấy chốc đã được đề bạt lên vị trí quản lý mảng kết cấu. Nếu cứ tiếp tục trong môi trường làm việc ấy rất có thể hôm nay anh đã ở một vị trí cao hơn. Song, với bản tính của một thanh niên nhiều hoài bão, anh luôn bị thôi thúc phải làm cái gì đó cho riêng mình.
Nguyễn Thanh Trung bắt đầu lăn lộn làm đủ nghề, nhưng cái duyên với ngành xây dựng khiến anh không thoát ra được. Những trăn trở về gạch, đá, trang trí nội thất… bám riết Trung suốt khoảng thời gian này, cuối cùng anh chọn tôn.
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, thị trường tôn lợp nhà có 2 loại sản xuất trong nước nhưng chất lượng kém, gồm tôn sắt nhanh rỉ sét và tôn mè dễ gãy, còn lại là tôn nhập khẩu. Lúc này Nguyễn Thanh Trung bắt đầu nhập khẩu, gia công và phân phối tôn, tạo nền tảng cho sự ra đời của Công ty TNHH Tôn Đông Á với số vốn ban đầu 1,5 tỷ đồng vào năm 1998.
Nhớ lại giai đoạn khởi nghiệp, ông Trung nói: “Chuyện nhập nguyên liệu, gia công và phân phối thời gian đầu lắm gian nan, nhưng không làm sẽ không thể biết nhu cầu thị trường, nguồn cung cấp nguyên liệu, thiết bị… ra sao, để từ đó đầu tư một nhà máy sản xuất riêng”.
- Sao ông lại chọn đúng thời điểm sau khủng hoảng kinh tế khu vực để cho ra đời nhà máy? - tôi thắc mắc.
- Tất cả đã nằm trong kế hoạch. Trong đầu tư, nhà sản xuất phải tính đến tương lai lâu dài như làm thương mại. Khi làm thương mại, doanh nghiệp chờ thời cơ thuận lợi mới làm. Thêm nữa cuộc khủng hoảng ấy không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam - ông Trung giải thích.
Công ty thành lập với vốn ban đầu của ông Trung và 4 cộng sự. Nhưng khi thiết bị được lắp đặt, công nhân tuyển xong, 3 trong 4 người bạn định rút vốn. Chới với nhưng không thể làm gì khác hơn, Nguyễn Thanh Trung đành khất việc hoàn vốn vì tất cả đã đổ vào việc xây dựng nhà máy. Và sau những khó khăn, cuối năm 1998 sản phẩm đầu tiên của Tôn Đông Á cũng được ra lò.
Do thiếu vốn, Tôn Đông Á phải đầu tư thiết bị, máy móc lạc hậu khoảng 50 năm so với thế giới, để sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường là bài toán hóc búa đối với công ty. Khi nghiên cứu thị trường, ông Trung phát hiện tôn ngoại nhập chủ yếu là những sản phẩm chất lượng cao, trong khi nhu cầu của các khu vực thôn quê tuy cao nhưng chỉ cần loại tôn chất lượng vừa phải và giá bán phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người thu nhập thấp. Tôn Đông Á đã dựa vào phân khúc này để tồn tại và phát triển trong thời gian đầu với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 30-50%.
Hiểu thị trường, nên khi có thêm vốn Nguyễn Thanh Trung nhanh chóng tập trung tái đầu tư máy móc, thiết bị. Năm 2004, Tôn Đông Á đầu tư dây chuyền mạ màu công nghệ Hàn Quốc với vốn 2 triệu USD và mua lại khu nhà xưởng diện tích 35.000m2 tại Bình Dương để mở rộng sản xuất.
Đến năm 2007, với tốc độ tăng trưởng gần 100% đạt được từ năm trước đã giúp Tôn Đông Á mạnh dạn đầu tư một dây chuyền hiện đại nhất cả nước trong thời điểm đó. Năm 2008, Tôn Đông Á dự kiến đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất tôn mạ màu và mạ hợp kim nhôm theo công nghệ NOF với số vốn 10 triệu USD.
Nhưng một lần nữa kế hoạch đầu tư của Tôn Đông Á trùng với giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp Việt Nam. Không chùn bước, Nguyễn Thanh Trung vẫn quyết định làm theo kế hoạch, dù sau đó thời gian hoàn thiện kéo dài thêm gần 1 năm mới hoàn thành.
Nhờ mạnh dạn đầu tư dây chuyền mới trong thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới, cuối năm 2010 sản phẩm mới của Tôn Đông Á ra đời, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Có sai lầm mới tìm ra lợi thế
Tuy có những quyết định đầu tư đúng đắn, tạo nên sức bật cho Tôn Đông Á, nhưng ông Trung thừa nhận vẫn có lúc sai lầm. Một trong những sai lầm khó quên ấy xảy ra vào năm 2008, dẫn tới mức tăng trưởng của công ty chỉ đạt 30%. Thứ nhất là việc nhập một lô hàng với dự tính sẽ “ăn chắc” nhưng sau đó rớt giá mạnh.
Thứ hai là việc hoạt động trái với sở trường khi đầu tư vào bất động sản tại Tiền Giang. Và ông đã sửa sai khi quyết định đầu tư một dự án dài hơi trên diện tích 12ha tại Bình Dương trong chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020.
“Với nhà sản xuất khi có vốn nên đầu tư vào máy móc, công nghệ hơn là lan man sang những lĩnh vực khác mà mình không am hiểu nhiều” - Nguyễn Thanh Trung bộc bạch.
Dây chuyền sản xuất tôn Đông Á. |
Tham vọng xây dựng một nhà máy hiện đại, không phải một sự lắp ghép lại vấp phải khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính vì thế thay vì khởi động cuối năm nay, Tôn Đông Á phải lùi kế hoạch sang năm tới. Để tránh rủi ro và chuẩn bị sẵn sàng nguồn tài chính cho việc đầu tư, dự án được chia thành 3 giai đoạn kéo dài từ 5-7 năm.
- Xin hỏi một câu có thể làm ông phật lòng: Dân miền trung thường bị xem là người bảo thủ, với ông thì sao? - tôi hỏi.
- Thực ra đôi khi tôi cũng khá bảo thủ, nhưng dần phải thay đổi vì đó là mình làm gương cho nhân viên. Tất nhiên không phải lúc nào tôi cũng chờ lắng nghe ý kiến, nhiều khi phải có những quyết định nhanh, bởi nếu không thì cơ hội sẽ nằm trong tay đối thủ cạnh tranh.
Trở lại câu chuyện thành công của Tôn Đông Á, liên tục đầu tư đổi mới công nghệ và chủ động nguồn nguyên liệu là những bí quyết giúp công ty vươn lên đứng thứ 3 với thị phần 18% trong làng tôn Việt Nam hiện nay.
Tính đến năm 2011, nhờ tung ra những dòng sản phẩm mới, chiếm lĩnh thêm nhiều thị trường mới, đến nay xuất khẩu đã chiếm 30% thị phần của Tôn Đông Á. Khó khăn chung của nền kinh tế đôi khi lại trở thành lợi thế cho doanh nghiệp tôn Việt Nam khi xuất khẩu.
Ông chia sẻ: “Khi khủng hoảng xảy ra, nhiều quốc gia như Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Việt Nam đã chọn giải pháp tăng thuế nhập khẩu tôn thép để bảo vệ nhà sản xuất trong nước. Việc này ảnh hưởng lớn đến nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Năm qua, Chính phủ Trung Quốc phải tăng tỷ lệ bồi hoàn thuế xuất khẩu cho doanh nghiệp nội nhưng đến năm 2011, chính sách đó không còn nữa. Đây là một lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu tôn Việt Nam”.
Đầu tư cho tri thức
Thể hiện trách nhiệm xã hội đã trở thành nội dung không thể thiếu trong hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay. Nhưng thể hiện trách nhiệm ấy như thế nào thì mỗi nơi mỗi khác. Riêng Tôn Đông Á, hàng năm với 500 triệu đồng, công ty thực hiện được khá nhiều hoạt động xã hội thiết thực, trong đó chú trọng vào việc phát học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
“Sự khác biệt trong xã hội chúng ta còn quá lớn. Một sinh viên trong hoàn cảnh khó khăn nếu có được sự giúp đỡ và có nỗ lực hẳn sẽ đóng góp cho xã hội được rất nhiều” - ông Trung tâm sự.
Mỗi quyết định đầu tư của chúng tôi đều được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Nghiên cứu và phân tích nhu cầu thị trường là việc quan trọng phải làm trước tiên, trong đó phải dự báo được tiềm năng phát triển trong nước và khả năng xuất khẩu, các tác động của chủ trương và chính sách ở tầm vĩ mô. | |
Ông NGUYỄN THANH TRUNG, |
Trong khi mải miết với những dự án đầu tư, Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Trung không quên việc đầu tư cho đội ngũ nhân sự. Hơn ai hết, ông hiểu rằng nhân lực trong ngành này không nhiều, lại không được đào tạo đặc thù. Trong khi sản phẩm làm ra đòi hỏi không chỉ cần có công nghệ hiện đại, mà phải có đội ngũ nhân sự lành nghề. 5 năm trở lại đây, ông Trung mạnh dạn đầu tư cho nhiều nhân viên tham gia các lớp học dài hạn tại nước ngoài.
Ông là một trong số những doanh nhân dành nhiều thời gian chia sẻ kinh nghiệm, truyền đam mê cho sinh viên nhiều trường đại học.
“Thời đi học, tôi và những người cùng thế hệ không thấy trước được nhiều cơ hội vào đời như các em ngày nay. Chúng tôi chỉ biết học ngày học đêm để thi đậu, rồi nỗ lực học mà không biết được rõ ràng rằng một kỹ sư ra trường sẽ làm được gì. Các em bây giờ lại khác, có nhiều thông tin và môi trường rộng mở cho phép có thể tự nhìn thấy, kiến thiết con đường tương lai của mình. Do vậy, các em có động cơ rõ ràng để học tập” - ông Trung tâm sự.
Tuy nhiên, theo ông, có không ít sinh viên lại nuôi ước mơ trở thành chủ doanh nghiệp do nhìn thấy nhiều tấm gương thành công của doanh nhân. Quan niệm làm chủ chứ không làm thuê có thể khiến nhiều sinh viên mới ra trường đi sai đường.
Tôi luôn dạy con tôi và chia sẻ với các bạn trẻ mình không thể làm chủ khi không làm thuê. Đừng suy nghĩ khi mình đi làm thuê thì chỉ ông chủ được hưởng lợi mà ngay chính mình cũng đang học hỏi được rất nhiều thứ.
Tự nhận mình là một người thành công nhưng không phải quá thành công, vì nếu có một người khác ngồi vào vị trí của ông có lẽ sẽ giúp Tôn Đông Á mức tăng trưởng nhanh, mạnh hơn cả chục, trăm lần hiện nay. Chính vì lẽ đó, ông đang nỗ lực cho sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp mình.