Hạn chế cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

(ĐTTCO)-Trong tháng 6-2019, ĐTTC đã có 2 bài viết phản ánh về tình trạng cầm cố sổ tiết kiệm vay vốn: “Lòng vòng tìm lãi từ ngoại tệ” (số ra ngày 17-6) và “Gửi - vay - gửi tác động tiêu cực lạm phát, cung tiền” (số ra ngày 24-6). Mới đây, NHNN đã có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng (TCTD)  cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm khi không có phương án sử dụng vốn vay.
Hạn chế cho vay cầm cố sổ tiết kiệm
Theo thông tin ĐTTC ghi nhận trước đó, NH nước ngoài tại Việt Nam mời khách hàng đang gửi tiết kiệm ngoại tệ lãi suất 0%/năm, sau đó cầm cố sổ tiết kiệm ngoại tệ vay VNĐ lãi suất ưu đãi, rồi đem VNĐ gửi NH với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch. 
Tại các NHTM trong nước, việc cầm cố sổ tiết kiệm VNĐ để vay vốn thời gian qua cũng khá phổ biến, nhất là khi NH tăng cường huy động vốn trung và dài hạn. Hình thức này được các NH ưu đãi như thủ tục đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, thậm chí không phải chứng minh phương án sử dụng vốn vay, lãi vay chỉ cao hơn lãi tiền gửi tiết kiệm 1-2%/năm, hạn mức lên tới 100% giá trị sổ tiết kiệm và được giải ngân ngay trong ngày…
Tuy nhiên, tại văn bản gửi đến các TCTD, NHNN cho biết qua quá trình thanh tra, giám sát, NHNN nhận thấy có hiện tượng một số TCTD cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia tài chính nhận định, ở Mỹ việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm như vậy đã bị cấm từ lâu. Tại Việt Nam, đến thời điểm này NHNN mới nhắc nhở, cảnh báo rủi ro cho vay cầm cố sổ tiết kiệm cũng khá trễ, tuy nhiên đây cũng là điều cần thiết. Dù vậy, lý do NHNN đưa ra như trên cũng chưa phải là quan trọng nhất, mà rủi ro của vấn đề cầm cố sổ tiết kiệm lớn hơn nhiều, liên quan đến tính thanh khoản của NH. 
Cụ thể, khi khách hàng đem 10 tỷ đồng đến gửi tiết kiệm tại NH, NH sẽ lập tức dùng 10 tỷ đồng đó cho vay ra để sinh lời. Nhưng trong thời gian gửi, khách hàng lại đến NH đặt yêu cầu cần 10 tỷ đồng đó, NH buộc phải cho vay ngay. Vì nếu không cho vay, khách hàng sẽ đóng sổ tiết kiệm và có thể sau này sẽ chuyển sang giao dịch với NH khác.
Như vậy, từ nguồn tiền gửi ban đầu là 10 tỷ đồng, nhưng áp dụng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm NH lại cho vay 20 tỷ đồng (vì 10 tỷ đã cho vay trước đó và 10 tỷ cho vay cầm cố hiện tại), tạo ra tỷ lệ dư nợ trên huy động ở mức 200%, trong khi quy định của NHNN là 80%. 
Điều này tạo ra áp lực cho NH là làm sao tìm nguồn khác để đẩy tỷ lệ dư nợ trên huy động xuống dưới 100%, tạo ra áp lực về thanh khoản và áp lực lãi suất, vì NH phải đôn đáo huy động vốn để lấp vào phần đó. Nếu một NH chỉ làm 1 món trong 1 năm, rủi ro sẽ không lớn, nhưng nếu 1 NH làm nhiều món trong 1 năm và nhiều NH làm cùng một lúc, sẽ tạo ra áp lực lớn cho NH. 
Đối với tiền gửi ngoại tệ cũng vậy, nếu việc dùng ngoại tệ thế chấp vay VNĐ để gửi NH hưởng chênh lệch ở quy mô nhỏ tác động chưa lớn. Nhưng nếu xu hướng đó trở thành đại trà, nhiều khách hàng gửi ngoại tệ cùng làm như vậy sẽ gây ra ảnh hưởng lớn, tạo ra mối lợi không chính đáng và còn tác động đến lạm phát, cung tiền và mặt bằng lãi suất.
Trước quy định của NHNN, chuyên gia này khuyên người dân nên tính toán chia nhỏ món tiền gửi để tránh trường hợp cần tiền phải rút trước hạn với lãi suất không kỳ hạn. Phía NH nếu muốn hút khách hàng gửi tiết kiệm dài hạn nên có chính sách tối ưu lãi suất rút trước hạn để hỗ trợ khách hàng, còn cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là trường hợp chẳng đặng đừng.

Các tin khác