Cơ quan quản lý đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đấu thầu vàng, tăng nguồn cung cho thị trường, nhưng vẫn chưa thể kìm được “cơn sốt” vàng SJC trong nước.
Lời tiền tỷ, không đóng đồng thuế nào!?
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao việc một hot blogger cho biết vừa chốt lời 100 lượng vàng SJC vào thời điểm 92 triệu đồng/lượng. Theo chia sẻ của hot blogger này, 100 lượng vàng này mua vào dịp vía Thần tài 3 năm trước ở mức gần 57 triệu đồng/ lượng. Theo tính toán, nếu chốt vào thời điểm vàng SJC lên 92 triệu đồng/lượng (bán ra), hot blogger này lời khoảng 3,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này không phải đóng một đồng thuế nào! Cùng tham gia “lướt sóng” vàng, chị Minh Trang (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng cho biết vừa chốt lời 50 lượng vàng SJC với giá 89 triệu đồng/lượng. “Với giá mua vào đầu năm ở mức 74 triệu đồng/lượng và chốt lời ở mức 89 triệu đồng/lượng, tôi lời 750 triệu đồng nhưng không phải đóng bất cứ loại thuế nào”, chị Trang cho hay.
Qua ghi nhận tại TPHCM, những nơi có số lượng khách hàng đến giao dịch vàng khá đông như Công ty SJC, tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh) cho thấy, lượng khách mua vàng vẫn nhiều hơn bán ra, kể cả vàng nhẫn 9999 lẫn vàng miếng SJC.
Tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như PNJ, SJC và tiệm vàng Mi Hồng… khách đến mua vàng phải trình CCCD để doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử, nhưng khi bán vàng thì các doanh nghiệp chủ yếu kiểm tra thông tin về sản phẩm trên hóa đơn khách hàng mua, chứ không cần phải xuất trình CCCD. Một số tiệm vàng nhỏ lẻ quanh khu vực chợ Thiếc (quận 11) và chợ An Đông (quận 5), khách đến mua vàng nhẫn và trang sức chỉ được đưa biên nhận viết tay.
Thực tế cho thấy, nhu cầu mua vàng không giảm khi đầu tư vàng đang mang lại lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm, bất động sản, chứng khoán. Đáng nói, việc mua bán vàng tại Việt Nam chưa bị đánh thuế, dẫn đến tình trạng đầu cơ vàng, từ đó góp phần đẩy giá vàng ngày càng cao.
Người dân mua vàng tại tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh, TPHCM) chiều 14-5. Ảnh: CHÍ HÙNG
Đánh thuế càng sớm càng tốt
Theo Hội đồng Vàng thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới với tổng giao dịch trên thị trường khoảng 45-50 tấn/năm. Chính vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đánh thuế mua - bán vàng không chỉ tăng thu ngân sách nhà nước mà còn để chống “vàng hóa” nền kinh tế và đầu cơ. Theo một thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện người dân đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản phải nộp thuế nhưng đầu tư vào vàng không phải nộp thuế.
“Mới đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất cả doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng phải thực hiện hóa đơn điện tử trong giao dịch mua - bán vàng. Như vậy, mọi giao dịch được ghi nhận, từ đó sẽ thu được thuế. Còn thu với tỷ lệ bao nhiêu, thu thế nào, cơ quan thuế sẽ tính toán để bảo đảm phát triển thị trường vàng, hài hòa lợi ích giữa các bên”, vị này đề xuất. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cũng cho rằng, nên dùng công cụ thuế để điều tiết những giao dịch có tính chất đầu cơ như mua vàng miếng để tích trữ.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, thời gian qua, một số cá nhân đã có hiện tượng kinh doanh vàng và cũng đã đến lúc cần phải đánh thuế vàng. Việc xuất hóa đơn điện tử không quá tốn kém và khó khăn như nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng từng chia sẻ. Nếu không kiên quyết và không biết cách tổ chức thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ lần lữa không chịu làm.
Thêm vào đó, ở phía người dân, hiện nay nhiều người vẫn chưa có thói quen lấy hóa đơn điện tử khi mua hàng, trong đó có mua vàng. Muốn hình thành thói quen, các cơ quan ban ngành có thể triển khai các biện pháp khuyến khích người dân, chẳng hạn như giảm trừ với những người lấy hóa đơn điện tử. Khi áp dụng được hóa đơn điện tử như đối với kinh doanh xăng dầu thì chắc chắn sẽ thu được thuế từ hoạt động mua bán để kiếm lời chênh lệch từ vàng.
TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chuyên gia về thuế, cho rằng, theo Luật Quản lý thuế, các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1-7-2022... Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động quyết liệt trong quản lý ngoại hối nhưng lại chưa đẩy mạnh vấn đề xuất hóa đơn điện tử khi mua, bán vàng.
“Theo tôi, đơn cử, phương pháp trực tiếp, giá bán trừ giá mua, phần chênh lệch này nhân với thuế suất. Trong khi đó, giá mua đầu vào khó có thể nắm được nên nhiều khi bán cả vài trăm, đến vài ngàn lượng nhưng nộp thuế rất ít. Đó là chưa kể cá nhân kinh doanh thương mại điện tử có doanh thu năm 100 triệu đồng thì nộp thuế, nhưng cá nhân mua bán 10 lượng vàng, tương đương hơn 800 triệu đồng thì không phải đóng thuế, dẫn đến thị trường vàng sôi động nhưng thất thu thuế”, TS Nguyễn Ngọc Tú nhận xét.