Hạn chế quyền của DN dược FDI?

(ĐTTCO) - Những quy định nhập khẩu dược phẩm theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP có thể khiến DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm phải dừng hoạt động. Điều này đang tạo ra các luồng ý kiến khác nhau giữa DN FDI và DN trong nước.

Chi phí thuốc sẽ tăng?
Theo Khoản 10, Điều 91, Nghị định 54 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và dự thảo thông tư hướng dẫn đang được Bộ Y tế xây dựng, nguyên tắc chung là DN FDI có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc. Điều này đang gây sự phản ứng của nhiều DN FDI. 
 Trong WTO và các hiệp định thương mại tự do, các cam kết về lĩnh vực dịch vụ đưa ra đều ở mức sàn. Do đó, khi so sánh với cam kết là cần thiết, nhưng quan trọng hơn ở góc độ lợi ích, hiệu quả chúng ta có thể cải cách mạnh hơn thay vì chỉ phù hợp cam kết.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế
Luật sư Seck Yee Chung, đại diện Tiểu ban Pháp chế, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam, cho rằng quy định DN FDI được nhập khẩu thuốc nhưng không có quyền phân phối, nghĩa là họ sẽ chỉ cung cấp cho nhà phân phối, bán buôn Việt Nam, đồng nghĩa không được cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc - những dịch vụ không bị cấm hay hạn chế bởi Luật Dược.
Cũng theo ông Seck Yee Chung, đơn vị nhập khẩu chỉ được vận chuyển dược phẩm đến kho bãi của mình, không được vận chuyển đến kho bãi khách hàng và điểm bán buôn, trong khi đó cam kết với WTO của Việt Nam có nói vận chuyển thuốc không bị coi là dịch vụ vận chuyển phân phối.
“Chúng ta biết rõ DN có quyền tự do thương thảo đàm phám và quyền đó không thể hạn chế bởi kho bãi” - ông Seck Yee Chung nói và cho rằng việc dự thảo thông tư cấm DN nhập khẩu hỗ trợ tài chính cho bán buôn, bán lẻ cần phải được làm rõ hơn.
Đồng tình với việc này, Luật sư Lê Nết, Tiểu ban Y tế (Amcham), phân tích: “Thực tế hiện nay DN FDI cũng không có mong muốn thực hiện quyền phân phối, phải hiểu thế nào quyền phân phối. Theo WTO, đó là bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền, đại lý. Quyền phân phối không phải là 11 hành vi tại Khoản 10 Điều 91 Nghị định 54. Như vậy, nếu DN FDI không được làm các dịch vụ liên quan như vận chuyển, bảo quản thì hàng hóa của họ ai làm? Phải chăng chúng ta đang ép DN FDI dùng dịch vụ của DN Việt Nam? Và nếu DN FDI không được làm các dịch vụ này có thể khiến chi phí thuốc tăng và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu”.
Hạn chế quyền của DN dược FDI? ảnh 1 Những quy định nhập khẩu dược phẩm đang tạo ra các luồng ý kiến khác nhau giữa DN FDI và DN trong nước. 
Phù hợp thông lệ WTO
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định DN FDI có quyền nhập khẩu dược phẩm nhưng không có quyền phân phối phù hợp với cam kết của Việt Nam với WTO.
Trong định nghĩa của WTO, dịch vụ phân phối là bán lại hàng hóa và các dịch vụ có liên quan (bao gồm bảo quản hàng hóa trong kho, sắp xếp hàng hóa trong lô lớn, dịch vụ vận chuyển, làm lạnh, dịch vụ xúc tiến bán hàng…). “Với định nghĩa như vậy tôi không cần bình luận thêm, vì Việt Nam chưa cam kết mở cửa dịch vụ phân phối” - bà Trang nói và cho biết các dịch vụ bảo quản, vận chuyển, lưu kho không được thực hiện vì gắn với bán lẻ hàng hóa. 
Cũng theo bà Trang, theo rà soát Trung tâm WTO và hội nhập, Việt Nam đã mở cửa dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường bộ, nhưng nhà đầu tư nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ dưới hình thức liên doanh với số vốn góp không quá 49%. Trong khi dịch vụ bảo quản và lưu kho, xử lý container theo WTO, Việt Nam đã mở cửa nhưng nhà đầu tư nước ngoài chỉ tham gia liên doanh và vốn nước ngoài không quá 50%.
Còn vận tải biển Việt Nam đã mở hoàn toàn cho nhà đầu tư nước ngoài. Kết luận lại vấn đề, bà Trang cho rằng dự thảo thông tư của Bộ Y tế chỉ áp dụng cho DN FDI có quyền nhập khẩu dược, nhưng không có quyền phân phối và Việt Nam không vi phạm quy định của WTO. Nói rộng hơn, liên quan đến dịch vụ vận chuyển, bảo quản nói chung (trong đó có cả thuốc), Việt Nam đang cam kết ở mức độ khác nhau và hạn chế khi DN nước ngoài chỉ có thể liên doanh. 
Ông Trần Đức Chính, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dược Việt Nam, cho rằng vấn đề này đang gây nhiều ý kiến trái chiều do liên quan đến lợi ích. Do Việt Nam chưa mở cửa cho phân phối dược, nên cơ quan quản lý có lý khi cấm các hành vi dẫn đến phân phối trực tiếp như vận chuyển, hỗ trợ tài chính - những hành vi DN nước ngoài từng làm để thực hiện phân phối dược phẩm.
“Liên quan đến vấn đề lợi ích nên khó có sự thống nhất, nhưng nhà quản lý cần lắng nghe để ra phán quyết tốt nhất, không làm tổn hại môi trường kinh doanh” - ông Chính nói. 
Còn ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng dự thảo thông tư cụ thể hóa những cam kết trong WTO bằng thể chế Việt Nam khi chỉ cho phép nhập khẩu nhưng không cho phân phối thuốc. Nguyên tắc là đảm bảo dung hòa các nhóm lợi ích, đảm bảo pháp luật quốc tế. Về việc xử lý những DN FDI núp bóng DN Việt Nam thực hiện quyền phân phối, Bộ Y tế đã họp với các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương và Tư pháp để tìm cách giải quyết, với quan điểm là tạo điều kiện, môi trường ổn định trong đầu tư kinh doanh dược phẩm.

Các tin khác