Hàng Việt bị chèn ép trên 'sân khách', trong khi hàng ngoại nhập khẩu thoải mái

(ĐTTCO) - Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu các doanh nghiệp phải nỗ lực đáp ứng nhiều yêu cầu. Bởi việc các nước dựng hàng rào thuế quan hoặc kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước đang là xu thế.
Trong khi trái cây của Việt Nam xuất khẩu phải chịu khắt khe theo luật từng nước, thì hàng nhập vào Việt Nam lại chưa có nhiều hàng rào kỹ thuật để sàng lọc.
Trong khi trái cây của Việt Nam xuất khẩu phải chịu khắt khe theo luật từng nước, thì hàng nhập vào Việt Nam lại chưa có nhiều hàng rào kỹ thuật để sàng lọc.

Song ở chiều ngược lại, với hàng nhập khẩu dường như Việt Nam còn khá dễ dãi nên chưa tạo ra luật chơi “công bằng”.

Hàng xuất phải vượt qua nhiều tiêu chí khắt khe

5 tháng đầu năm 2023, trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu vẫn trong xu thế tăng trưởng âm thì xuất khẩu rau quả lại có kết quả ấn tượng. Cụ thể toàn ngành mang về 1,8 tỷ USD, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ. Với đà tăng trưởng này dự báo năm nay ngành rau quả sẽ cán đích 4 tỷ USD.

Bên cạnh thị trường lớn Trung Quốc với sự bứt phá của trái sầu riêng, thì rau quả Việt Nam tiếp tục chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Việc vào được nhiều thị trường là minh chứng rõ nét cho thấy trái cây Việt Nam ngày càng đạt được nhiều tiêu chí khắt khe. Bởi mỗi thị trường là một sân chơi với những luật chơi riêng, không phải trái cây vào Mỹ là có thể vào EU và ngược lại.

Thí dụ như với Mỹ, mỗi loại trái cây vào được phải mất thời gian đàm phán không ngắn, đồng thời phải đáp ứng các tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng, cơ sở xử lý… Nhưng EU lại khác, EU cho tất cả các sản phẩm rau quả Việt Nam vào không cần đàm phán, nhưng lại đặt ra nhiều tiêu chí kiểm định hết sức khắt khe.

Nếu DN vi phạm sẽ bị cho vào danh sách đen, không được xuất khẩu và ảnh hưởng chung đến toàn ngành. Ngay với thị trường Trung Quốc cũng không còn là thị trường dễ tính, trái sầu riêng là mặt hàng thế mạnh mới của Việt Nam, nhưng để vào được cũng phải được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết ngoài những quy định sẵn có thì các nước nhập khẩu còn đang hướng tới nông nghiệp xanh, sản xuất xanh và thêm nhiều chứng nhận xã hội, lao động. “Nghe nói nông nghiệp xanh rất nhân văn, nhưng đó là luật chơi để bảo vệ sản xuất trong nước. Tại đây DN Việt Nam sẽ bị yếu thế, muốn tham gia phải đáp ứng luật chơi”- ông Tùng bày tỏ.

Hàng nhập quá dễ dãi

Cũng theo ông Nguyễn Đình Tùng, trong khi xuất hàng phải chịu khắt khe theo luật từng nước, thì hàng nhập vào Việt Nam lại chưa có nhiều hàng rào kỹ thuật để sàng lọc. Thật vậy, nếu nhìn ra các mặt hàng trái cây, rau củ tại thị trường Việt Nam hiện nay sẽ thấy một thực tế hàng ngoại lấn át hàng nội. Ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống thì trái cây, rau quả Trung Quốc phủ khắp, còn trong các siêu thị, cửa hàng bán trái cây nhập khẩu thì hàng Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… tràn ngập.

Vẫn biết với hàng nhập khẩu Việt Nam cũng có những quy định cụ thể, thế nhưng để thành những rào cản kỹ thuật sàng lọc hàng nhập e là chúng ta vẫn còn thiếu và yếu. Hiếm khi nào trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin hàng từ nước A, B không được vào Việt Nam do chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, mà chỉ thấy thông tin hàng Việt xuất khẩu vi phạm tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia bị trả về, bị vào danh sách đen, bị cấm xuất khẩu…

Cũng có ý kiến cho rằng, khi chúng ta ký kết các FTA buộc phải mở cửa theo đàm phán. Nhưng thực tế các nước cũng mở cửa theo đàm phán thông qua việc giảm thuế quan, nhưng mặt khác họ lại dựng lên những hàng rào kỹ thuật dày đặc. Nếu chúng ta không nhanh chóng có những “luật chơi” để đảm bảo công bằng thì DN Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.

Không chỉ câu chuyện của rau quả

Không chỉ câu chuyện của rau quả, mà gần đây chuyện gia cầm nhập khẩu ồ ạt đe dọa ngành chăn nuôi trong nước cũng đang nóng trên nhiều phương tiện truyền thông. Phía Hiệp hội Gia cầm Việt Nam kiến nghị tăng cường các biện pháp phi thuế quan, nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua để bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời, Chính phủ cần khẩn trương cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine.

Theo phía hiệp hội, việc sử dụng Ractopamine, Cysteamine làm chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc cho vật nuôi đã bị cấm tại 160 quốc gia trên thế giới kể cả ở Việt Nam (vì có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng) từ năm 2014. Tuy nhiên, nghịch lý là hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt heo, bò và gà từ một số quốc gia được phép sử dụng 2 chất nêu trên cho gia súc, gia cầm. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gia cầm trong nước gặp nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng cao thì áp lực từ gia cầm nhập khẩu ồ ạt đẩy DN vào thế khó càng thêm khó.

Hay như câu chuyện của ngành điều là một minh chứng nữa. Trước đây Việt Nam nhập điều thô chủ yếu của châu Phi và Campuchia, nhưng nay các quốc gia châu Phi đang đẩy mạnh công nghiệp chế biến điều với nhiều chính sách. Với điều thô xuất khẩu, họ quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu; áp mức thuế xuất khẩu cao. Nhưng với điều nhân xuất khẩu, họ miễn thuế.

Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều được Việt Nam miễn thuế. Theo DN điều Việt Nam, bất cập trong chính sách thuế nhập khẩu nhân điều của Việt Nam đang tạo ra sự bất bình đẳng thương mại giữa các DN chế biến trong và ngoài nước.

Hiệp hội Điều Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì đàm phán, ký các hiệp định song phương với từng nước về miễn thuế xuất nhập khẩu với hàng hóa của nhau. Trong đó có việc nếu đối tác miễn thuế với điều thô xuất khẩu sang Việt Nam, thì Việt Nam sẽ không cần phải thay đổi các quy định hiện hành. Nếu các nước không đồng thuận, Việt Nam cần xem xét để áp dụng nguyên tắc "có đi có lại" trong quan hệ quốc tế, không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam.

Có thể thấy khá nhiều bất cập đang được các DN, hiệp hội liên tục đề cập, nhiều giải pháp cụ thể cũng đã được kiến nghị. Việc còn lại là chờ các cơ quan chức năng vào cuộc với từng vấn đề của từng ngành hàng.

Nếu chúng ta cứ mãi dễ dãi thì không chỉ DN Việt thiệt thòi, mà người tiêu dùng cũng không được bảo vệ xác đáng. Thị trường Việt Nam rất có thể sẽ trở thành nơi tiêu thụ những mặt hàng có tiêu chuẩn chất lượng thấp.

Các tin khác