Nếu không có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thực sự hiệu quả, bức tranh về DN những tháng còn lại của năm nay sẽ còn u ám hơn. Đó là nhận xét của TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi trao đổi với ĐTTC.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), 4 tháng đầu năm 2023 có 77.001 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, phần lớn DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 64,8%) với 49.930 DN (tăng 21,8% so với cùng kỳ 2022); số DN chờ làm thủ tục giải thể 20.945 (tăng 39,9%) và số DN giải thể 6.126 DN (tăng 10,1%). Chỉ tính riêng trong tháng 4, cả nước có tới 14.509 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 39,8% so với cùng kỳ 2022.
Khó khăn DN trong nước không phải bây giờ mới được nhận diện, mà đã được cảnh báo từ quý IV-2022. Đầu năm nay vấn đề trở nên trầm trọng hơn bởi nhiều yếu tố bất thuận cả trong nước lẫn bên ngoài tác động. Số DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới hoặc quay trở lại thị trường, là điều hoàn toàn ngược lại với các xu hướng thông thường là số DN thành lập mới bao giờ cũng lớn hơn số DN rút lui khỏi thị trường, có nghĩa nền kinh tế đang gặp nhiều vấn đề bất ổn và DN thực sự khó khăn.
Điều tôi đặc biệt quan tâm ở đây, là trong số DN rút lui khỏi thị trường không chỉ có DNNVV mà có cả DN lớn. Đây là điều nguy hiểm bởi để DN lớn được cần nhiều thời gian. DN lớn đóng cửa thường là chỉ dấu báo hiệu sự suy thoái, rất đáng lo ngại.
Phóng viên: - Thưa bà, từ quý III-2022, trong các biện pháp hỗ trợ DN có biện pháp về chính sách tiền tệ. Để công cụ này phát huy hiệu quả, “độ trễ” cần khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, đến nay hơn nửa năm đã trôi qua, dường như chính sách tiền tệ hỗ trợ DN đã không phát huy tác dụng?
TS. NGUYỄN MINH THẢO: - Trong nội dung các gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, có một số gói hỗ trợ về lãi suất, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, gói hỗ trợ lãi suất 2% này đã được nhận xét từ cuối năm ngoái là không hiệu quả, vì DN không thể tiếp cận được bởi những điều kiện, yêu cầu khắt khe các NHTM đưa ra.
Thí dụ, NH yêu cầu những khoản nợ trước đó của DN phải giải quyết hết mới được vay ưu đãi lãi suất 2%. Những quy định ngặt nghèo, “mời trước rào sau” này khiến DN cần vốn không thể tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất này.
Trong số DN rút lui khỏi thị trường không chỉ DNNVV mà có cả DN lớn - chỉ dấu báo hiệu sự suy thoái, rất đáng lo ngại.
Theo tôi, gói hỗ trợ này về tinh thần là tốt, tuy nhiên những hướng dẫn đi kèm của NHNN chưa rõ ràng để các NHTM sẵn sàng cho DN vay. Bởi những rủi ro các NHTM phải đối mặt cũng rất nhiều, áp lực rất lớn.
Trong trường hợp quy định không rõ ràng họ cũng chần chừ và không mặn mà để giải ngân gói hỗ trợ này. Với một chính sách về tinh thần và mục đích là tốt như thế nhưng lại không thực hiện được, cho thấy chất lượng về thể chế chính sách khi ban hành không cao, chưa phù hợp.
- Mới đây NHNN đã điều chỉnh hạ lãi suất điều hành và cũng là lần 3 hạ lãi suất. Điều này có đủ giúp DN tiếp cận vốn tín dụng, thưa bà?
- Lãi suất đã giảm qua 3 kỳ điều hành vừa rồi của NHNN, nhưng trên thực tế NHTM vẫn neo ở mức cao, trong khi thị trường hiện nay đang rất khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao. Có nghĩa vẫn không giúp được nhiều cho DN và lãi suất giảm vẫn chưa được như kỳ vọng. Đầu tư sản xuất, kinh doanh của DN cần vốn trung và dài hạn, trong khi DN vay NH chỉ để đảm bảo vốn ngắn hạn, thậm chí để trả nợ, không đủ để tái đầu tư sản xuất.
Muốn có vốn trung hạn, DN phải huy động qua các kênh khác như trái phiếu, nhưng kênh này hiện nay đang tắc. Nên dù lãi suất có hạ, DN có vay được vốn cuối cùng vẫn dùng để xử lý những vấn đề trước mắt, còn về lâu dài vẫn thiếu sự bền vững về tài chính. Chưa kể hiện nay, đa số DN phải vay bằng tài sản thế chấp do NH e ngại rủi ro nợ xấu tăng.
Nói tóm lại, việc không siết chặt kỷ cương trong những năm trước, đã dẫn đến việc các NHTM được “thả lỏng” để đẩy lãi suất lên cao, khiến DN bị bào mòn lợi nhuận và động lực để tăng trưởng. Giờ đây hạ lãi suất cũng chỉ được xem như biện pháp “chữa cháy”, điều lẽ ra phải làm từ trước đó.
- Bà nhận định thế nào về bức tranh DN trong những tháng còn lại của năm nay?
- Theo cảm nhận của tôi, DN đang rất khó khăn và vẫn tiếp tục khó khăn. Các quý còn lại của năm nay sẽ không thực sự khả quan. Vì thế cần những giải pháp và cách thực hiện quyết liệt nhiều hơn nữa. Có nhiều giải pháp có thể hỗ trợ cho sự phục hồi DN. Đơn cử, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội về việc giảm thuế VAT 2%.
Đây là một trong những giải pháp DN đánh giá tốt nhất, bởi nó đi ngay vào cuộc sống và DN trực tiếp được hỗ trợ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải thực hiện sớm nhất có thể, còn nếu chậm trễ mức độ hỗ trợ cho DN sẽ bị hạn chế rất nhiều. Bởi vậy, gói hỗ trợ thuế VAT này cần sớm ban hành.
Thêm vào đó, theo khảo sát có tới 70% DN nói 70% khó khăn của họ gặp phải đến từ những thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà. Việc này Chính phủ và các bộ, ngành có thể xem xét, tháo gỡ cho DN. Bởi đây là điều có thể thực hiện ngay không cần huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách.
Thực tế, yếu tố thể chế chính sách bên trong cũng là những bất cập và rào cản dẫn tới sụt giảm niềm tin của DN. Trong những nội dung của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 lần này có nội dung quan tâm rất nhiều đến vấn đề sức khỏe DN và kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN. Vấn đề là Chính phủ và các bộ, ngành cần có điều chỉnh về chính sách để DN có niềm tin hơn.
- Xin cảm ơn bà.