Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến quy hoạch ngành thép bị phá vỡ chính là sự mâu thuẫn trong các quy định. Điều này dẫn đến hệ quả là tại nhiều địa phương các dự án thép quy mô nhỏ vẫn được cấp phép và đa số là nhập khẩu công nghệ lạc hậu.
Nhập khẩu thiết bị lỗi thời
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự phá vỡ quy hoạch ngành thép là sự chồng chéo trong chức năng quản lý của các đơn vị tại địa phương. Tại nhiều nơi, cơ quan cấp giấy phép đầu tư các dự án thép là Ban quản lý các khu công nghiệp, trong khi đó đơn vị thực hiện triển khai quy hoạch thép lại là Sở Công Thương.
![]() |
Tình trạng thép thành phẩm tồn kho với số lượng lớn là hệ quả |
Theo Luật Đầu tư, việc địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép không xin chủ trương của Chính phủ với các dự án thuộc nhóm B và C, với mức vốn nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng vẫn đúng luật. Nhưng theo Luật Xây dựng và Nghị định 16 quy định chi tiết luật này: Đối với các dự án nhóm B chưa có trong quy hoạch ngành, trước khi lập dự án phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch.
Trong một kết luận về công tác lập quy hoạch ngành thép của Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ cho rằng, ngoài trách nhiệm của Bộ Công Thương còn là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Xây dựng trong phối hợp hướng dẫn thực hiện các luật trên.
Việc phân cấp cấp phép đầu tư cho các địa phương là cần thiết nhằm tạo sự chủ động trong việc thu hút đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những bất cập về quy định giữa Luật Đầu tư và Luật Xây dựng nêu trên, là sự thiếu thường xuyên kiểm tra các dự án đầu tư mới nên chưa ngăn chặn kịp thời tình trạng cấp phép tràn lan tại các địa phương, dẫn đến phá vỡ quy hoạch ngành thép. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân quan trọng khác là nhiều địa phương đều xem các dự án thép như một thành tích trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư của địa phương mình.
Hệ quả của việc cấp phép đầu tư thép tràn lan là nhập khẩu công nghệ lạc hậu. Các dự án dưới 1.500 tỷ đồng hầu hết đều nhập từ Trung Quốc những thiết bị mà nước này cấm lưu hành vì kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là sự mất cân đối trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường ở các địa phương thể hiện ở các mặt: thiếu hụt năng lượng, quá tải hạ tầng cơ sở (cảng biển, đường bộ, đường sắt), ô nhiễm môi trường…
Xử lý tình trạng “vượt rào”
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đến nay vẫn tồn tại một nghịch lý: Dù các nhà máy lạc hậu chiếm hơn một nửa, tiêu hao năng lượng lớn nhưng chưa có nhà máy thép nào bị đóng cửa, phá sản. Điều đó cho thấy việc xử lý về ô nhiễm môi trường lĩnh vực này còn bị nương tay và mức độ bảo hộ trong ngành thép còn cao.
Chi phí cho điện sản xuất thép chiếm 5,5% trong giá thành và việc điều chỉnh giá điện theo giá thị trường có góp phần loại bỏ tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất thép? Bên cạnh đó, giá than, xăng dầu được xác định theo đúng giá thị trường, sẽ tạo sự cạnh tranh sòng phẳng, sự sống- chết của các nhà máy càng khắc nghiệt hơn.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn An, Tổng giám đốc Công ty Thép Thái Bình Dương (Đà Nẵng), cho rằng việc tăng giá điện sẽ gây thêm khó khăn cho ngành thép, nhưng cũng là biện pháp để loại bỏ các nhà máy thép có công nghệ lạc hậu. Việc đầu tư xây dựng dây chuyền hiện đại, chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn nhưng hiệu quả sử dụng cao, mang lại lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đang phối hợp với các ngành, địa phương rà soát lại ngành thép trên tinh thần chỉ triển khai những dự án thép nằm trong quy hoạch. Theo đó, các dự án nằm trong quy hoạch mới được phép triển khai. Những dự án thép nằm ngoài quy hoạch, không có hiệu quả, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng… phải yêu cầu có thay đổi về công nghệ, thiết bị. Những dự án thép không đáp ứng được yêu cầu trên phải đình chỉ, chấm dứt hoạt động.