Thời gian gần đây, khá nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị đánh thuế hoặc cảnh báo điều tra chống bán phá giá (CBPG). Làm thế nào để doanh nghiệp (DN) hạn chế được điều này, ĐTTC đã trao đổi với ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, lý do nào khiến nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải đứng trước thách thức CBPG?
Ông ĐẶNG QUỐC HÙNG: - Có thể nói khi một sản phẩm bị áp thuế CBPG, hoặc bị điều tra CBPG, sức cạnh tranh của sản phẩm đó sẽ giảm đi rõ rệt.
Nói về nguyên nhân, trước hết theo tôi trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc các nhà nhập khẩu bảo vệ DN sản xuất trong nước cũng là điều dễ hiểu. Song có một nguyên nhân khác hết sức quan trọng, đó chính là do các DN xuất khẩu nước ta chưa giải quyết tốt những hạn chế của mình.
Điều đầu tiên đặt ra cho DN là phải đa dạng hóa sản phẩm. Có một thực tế ai cũng thấy, đó là khi sản phẩm của một DN xuất khẩu tốt sang một thị trường, ngay lập tức nhiều DN khác sẽ nhảy vào cùng làm sản phẩm đó, cùng xuất khẩu sang thị trường đó.
Điều này sẽ tốt khi nhu cầu thị trường của nước xuất khẩu cao. Ngược lại, khi thị trường đó đã bão hòa, sẽ buộc các nước này áp dụng thuế CBPG để bảo vệ sản xuất trong nước.
Ngay cả khi các nước chưa đánh thuế CBPG, bản thân các DN xuất khẩu cùng loại sản phẩm cũng phải cạnh tranh nhau gay gắt. Thứ hai, đa dạng hóa thị trường. Điều này đã được nói đến khá nhiều trong thời gian gần đây.
Vụ kiện xe đạp Việt Nam của EU đã làm giảm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu |
Bài học nhãn tiền là khi một số thị trường chính của Việt Nam gặp khó, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu, lợi nhuận của DN xuất khẩu. Vì thế, lúc này DN không nên quá tập trung vào một thị trường, khả năng bị đánh thuế CBPG sẽ rất cao.
Bài học này chỉ ra rằng chúng ta đừng bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Bởi thực tế đã từng xảy ra việc khi thấy một thị trường có vẻ ổn với một vài khách hàng lớn, không ít DN đã không nhận đơn hàng nhỏ từ các đối tác khác.
Thứ ba, chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường. Hiện nay hầu hết DN xuất khẩu đều thụ động trong việc tiếp cận thông tin thị trường. Theo đó, các DN chỉ làm theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu, còn thực chất nhu cầu thị trường ra sao hoàn toàn không biết do không quan tâm.
Thứ tư, để tránh việc bị áp thuế CBPG, các DN phải minh bạch trong sản xuất, đầu tư cải tiến trang thiết bị để giảm giá thành sản phẩm, nếu có bị áp thuế chúng ta vẫn còn đủ sức cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ một mình nỗ lực của DN vẫn chưa đủ.
- Vậy DN phải cần sự hỗ trợ từ ai và như thế nào?
- Có lẽ ngay từ bây giờ chúng ta nên bỏ thói quen dùng từ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ DN xuất khẩu. Bởi đây chính là một trong những kẽ hở khi nước nhập khẩu muốn đánh thuế hoặc điều tra CBPG có thể dựa vào.
Điều này thể hiện rõ qua việc các DN xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ vừa bị nước này kiện chống trợ cấp. Dù phía Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối vụ kiện này, nhưng để theo đuổi vụ kiện các DN sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xuất khẩu năm nay.
Vì thế, nếu thấy lãi suất cho vay vẫn còn cao, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm xuống, chứ không nên nói giảm lãi suất 1,2% để hỗ trợ các DN xuất khẩu.
Quay trở lại câu chuyện chung sức nhằm hạn chế việc đánh thuế CBPG từ các nước nhập khẩu, trước hết cần nói đến vai trò của các hiệp hội ngành hàng.
Theo đó, các hiệp hội cần có những thông tin cho DN về nhu cầu sản phẩm, thị trường nhập khẩu, chứ không phải khi có cảnh báo từ nước nhập khẩu mới gửi đến các doanh nghiệp, vì lúc đó đã trễ. Để có được những thông tin này, đôi khi chúng ta phải chấp nhận bỏ tiền mua.
Và các DN phải chung tay trong chuyện này, tức DN cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình khi tham gia bất kỳ hiệp hội nào. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng nên chú trọng việc thông tin cho doanh nghiệp.
Theo đó, cần có những cảnh báo sớm mặt hàng nào đang xuất quá nhiều vào một thị trường. Tất nhiên, cũng có những mặt hàng chúng ta xuất nhiều mà chưa bị đánh thuế CBPG, nhưng cũng không thể chủ quan.
Những cảnh báo, thông số phải được đưa ra hàng tháng, hàng quý chứ không phải đợi đến cuối năm mới đưa ra như một thành tích trong tăng trưởng. Những nỗ lực của các cơ quan chức năng còn thể hiện trong việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho hàng Việt xuất khẩu.
- Nếu một dòng sản phẩm đã bị đánh thuế CBPG, DN nên làm như thế nào?
- Trong trường hợp DN có đủ tiềm lực đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất giúp đảm bảo chất lượng, giá thành hạ, khi bị đánh thuế vẫn đủ sức cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu đã bị đánh thuế, DN phải tính đến 2 phương án: thay đổi sản phẩm hoặc thay đổi thị trường.
Thật ra, DN nên chủ động trước, khi đã bị đánh thuế mới tính đến các phương án đối phó không hề đơn giản. Dự báo trong những năm tới chúng ta sẽ liên tục đối phó với các vụ kiện CBPG.
- Xin cảm ơn ông.