Báo cáo của CIEM cho biết, hiện nay trên thế giới, hợp tác xã (HTX) vẫn là mô hình quan trọng đóng góp tới 10% GDP toàn cầu, tác động tới 1/2 dân số toàn cầu và là trung tâm liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy chuỗi giá trị.
Ở Việt Nam, HTX được xác định là công cụ xóa đói giảm nghèo, là giải pháp thực hiện phát triển bền vững nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho thấy, hiện nay Việt Nam có 17.462 HTX nông nghiệp và 57 liên hiệp HTX nông nghiệp với 3,78 triệu thành viên đóng góp 4% GDP. Doanh thu bình quân của mỗi HTX mỗi năm đạt khoảng 2,44 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 380 triệu đồng. Vai trò quan trọng của HTX không chỉ là đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà quan trọng hơn là nó tăng thu nhập cho 30% dân số cả nước.
Mặc dù vậy, hiện nay hoạt động của HTX ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ HTX. Hiện nay mới chỉ có 4% HTX được hỗ trợ đào tạo nhân lực, 6% HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, 4,1% HTX tiếp cận được chính sách về khoa học công nghệ…
Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ được quy định trong Luật HTX nhưng vẫn chưa được thể chế hóa (hạn chế về ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và một số loại thuế, phí khác hay bất cập trong ưu đãi hỗ trợ về giao đất, cho thuê đất, vay vốn ưu đãi thông qua quỹ hỗ trợ phát triển HTX), dẫn đến nhiều HTX lúng túng khi triển khai các mô hình mới…
Tại hội thảo, đa số ý kiến cho rằng, hiện nay Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do. Do đó, thúc đẩy liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Vì vậy, cần phát vai trò của HTX là trung tâm liên kết các ngành kinh tế, kết nối giữa những người sản xuất và doanh nghiệp với nhau, hướng đến phát triển bền vững.
Về giải pháp phát triển HTX trong thời gian tới, các ý kiến đóng góp cho rằng, cần sớm tổ chức sản xuất theo quy chuẩn và phát triển vùng sản xuất hàng hóa. Trong đó, các HTX cần thúc đẩy tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa để hình thành cánh đồng lớn để đưa cơ giới hóa vào, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cao và hạ giá thành.
HTX phải là tổ chức giám sát các hộ sản xuất sản xuất theo đúng quy trình tuân thủ quy định kỹ thuật, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, các mô hình HTX cũng phải là đầu mối tiêu thụ sản phẩm, tiếp nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác tới các hộ sản xuất, kinh doanh.