Các quốc gia đều nhận thức tính cấp bách của việc bảo đảm thanh khoản cho DN, vì nếu chậm trễ sẽ khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng, thậm chí gây ra hiệu ứng domino trong nền kinh tế.
Tại Việt Nam, nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai cấp bách giúp DN đối phó với tác động dịch bệnh. Với vai trò quản lý ngành cung cấp vốn chủ đạo cho nền kinh tế, NHNN đã phản ứng khá nhanh, xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ DN.
Cụ thể, NHNN chỉ đạo các NHTM triển khai các gói tín dụng hỗ trợ, ban hành Thông tư 01/2020 cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19; giảm đồng loạt 1-1,5%/năm các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD…
Tuy nhiên, các chính sách tiền tệ nhằm đối phó với dịch Covid-19 của NHNN còn mang nặng tính chất nới lỏng có kiểm soát nhằm tránh hệ lụy lạm phát, nợ xấu. Đối tượng được nhận hỗ trợ cũng hạn chế vì nguồn lực để thực thi chủ yếu từ các NHTM, không có nguồn lực từ ngân sách để tung ra các chương trình hỗ trợ.
Do vậy khả năng NHNN hạ lãi suất điều hành thêm lần nữa trong nửa cuối năm 2020 rất thấp, khi áp lực lạm phát đang có dấu hiệu tăng.
Khi chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng DN, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch (Văn bản số 5596 triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020). Một yêu cầu mang đậm tính chất mệnh lệnh hành chính, chưa có thêm động lực đủ mạnh cho thị trường.
Thực tế, các gói hỗ trợ tín dụng giảm 0,5-1%/năm, cao nhất 2-2,5%/năm theo yêu cầu hỗ trợ DN của NHNN chưa thể giảm đại trà, vì dòng vốn để cho vay chủ yếu huy động tiền gửi từ dân cư và các tổ chức kinh tế với lãi suất cao.
Khi nào NH thật sự giảm được lãi suất đầu vào, lúc đó mới có thể giảm đồng bộ lãi suất đầu ra. Còn bây giờ nếu giảm ngay sẽ ảnh hưởng đến “nồi cơm” của NH.
Ở đây có câu chuyện cần được nhắc đến. IFC, thành viên của Nhóm NH Thế giới, vừa phát đi thông cáo cho biết sẽ cung cấp các khoản vay cho VPBank và OCB. Khoản vay có thời hạn 1 năm có thể gia hạn, để giúp 2 NH này tăng cường hỗ trợ khách hàng, đặc biệt DNNVV gặp khó khăn bởi đại dịch.
Với nguồn tài trợ từ IFC, VPBank và OCB sẽ cấp vốn vay bổ sung giúp DN bị gián đoạn về dòng tiền có thể duy trì hoạt động. Trong trường hợp này, có thể suy luận không phải NH không cần nguồn vốn để cho vay, mà họ cần tiếp cận những nguồn vốn lớn và dài hạn hơn để đưa ra tính toán đường dài trong việc hỗ trợ DN.
Song các gói tài trợ như vậy chỉ dành cho các NH chứng minh năng lực vận hành và tiềm năng phát triển thỏa mãn được kỳ vọng của tổ chức cho vay.
Khi có khá ít NH tiếp cận được gói tài trợ và trong nước không có nguồn lực nào để hỗ trợ nhà băng trong trung và dài hạn, việc NHNN phải dùng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu các NH tự cân đong đo đếm để giảm lãi suất, hỗ trợ DN là chuyện khó thành hiện thực. Các NH vẫn đứng trong vòng luẩn quẩn huy động, cho vay và nợ xấu.
Họ vẫn tích cực hỗ trợ DN để mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Nhưng sự hỗ trợ tự thân này cũng chỉ ở mức độ, không thể tràn lan, trừ khi có dòng tiền bơm vào nền kinh tế để hỗ trợ DN, hoặc các chính sách hỗ trợ khác thiết thực hơn trong thời gian tới.