Đó là nhận định của các nhà kinh tế từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nêu trong báo cáo nghiên cứu thường niên về kinh tế vĩ mô, được công bố vào trung tuần tháng 2. Cũng theo báo cáo, nếu không thận trọng, các chính sách hỗ trợ còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ các công cụ lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng trị giá 250.000 tỷ đồng vẫn đang được các ngân hàng thương mại triển khai, song do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam chưa thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới (chẳng hạn như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn). Thêm vào đó, việc phòng chống dịch Covid-19 và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách. “Đây là thời điểm khó khăn trong chính sách tiền tệ, vì việc thắt chặt trở lại trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản, sẽ dẫn tới khó khăn hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp thực. Trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá, cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch”, báo cáo nêu trên nhận định.
Trong bối cảnh đó, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động. Việc khoanh/ngưng, miễn/giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai. Bên cạnh đó, cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp. Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch, hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành. Trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp cụ thể, thì những chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.
Với tiêu chí như thế, việc giãn/giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế giá trị gia tăng (VAT) thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp, vì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch, không giúp được đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội, do mạng lưới thực thi chưa thật sự hiệu quả và thủ tục hành chính còn phức tạp, khó tiếp cận. Để các gói cứu trợ thực sự có hiệu quả, cần thiết kế lại kế hoạch thực thi chính sách. Bởi khi gói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả, thì gói cứu trợ lần hai có khả năng sẽ gây thêm gánh nặng cho ngân sách, thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế.