Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2015 cả nước tăng 6,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên và chiếm áp đảo tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Điều này dự báo mang lại nhiều khó khăn cho các DN nội khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực vào cuối năm 2015.

Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2015 cả nước tăng 6,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên và chiếm áp đảo tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Điều này dự báo mang lại nhiều khó khăn cho các DN nội khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực vào cuối năm 2015.

Cán cân nghiêng lệch

 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), 3 tháng đầu năm xuất khẩu cả nước đạt kim ngạch 35,7 tỷ USD, tăng 6,9% so cùng kỳ. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu so với các năm trước vẫn còn thấp, đưa đến nhập siêu 1,8 tỷ USD. Đặc biệt, trong kim ngạch xuất khẩu 3 tháng có gần 70% là của DN FDI, tăng 16,2%; 30% là doanh nghiệp trong nước, giảm 5%.

Điều này có nguyên nhân khách quan là năm nay thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng trong lĩnh vực xuất khẩu, cho đến nay khu vực FDI vẫn đóng vai trò chính, trong khi DN từ nhiều năm nay vẫn đuối sức. Ngay cả mức nhập siêu nguyên vật liệu sản xuất 1,8 tỷ USD trong quý I, chủ yếu cũng từ khu vực FDI.

Trong khi NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm, theo tôi để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nên giảm lãi suất cho vay xuống còn 9%/năm. Và để giảm lãi suất cho vay, NHNN cần giảm trần lãi suất huy động xuống còn 4,5% từ mức 5,5%/năm như hiện nay, vì dư địa giảm lãi suất vẫn còn, lạm phát đang được kiểm soát tốt.

TS. Nguyễn Trí Hiếu,
chuyên gia tài chính - ngân hàng

Từ thực trạng này, theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu khu vực DN trong nước đang là vấn đề cấp thiết. Theo đó, cần phải xem xét chính sách một cách nghiêm túc hơn về vấn đề này. Bởi lẽ, hoạt động xuất khẩu của các DN trong nước đuối sức hơn khu vực FDI do nhiều nguyên nhân.

Chẳng hạn, do tác động từ những bất ổn kinh tế vĩ mô trong những năm vừa qua khiến xu hướng giải thể ngưng hoạt động diễn ra ngày càng nhiều ở một bộ phận DN trong nước. Thực tế này kéo theo số lượng DN làm gia công xuất khẩu cũng bị thu hẹp, chỉ một số DN lớn trong những ngành da giày, dệt may, DN trong các lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh về nông sản, cà phê, cao su… tồn tại và phát triển được. Tuy nhiên, những ngành này cũng đang gặp khó khăn khi giá xuất khẩu giảm. Dù số lượng không giảm nhưng giá giảm cũng đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu trong nước.

Với tín hiệu nêu trên, nhiều cảnh báo đã được các chuyên gia đưa ra: Đó là xu hướng nhập siêu trở lại trong quý I-2015, tức nhập siêu đã đạt 5% tổng xuất khẩu, đe dọa mục tiêu đặt ra cả năm 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội tối đa 5% kim ngạch xuất khẩu. Và nếu diễn biến này tiếp tục, nhập siêu tăng sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu DN trong nước phục hồi xuất khẩu, có nghĩa là chúng ta vẫn tiếp tục phải dựa vào khu vực DN FDI.

Tạo lực đẩy cơ chế mới

Một điều dễ nhận thấy là khó khăn của DN trong nước sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các FTA sẽ có hiệu lực trong năm 2015. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy có đến hơn 80% DN nội chưa hiểu nhiều về các FTA này. Nhưng đáng lo hơn thực trạng nước ta có đến 97% DN là nhỏ và siêu nhỏ, vốn chỉ 5-6 tỷ đồng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến những nội dung, đặc biệt là những nội dung liên quan đến các FTA Việt Nam đã ký kết thực hiện, như FTA đối với khu vực thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan, Hàn Quốc hay khu vực EU… chưa hiệu quả, chưa có những cẩm nang gửi cho DN để phổ biến rõ các nội dung này. Mặt khác các DN nhỏ và vừa không tỏ ra quan tâm nhiều trong vấn đề nghiên cứu tìm hiểu thông tin về các FTA.

Trong nhiều lớp phổ biến thông tin liên quan đến các FTA được các cơ quan chức năng tổ chức, hầu hết chủ DN không đến dự mà thường cử nhân viên đến nghe.

Để hỗ trợ DN trong cập nhật, nắm bắt thông tin về các FTA, theo các chuyên gia cần quyết liệt triển khai một số việc: Thứ nhất, những vấn đề liên quan đến các cam kết quốc tế đã thực hiện như FTA, các vấn đề liên quan đến Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặc biệt là thực hiện Hiến chương ASEAN vào cuối năm nay, cần được nghiên cứu gọn thành một cẩm nang cho dễ nhớ, dễ thực hiện.

Thứ hai, hiện nay dù chúng ta đã có rất nhiều trung tâm cũng như cơ chế hỗ trợ DN, nhưng công tác phổ biến nội dung hoạt động của các hiệp hội chưa được tiến hành đều đặn, vai trò của các hiệp hội trong việc này cũng rất mờ nhạt. Vì thế, phát huy vai trò của các trung tâm hỗ trợ DN lẫn hiệp hội trong việc hỗ trợ DN cần phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.

Thực tế các DN trong nước cần thêm một số chính sách hỗ trợ, như cơ chế khuyến khích nội địa hóa sản phẩm, ưu đãi ngành chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu quốc gia… Bởi lẽ các chính sách hiện có chưa đủ mạnh để nâng tỷ lệ nội địa hóa, nâng sức cạnh tranh cho DN. Chính phủ đã có chủ trương khá mạnh như năm ngoái có Nghị quyết 19 (và mới đây ban hành Nghị quyết mới cũng mang số 19) về vấn đề rút ngắn thời hạn khai thuế và hải quan, thủ tục hành chính.

Vì vậy, chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét nhằm cung cấp các dịch vụ công tiện lợi cho DN, giảm phí tổn và  thời gian, giúp DN nội vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với DN FDI. 

Các tin khác