Hỗ trợ, tạo động lực khu vực tư nhân

(ĐTTCO) - Năm 2016 được nhìn nhận là có nhiều cơ hội lớn nhưng thách thức cũng nhiều. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, điều quan trọng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn Chính phủ vẫn cần đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

(ĐTTCO) - Năm 2016 được nhìn nhận là có nhiều cơ hội lớn nhưng thách thức cũng nhiều. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, điều quan trọng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn Chính phủ vẫn cần đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

PHÓNG VIÊN: - Nhìn lại năm 2015, theo ông đâu là những điểm sáng của nền kinh tế?

Ông VŨ TIẾN LỘC: - Nhìn chung, 2015 là năm nền kinh tế đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong số 14 chỉ tiêu được Quốc hội đề ra có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt 6,68% (kế hoạch 6,2%); chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,63% (chỉ tiêu 5%)... Ở góc độ doanh nghiệp, 2015 cũng là năm cộng đồng doanh nghiệp chứng kiến nhiều sự thay đổi về thể chế, môi trường kinh doanh lẫn hội nhập. Đó là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới đã tạo luồng sinh khí mới cho giới kinh doanh. Một trong những tác động đong đếm được là theo ước tính của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), năm 2015 có trên 94.700 doanh nghiệp thành lập mới. Như vậy, đây là năm có số doanh nghiệp thành lập mới lớn nhất từ trước tới nay. Không những vậy, đã có hơn 21.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Những chuyển biến tích cực của nền kinh tế cùng với các giải pháp và quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh đã hỗ trợ hiệu quả, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Để thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước phát triển, nâng cao chất lượng doanh nghiệp thành lập mới trong nền kinh tế, Chính phủ nên có chương trình quốc gia về khởi nghiệp. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp và dự án kinh doanh được thành lập trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Mô hình các vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần… nên được nghiên cứu triển khai rộng khắp để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp đặc biệt là trong lớp trẻ, đưa Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp.

Trong hội nhập, có thể coi 2015 là năm hội nhập của Việt Nam. Chúng ta cũng đã chứng kiến việc Việt Nam hoàn tất tham gia các hiệp định mang tính lịch sử như Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Khi tham gia sân chơi với các đối tác lớn, khó tính tại các hiệp định này, nền kinh tế Việt Nam sẽ có rất nhiều thay đổi.

- Phát biểu tại nhiều diễn đàn kinh tế, ông luôn bày tỏ sự âu lo trong phối hợp, thực hiện của bộ, ngành, địa phương về hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân?

- Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 36a về thực hiện chính phủ điện tử… là những đột phá quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh. Song cũng phải nhìn nhận trong thực tiễn sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ, ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa.

Cải cách thể chế nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI về cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan, cho thấy một nghịch lý là doanh nghiệp tư nhân càng lớn chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là lực cản lớn khiến doanh nghiệp không lớn lên được, và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây.

Điểm nghẽn đáng quan ngại nhất hiện nay là khu vực giữ vai trò động lực: khu vực tư nhân trong nước. Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn cô đơn. Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh, chưa có sự lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu, nếu có tham gia cũng chỉ vào công đoạn sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp và giá rẻ. Sự yếu kém của công tác giáo dục nghề nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực đang là một nguyên nhân quan trọng.

- Đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng và điều này đang đặt ra vấn đề cải cách về thể chế để phù hợp với những yêu cầu mới. Theo ông, chúng ta phải cải cách như thế nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển?

- Hiện nay, doanh nghiệp trong nước đang phải chịu áp lực lớn về việc chi phí cao hơn các nước khác trong thực hiện các thủ tục hành chính. Gánh nặng chi phí đang làm tăng tính rủi ro và cản trở việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì thế, cải cách thể chế trước hết phải cải cách hành chính, tức phải làm sao thực hiện triệt để Nghị quyết 19 của Chính phủ, cũng như Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để giảm tối đa thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp, giảm tối đa rủi ro bất định trong môi trường chính sách. Từ đó, để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đầu tư lâu dài và giảm được chi phí, mới có thể cạnh tranh được.

Một vấn đề đặc thù cho năm 2016 là việc cung cấp thông tin kịp thời và hướng dẫn thực thi với cách thức phù hợp các FTA mới cho doanh nghiệp. Theo đó, phải triển khai cụ thể tới từng ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh với sự phối hợp chặt chẽ của VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ. Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đang tích cực xây dựng đề án này và rất mong có sự chỉ đạo của Chính phủ và hợp tác của các bộ, ngành.

TS. Vũ Tiến Lộc (giữa) trao đổi bên lề với các doanh nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2015.

TS. Vũ Tiến Lộc (giữa) trao đổi bên lề với các doanh nghiệp
tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2015.

Để thúc đẩy hội nhập, VCCI đang trao đổi với các phòng thương mại công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước hình thành các liên minh doanh nghiệp để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các chuỗi giá trị của các tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh chính sách khuyến khích hỗ trợ theo chuỗi sản phẩm, ngành hàng thay cho chính sách hỗ trợ đơn lẻ hiện hành để tiếp sức cho doanh nghiệp trong những nỗ lực liên kết.

- Hội nhập nhiều cũng đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những vấn đề về pháp lý trong tranh chấp thương mại, kiện chống bán phá giá... VCCI sẽ làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

- Tôi cho rằng các doanh nghiệp phải học tập, tìm hiểu, nắm bắt được những thông tin về hội nhập, về thị trường, thông tin về pháp lý… để tự bảo vệ mình và vận dụng theo yêu cầu pháp luật của nước ta và pháp luật, thông lệ quốc tế. Bởi trong quá trình tham gia thương mại quốc tế, những việc như tranh chấp thương mại, các vụ kiện như bán phá giá sẽ xảy ra thường xuyên. Do đó, trước tiên doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình những kiến thức để có thể đương đầu với tranh chấp thương mại nếu xảy ra. VCCI đã có Trung tâm WTO để hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp cũng như Hội đồng tư vấn về  thương mại, tập hợp những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này. Tôi tin rằng các hiệp hội doanh nghiệp nếu gắn kết với VCCI hoàn toàn có được những điều kiện về nguồn lực, kiến thức, phương tiện hỗ trợ trong việc phòng tránh, cũng như đương đầu và xử lý tốt tranh chấp thương mại quốc tế.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác