2014 được xem là năm thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Những tiền đề quan trọng như tỷ giá được giữ ổn định trong mức biến động không quá 2%, mặt bằng lãi suất giảm 1,5-2%/năm, tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 12-14%... đang trở thành lực đẩy tích cực cho giai đoạn tiếp theo của hoạt động NH. Chia sẻ về nhiệm vụ năm 2015, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Nhiều điểm sáng
Nhìn lại cả giai đoạn 2011-2014 mới thấy rõ những thành công chính sách tiền tệ đạt được. Không chỉ những người trong ngành NH, mà người dân và doanh nghiệp (DN) đều không thể quên trong năm 2011 lãi suất cho vay bị đẩy lên tới 20-25%/năm, lãi suất huy động 17-21%/năm, thị trường rơi vào hỗn loạn trong sự cạnh tranh vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Trước bối cảnh đó, chính sách lãi suất của NHNN đã thật sự chủ động, định hướng dẫn dắt lãi suất thị trường. Cụ thể, NHNN đã điều hành giảm lãi suất cho vay xuống mức 17-19%/năm vào cuối năm 2011. Tiếp đó, ngay từ đầu năm 2012, định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động đến cuối năm còn 9-10%/năm; năm 2013 và 2014 tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất phù hợp với diễn biến thực tế của lạm phát.
Và đến thời điểm cuối năm 2014, mặt bằng lãi suất đã giảm 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.
Từ năm 2015, hệ thống NH bắt đầu bước vào giai đoạn 2 của tái cơ cấu, trong đó nửa đầu năm được xác định là cao điểm. Quan điểm của NHNN trước đây để các NH tự nguyện, nhưng sau khi hệ thống NH ổn định lại NHNN sẽ thực hiện theo quy định pháp luật để xử lý dứt điểm các NH yếu kém và các NHTM lớn sẽ cùng tham gia quá trình này. Thống đốc Nguyễn Văn Bình |
Cùng với việc hạ thấp mặt bằng lãi suất, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình gắn kết tín dụng NH với chính sách ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Chính sách điều hành của NHNN đã hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp, nông thôn, DNNVV.
Số liệu tính đến cuối năm 2014 cho thấy rõ chính sách này đã đạt được kết quả như mong muốn: tín dụng cho DNNVV tăng 13,5%/năm, cho ứng dụng công nghệ cao tăng 14,8%/năm và cho nông nghiệp nông thôn tăng 12,8%/năm.
Điểm sáng bất ngờ trong năm 2014 là tăng trưởng tín dụng với mức tăng 14,16%, đạt chỉ tiêu đề ra, góp phần không nhỏ vào kết quả tăng trưởng GDP 5,98%. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, những năm trước có tình trạng tín dụng của nhiều NHTM tăng ảo vào dịp cuối năm để hoàn thành kế hoạch, nhưng năm 2014 tình trạng này đã được kiểm soát. Vốn tín dụng đã tăng thực sự vào nền kinh tế nhờ các giải pháp được triển khai đồng bộ trước đó.
Một điểm sáng khác đáng ghi nhận trong năm 2014 là tỷ giá và thị trường ngoại hối tương đối ổn định nhờ sự vào cuộc chủ động của NHNN. Một số thời điểm, tỷ giá giao dịch trên thị trường có biến động tăng, tuy nhiên đã nhanh chóng ổn định trở lại sau các giải pháp điều hành của NHNN. Thanh khoản thị trường được bảo đảm, nhiều thời điểm dư cung ngoại tệ.
“Ðặc biệt, nhờ niềm tin vào sự ổn định của tỷ giá các TCTD, tổ chức kinh tế và cá nhân đã bán một lượng lớn ngoại tệ cho NHNN. Dự trữ ngoại hối nhà nước tăng mạnh và đạt mức kỷ lục, góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.
Hóa giải thách thức
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song điều hành chính sách tiền tệ năm 2015 sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Những biến động của kinh tế thế giới, đặc biệt sự sụt giảm mạnh mẽ của giá dầu thô, đồng rúp Nga và khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất... được các chuyên gia dự báo có thể tác động bất lợi tạo ra những áp lực đối với công tác quản lý ngoại hối, tỷ giá.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hơn thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác quốc tế song phương và đa phương, có thể dẫn đến những thay đổi cần thiết trong quan điểm, nguyên tắc điều hành các chính sách quản lý kinh tế.
Kinh tế trong nước đã có những tín hiệu tích cực, song chuyển biến còn chậm; sức mua yếu, lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại. Dòng vốn tín dụng tuy đã có sự tăng trưởng nhưng vẫn chưa thật sự khơi thông. Nợ xấu và sở hữu chéo vẫn tiếp tục là những rào cản trong quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM... Những vấn đề này đã trở thành thách thức không nhỏ cho công tác điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2015.
Chính sách tiền tệ điều hành theo hướng kiểm soát lạm phát, |
Ðể hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội trong năm 2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các TCTD.
Ðiều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm ổn định giá trị đồng Việt Nam và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Bước sang năm 2015, ngành sẽ tập trung kéo giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh. “Năm 2015, việc giảm tiếp lãi suất cho vay trung và dài hạn khoảng 1,5-2% là hoàn toàn khả thi” - người đứng đầu ngành NH khẳng định.
Tập trung xử lý nợ xấu và thực hiện các giải pháp tái cơ cấu hệ thống TCTD là những mục tiêu quan trọng thực hiện trong năm nay. Người đứng đầu ngành NH cũng hé lộ khả năng đến hết 6 tháng đầu năm 2015 có thể nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13-15% lên 17%.
Lý do bởi hiện nay giá dầu đang giảm rất mạnh, tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế. Theo tính toán sơ bộ, nếu giá dầu trung bình năm 2015 ở mức dưới 60USD/thùng, sẽ khiến GDP năm 2015 giảm khoảng 0,2%. Vì thế, cần phát triển mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh khác để bù vào, tức sẽ cần đến vốn, đến tín dụng NH.