Hiện nay, trên trái đất có khoảng 240.000 loài thực vật, nảy nở ở khắp nơi từ những vùng hoang mạc nóng bỏng cho tới những vùng băng giá xa xôi. Từ xưa mọi người đã quen với cỏ cây. Trẻ em hái lá nghịch ngợm, thiếu nữ sấy hoa để trang điểm, cụ già tạo dáng cho cây làm sinh vật cảnh...
Trước khi có nhiếp ảnh, hội họa và điêu khắc, người xưa rất khó khăn mới đặc tả nổi vẻ đẹp rực rỡ và đa dạng của hoa cỏ. Có những loài hoa như địa lan và phong lan là loài cây vương giả chỉ bậc vua chúa, quan lại quyền quý mới thấy.
Để giữ gìn hình ảnh đẹp về hoa lan, nhiều nho gia đã tự vẽ hoặc thuê người vẽ những giò lan, nhành lan yêu kiều. Và để vẽ được đẹp, họa sĩ phải nhập tâm nắm bắt được những nét tinh túy nhất, tự nhiên nhất của cây hoa. Những bức tranh như vậy có giá trị kinh tế, khoa học và thẩm mỹ rất lớn.
Bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ". |
Mỹ thuật về hoa chính thức nở rộ từ năm 88 trước công nguyên nhờ công của thầy thuốc-họa sĩ Hy Lạp Cratevas trong triều vua Mitrividates IV Eupator vùng Pontus Tiểu Á, ông có nhiều tranh và minh họa sau này được thầy thuốc Hy Lạp thế kỷ 1 Dioscorides dùng để minh họa cho những bài viết về thảo dược và có ảnh hưởng sâu rộng tới châu Âu đến tận thế kỷ 18.
Năm 1633, tranh Cratevas đã được nhà tự nhiên Thomas Johnson in thành sách và là những tranh cổ nhất cho đến nay về thực vật. Mỹ thuật về hoa đã nảy nở suốt thời Trung cổ, một bộ phận lớn đều dưới dạng bản khắc gỗ, rồi xuất hiện trong các cuốn kinh thánh, và bùng nổ dưới thời thực dân thuộc địa.
Khi tìm thấy các vùng đất mới, người ta cũng tìm thấy nhiều loài hoa cỏ mới lạ và đưa chúng vào tranh. Người Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bỉ là những họa sĩ thời bấy giờ đã có những tác phẩm nổi tiếng. Song nước Anh mới thật sự là “đế chế” lớn nhất về tranh hoa.
Năm 1801, Công ty Đông Ấn tại London Anh đã mở một cuộc triển lãm tranh đầu tiên về lịch sử tự nhiên, tiếp tục năm 1859 có bộ sưu tập tranh hoa lớn nhất nước này, mà chủ đề đều là hoa từ Ấn Độ và Đông Nam Á. Bấy giờ Ấn Độ là trung tâm của những khám phá hoang dã và các loài hoa quý.
Do sự khai thác quá mức, nhiều loài hoa biến mất, nên các nhà thám hiểm đã phải phơi khô hoặc ép chúng làm hoa khô trong các cuốn sách rồi vẽ tranh miêu tả vẻ đẹp của chúng khi còn sống. Nhiều loài hoa mới cũng được vẽ sau đó gửi tới Anh để thẩm định.
Trong nhiều nhà thám hiểm của Anh, ngài Stamford Raffle là một người đặc biệt yêu thiên nhiên. Năm 1811, ông đã mở một cuộc khảo sát toàn diện về lịch sử tự nhiên ở hòn đảo Java Indonesia, sau khi phát hiện nhiều loài cây mới.
Trở về Anh năm 1818 ông tiếp tục mở rộng các cuộc thám hiểm sang Singapore trong 2 năm 1822-1823. Kết quả đã tìm được một loài hoa lạ, lớn và hôi thối nhất thế giới, sau này được đặt theo tên ông và người bạn cùng hành trình, đó là loài hoa Rafflesia Arnoldi, nay xuất hiện khá nhiều trong tranh ảnh, tem thư của Indonesia và Singapore.
Hoa và mỹ thuật về hoa sẽ mãi là nguồn cảm hứng, tình yêu của các nhà khoa học và những người yêu thiên nhiên, là thông điệp nhắn gửi mọi người nâng cao ý thức giữ gìn thiên nhiên và cái đẹp cho muôn đời.