Hoàn thiện chính sách giá điện khí LNG

(ĐTTCO) - Với nhu cầu sử dụng điện hiện tại của nền kinh tế, các dự án điện dùng nhiên liệu hóa lỏng (khí LNG) đang nổi lên là xu thế tất yếu trong giai đoạn tới.

Hoàn thiện chính sách giá điện khí LNG

Tuy nhiên, việc sử dụng nhiên liệu LNG ở Việt Nam vẫn đang gặp những vướng mắc nhất định, đặc biệt là cơ chế giá. Bên cạnh đó, để chủ động nguồn cung khí LNG, cần hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án điện khí LNG trong nước.

Cần có cơ chế về giá khí LNG

Giá nhiên liệu LNG đầu vào chiếm tới 70-80% giá thành điện bán ra. Vì vậy, nếu sử dụng nhiên liệu giá cao, dự án điện LNG khó tham gia thị trường điện, do đó cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện.

Theo đó, nghiên cứu thành lập một số trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện, được quản lý và giám sát của Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước.

Thực tế hiện nay, việc thúc đẩy tiêu thụ khí LNG nhập khẩu cho sản xuất điện vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế chính sách giá khí LNG. Nguyên nhân do chưa xác định được cấp có thẩm quyền phê duyệt hợp đồng mua bán khí LNG, trong khi việc nhập khẩu LNG gắn liền với cước phí vận chuyển LNG từ nước ngoài về Việt Nam, cước phí bồn chứa LNG trong hệ thống bồn chứa ở điều kiện nhiệt độ -164oC.

Vì thế, cần sớm ban hành khung giá phát điện cho các dự án LNG. Có chính sách cho phép các dự án điện khí LNG được phép chuyển ngang chi phí giá khí sang giá điện.

Giá LNG tại thị trường Việt Nam được xác định dưới tác động ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính: Một là, giá nhập khẩu LNG từ thị trường thế giới về đến Việt Nam và chi phí tiếp nhận, tồn trữ, tái hóa, phân phối LNG trên thị trường nội địa.

Tùy thuộc vào nguồn nhập khẩu LNG (địa lý, nhà cung cấp...), cách thức lựa chọn (đàm phán song song, đấu thầu...), phương thức nhập khẩu (spot - giao ngay, term - định hạn...) cũng như chi phí đầu tư xây dựng và vận hành bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG vào Việt Nam có thể tác động đến giá LNG/khí tái hóa cấp cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ.

Hai là, giá nhiên liệu cạnh tranh hoặc tổng giá trị cạnh tranh tương đương. Cụ thể với nguồn LNG cung cấp cho các khách hàng công nghiệp, giá nhiên liệu cạnh tranh như FO, DO, LPG, xăng, điện năng, sinh khối, nhiên liệu sinh học... sẽ ảnh hưởng đến giá LNG cung cấp cho các khách hàng.

Đối với LNG cung cấp cho các nhà máy điện thì giá điện từ các nguồn nhiên liệu sơ cấp khác, cân đối hệ thống điện, sản lượng điện tối thiểu được phát trên hệ thống, cơ chế chấp nhận giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh (cost based, price based), giá điện tiêu thụ bình quân... sẽ ảnh hưởng đến giá LNG cung cấp cho nhà máy điện.

Từ 2 yếu tố chính đó, đối với LNG cung cấp cho khách hàng điện cần có hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định giá phát điện từ nguồn LNG bao gồm cả giá nhiên liệu và giá vận chuyển nhiên liệu cũng như phương thức chào giá và phát điện lên hệ thống điện quốc gia nhằm bảo đảm việc bao tiêu LNG theo chuyến (spot), hoặc theo nhiều hợp đồng định hạn (term) để có thể vừa tận dụng được giá LNG trong ngắn hạn và dài hạn, vừa đảm bảo ổn định được nguồn cung LNG cho ngành điện.

Ngoài ra việc cung cấp LNG/ khí tái hóa cho đồng thời nhiều nhà máy điện cũng cần có cơ chế chính sách phân bổ nguồn LNG nhập khẩu đồng thời với tiêu thụ nguồn khí nội địa trong quá trình sử dụng chung cơ sở hạ tầng hệ thống phân phối khí để nhanh chóng đạt được sự thỏa thuận của các nhà máy điện và bên cung cấp khí LNG trong phân bổ nguồn khí.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dự án khí LNG

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh. Nếu nhìn vào các dự án này chưa thể hòa lưới điện, giúp giảm tình trạng thiếu điện trong ngày một ngày hai.

Bởi lẽ, các dự án điện LNG từ lúc có quy hoạch đến khi vận hành thường mất 8-10 năm, thậm chí lâu hơn. Nếu việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện nền như LNG có thể làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Trong bối cảnh trên, cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án điện LNG phục vụ việc vận hành ổn định lưới điện. Muốn vậy, phải có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, như các chính sách ưu đãi thuế, cơ chế hỗ trợ vay vốn và quy định rõ ràng về quy trình phê duyệt và xây dựng dự án LNG thông qua các chương trình tài trợ, quỹ đầu tư hoặc tạo ra các cơ chế hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp.

Điều này giúp giảm gánh nặng tài chính ban đầu và tăng khả năng thu hồi vốn đối với các dự án điện khí LNG. Cần có các văn bản xác định rõ ràng cơ chế chính sách thúc đẩy tiêu thụ khí LNG, từ đó giúp ngành dầu khí có thể thu xếp tài chính đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khí LNG.

Cần xây dựng các cơ chế cụ thể để khuyến khích khai thác các nguồn khí trong nước, đặc biệt là nguồn khí đồng hành và mỏ nhỏ, mỏ cận biên trên cơ sở tính toán hiệu quả tổng thể từ thượng nguồn đến hộ tiêu thụ cũng như cân đối hài hòa giữa sản lượng nhập khẩu và sản lượng khai thác khí trong nước.

Do giá LNG biến động mạnh, thiếu tính ổn định nên Chính phủ và các cấp thẩm quyền cần xây dựng cơ chế về giá khí LNG bán cho các hộ tiêu thụ điện phù hợp. Đây là điều kiện căn bản để đảm bảo hiệu quả và kích thích đầu tư cho các dự án điện khí LNG trong thời gian tới.

Để tránh nhiều dự án bị chậm nhiều năm hoặc khó khăn không thể thực hiện được do năng lực chủ đầu tư, cần có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nếu không có bảo lãnh Chính phủ vừa không có bao tiêu điện, doanh nghiệp sản xuất điện khí khó có thể triển khai các dự án đúng tiến độ và hiệu quả được. Nếu không giải được bài toán trên, mọi dự án LNG không thể triển khai được.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Các tin khác