Hoàn thuế VAT, doanh nghiệp chờ đến khi nào?

(ĐTTCO) - Vẫn còn không ít doanh nghiệp đang kẹt trong thế khó, khi tiền thuế chưa được hoàn trong khi dòng vốn hoạt động ngày càng teo tóp.
Hoàn thuế VAT, doanh nghiệp chờ đến khi nào?

Kiến nghị và chờ

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) vừa có văn bản gửi tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kiến nghị xem xét và chỉ đạo các bộ ngành có liên quan tháo gỡ các khó khăn cho DN ngành gỗ về hoàn thuế VAT.

Trong văn bản, các DN ngành gỗ cho biết dù đã có rất nhiều chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, nhiều đề xuất và kiến nghị của Bộ NN-PTNT, Viforest, cũng như các chi hội trực thuộc, cục thuế địa phương, nhưng cho tới nay các DN ngành gỗ vẫn chưa được hoàn thuế.

Việc DN không được hoàn thuế chủ yếu do sự bất cập trong quy định tại các Văn bản 2124/TCT-TTKT ngày 22-5-2020 và 633/TCT-TTKT ngày 7-3-2022 của Tổng cục Thuế, quy định về thanh kiểm tra việc hoàn thuế, trong đó có việc xác minh nguồn gốc tới người trồng rừng.

Đáng chú ý, Viforest cho rằng 2 công văn trên của Tổng cục Thuế có dấu hiệu trái với các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, các công văn này buộc tất cả cục thuế và chi cục thuế tại các địa phương phải tuân theo hướng dẫn nghiệp vụ thanh, kiểm tra của Tổng cục Thuế.

Đặc biệt, thời hạn hiệu lực của Văn bản 633 đã hết nhưng vẫn được sử dụng làm căn cứ trích dẫn trong việc xác minh nguồn gốc gỗ của các cục và chi cục thuế gửi các bên liên quan. Các DN gỗ cho rằng các công văn này không được bãi bỏ/sửa đổi, bổ sung, các vướng mắc trong hoàn thuế sẽ không được giải quyết triệt để, DN vẫn sẽ không được hoàn thuế VAT.

Ngành gỗ là một trong những ngành có số lượng DN bị chậm hoàn thuế nhiều, tổng số tiền lớn. Cụ thể, số tiền thuế VAT của DN chế biến - xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả tính đến tháng 6-2023 là 6.100 tỷ đồng. Trong đó, các DN xuất khẩu dăm thuộc chi hội dăm gỗ khoảng 4.000 tỷ đồng, các DN hội viên chi hội gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỷ đồng; số còn lại khoảng 1.600 tỷ đồng thuộc về DN viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác.

Đây không phải lần đầu tiên Viforest kiến nghị liên quan đến việc gỡ khó trong hoàn thuế cho DN. Thế nhưng, kiến nghị xong vẫn phải chờ vì có những nút thắt chưa cách nào gỡ được. Cùng với gỗ, một số DN trong các ngành như sắn cũng lâm vào cảnh “cơm treo mèo nhịn”, khi có số thuế đề nghị hoàn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Không chỉ DN trong nước, không ít DN nước ngoài cũng gặp khó trong việc hoàn thuế. Tại buổi gặp với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ngày 16-8, ông Youn Chel Woon, Tổng giám đốc Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC), cho biết nhà máy tại khu công nghệ cao TPHCM với tỷ trọng xuất khẩu đến 90%, đã xin phép chuyển đổi từ loại hình DN thông thường sang DN chế xuất (EPE) và được phê duyệt vào 1-5-2021.

Nhưng thời điểm trước và sau khi chuyển đổi loại hình DN phát sinh vấn đề hoàn thuế VAT. Cụ thể, SEHC chưa được hoàn số tiền 24 triệu USD thuộc giai đoạn trước khi chuyển đổi sang DN chế xuất. Ngoài ra, 20 triệu USD sau khi chuyển đổi loại hình DN từ tháng 6-2021 đến tháng 12-2022, cũng chưa được hoàn.

Hệ lụy lớn cho DN

Hệ lụy rõ nhất nhiều DN đang phản ánh là không có vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế, từ cuối năm 2022 khi nhu cầu của các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, châu Âu… sụt giảm nghiêm trọng, DN nhiều ngành hàng xuất khẩu rơi vào cảnh đói đơn hàng, dòng tiền cạn kiệt. Trong khi đó, tiền hoàn thuế (vốn là tiền DN ứng trước cho ngân sách và sẽ được hoàn trả sau khi đáp ứng các quy định) vẫn đang mắc kẹt.

Có DN số tiền hoàn thuế lên tới vài chục thậm chí vài trăm tỷ đồng. Nếu số tiền này về lại với DN sẽ giúp DN có vốn xoay vòng, trả lương cho người lao động. Còn nếu vẫn bị kẹt DN có thể phải tạm ngừng hoạt động do thiếu vốn.

Nhiều DN bày tỏ bức xúc chuyện nếu chậm nộp thuế sẽ bị phạt chậm nộp, nhưng cơ quan thuế chậm giải quyết hồ sơ hoàn thuế lại không bị chế tài, cũng không phải trả tiền lãi phát sinh trên số tiền thuế lẽ ra phải hoàn cho DN đúng hạn.

DN đặt vấn đề, nên chăng có chế tài đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước chậm giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT để tạo áp lực, đẩy nhanh hoàn thuế và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN. Tất nhiên, câu hỏi là vậy còn câu trả lời khi nào có cũng không ai biết. Nói thêm về câu chuyện trách nhiệm thuộc về ai.

Hồi đầu tháng 8 trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc chậm hoàn thuế VAT trách nhiệm thuộc về ai, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết phải xem xét từng trường hợp cụ thể, mới xác định được trách nhiệm thuộc về cơ quan thuế hay DN và người nộp thuế.

Cùng với việc thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh khi bị chậm hoàn thuế VAT, còn một hệ lụy không nhỏ nữa cho DN xuất khẩu. Đó là việc khi hồ sơ đề nghị hoàn thuế được chuyển cho cơ quan công an điều tra xác minh, dù chưa phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế theo quy định pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 34 Thông tư 80/2021/TT-BTC, nhưng lúc này hình ảnh của DN có thể bị xấu đi.

Đến nay, các DN, hiệp hội cũng như nhiều chuyên gia, đã đóng góp không ít ý kiến nhằm giải quyết tình trạng chậm hoàn thuế VAT, như phân loại quản lý rủi ro về thuế theo dấu hiệu vi phạm của từng khâu, đối tượng cụ thể; giảm bớt số hồ sơ thuộc diện kiểm trước - hoàn sau. Trong đó, ưu tiên hoàn thuế GTGT cho DN xuất khẩu lâu năm, có uy tín, có quá trình tuân thủ nghiêm chỉnh quy định pháp luật về thuế…

Nhưng đến nay việc hoàn thuế nghẽn vẫn hoàn nghẽn. Và cũng chưa biết đến khi nào những khó khăn trong hoàn thuế của DN mới được giải quyết rốt ráo, để những cụm từ như “kiệt quệ”, “điêu đứng”, “khốn khổ”… không còn bủa vây DN.

Việc chậm hoàn thuế VAT (vốn là tiền DN ứng trước cho ngân sách và sẽ được hoàn trả sau khi đáp ứng các quy định) đang khiến nhiều DN điêu đứng vì không có vốn để duy trì sản xuất.

Các tin khác