LTS: Trong số báo ra ngày 2-2-2015, ĐTTC đã có chủ đề: “Cộng đồng kinh tế chung ASEAN – Trên khẩn trương, dưới thờ ơ”, phân tích về sự chuẩn bị của Nhà nước và doanh nghiệp về Ngôi nhà chung ASEAN. Trong số này, ĐTTC tiếp tục đề cập đến một hiệp định cũng hết sức quan trọng được nhắc rất nhiều trong thời gian qua: Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một cuộc chơi lớn đòi hỏi sự nỗ lực của cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Nỗ lực trong cuộc chơi lớn
Sự quan trọng của TPP được thể hiện trước nhất ở số lượng các hội thảo, tọa đàm được tổ chức bởi các bộ, ban ngành, hiệp hội, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước trong suốt năm qua. Rất nhiều vấn đề của TPP được các chuyên gia, nhà nghiên cứu… đưa ra mổ xẻ.
Dường như cứ sau mỗi hội thảo, tọa đàm lại có thêm những cơ hội và thách thức được nhìn nhận. Song tựu chung vẫn là câu hỏi TPP sẽ tác động tới Việt Nam ra sao. Hầu hết ý kiến đều nhìn nhận rằng Việt Nam hưởng lợi nhất.
Thí dụ, GDP sẽ tăng 5%, 7% hay 10%; xuất khẩu tăng 20-30% - cao nhất trong các nước tham gia TPP. Song độ hưởng lợi chỉ tương đối bởi mức tăng trưởng này không bằng tăng trưởng GDP 3% của Nhật Bản. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam hưởng lợi ít do TPP liên quan đến các chính sách “sau đường biên giới”, tức sự hưởng lợi phụ thuộc vào việc Việt Nam cải cách đến đâu.
Dù được nhắc đến rất nhiều nhưng cho đến nay TPP cụ thể như thế nào vẫn chưa ai thực sự nắm rõ. Hầu hết các vòng đàm phán vẫn trong bí mật, những thông tin có được chỉ mang tính khái quát. Nhưng dù như vậy tại Việt Nam trong một số lĩnh vực xuất khẩu quan trọng, các doanh nghiệp FDI đang đẩy mạnh đầu tư nhằm đón đầu cơ hội. TS. Võ Trí Thành, |
TPP được coi là hiệp định thương mại của thế kỷ 21 khi hàng loạt cam kết mang tính gai góc được đưa ra đàm phán, như doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, cạnh tranh, tiêu chuẩn môi trường, lao động... TPP giống WTO ở điểm đàm phán ký kết trọn gói, khi quốc hội các nước thông qua là thực hiện ngay.
Khác với các Hiệp định như ASEAN + 6, ASEAN + Ấn Độ, ASEAN + Trung Quốc cứ cam kết, những phần nào chưa thực hiện tiếp tục đàm phán. Điểm quan trọng là TPP đòi hỏi mức độ minh bạch, giám sát và xử lý tranh chấp cao hơn.
Đến nay TPP đã lỗi hẹn khi vẫn chưa kết thúc đàm phán vào cuối năm 2014 như dự kiến. Vì thế, câu hỏi được nhiều ý kiến cùng đồng tình là liệu TPP có kết thúc đàm phán trong năm 2015? Tất nhiên sẽ không có chuyên gia hay nhà kinh tế nào có thể đưa ra câu trả lời chính xác về thời điểm kết thúc đàm phán.
Tuy nhiên, tại một buổi tọa đàm trực tuyến đầu năm 2015, TS. Võ Trí Thành đã chia sẻ quan điểm của mình: “TPP là một hiệp định đầy thách thức đối với tất cả các nước thành viên, Việt Nam không phải là ngoại lệ, phải vượt qua được những nhóm lợi ích khác nhau (do tác động của hiệp định khác nhau ở mỗi nước) để có được sự đồng thuận và thúc đẩy cam kết. Thí dụ, đàm phán song phương về hàng nông sản của Hoa Kỳ và ô tô của Nhật Bản rất căng thẳng, do khó có thỏa thuận mở cửa phù hợp với lợi ích của 2 bên. Vì vậy, đã qua 4 năm đàm phán vẫn chưa thể kết thúc”.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng đàm phán TPP vẫn khó có thể kết thúc trong năm 2015. Số khác cho rằng có thể kết thúc đàm phán với điều kiện phải điều chỉnh lại đòi hỏi cam kết, dù chất lượng có thể không cao như kỳ vọng. Số đông có cái nhìn lạc quan hơn đôi chút cho rằng đàm phán TPP có thể kết thúc trong năm nay.
FDI nắm thế chủ động
Dệt may được xem là một hiện tượng trong năm 2014 khi kim ngạch xuất khẩu đạt 24,46 tỷ USD, đặc biệt là cuộc bứt phá ngoạn mục vào thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch 9,8 tỷ USD. Song thực tế trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới hơn 60%. Như vậy, ngay khi TPP còn chưa kết thúc đàm phán, khi những cơ hội chưa rõ ràng, các doanh nghiệp FDI đã nắm thế chủ động trong xuất khẩu.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia trong ngành cũng nhìn nhận, ngay cả khi TPP được ký kết cũng không mang lại lợi thế tuyệt đối cho ngành dệt may Việt Nam. Lý do rất dễ nhìn thấy là một trong những điều khoản của TPP đối với sản phẩm dệt may xuất khẩu phải xuất phát từ sợi được sản xuất trong nước hoặc quốc gia khác có tham gia TPP. Trong khi đó, 88% nguyên liệu của dệt may Việt Nam thuộc phần lớn các nước không nằm trong TPP.
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng ngành dệt may mới đáp ứng được 2% nhu cầu về bông và 1/8 nhu cầu về vải. Mỗi năm trong nước sản xuất được 140.000 tấn sợi nhưng chất lượng không cao, khiến nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Đó là chưa kể cho đến thời điểm này nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành dệt may nhằm đón đầu cơ hội lớn TPP mang lại.
TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, chúng ta sẽ hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hóa quy trình xây dựng chính sách và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Từ đó sẽ cải thiện nền kinh tế giúp tăng cường cải cách hành chính phù hợp hơn. Ông Lê Phước Vũ, |
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chỉ riêng trong 10 tháng năm 2014 đã có khoảng 20 dự án đầu tư với số vốn hàng trăm triệu USD đổ vào ngành dệt may. Tiêu biểu như dự án của Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) đã được Nam Định cấp phép đầu tư với tổng vốn là 68 triệu USD. Yulun sẽ xây nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016.
Hay như tại Hải Dương, Tập đoàn TAL (Hồng Công) đã đầu tư 600 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc tại Khu công nghiệp (KCN) Đại An. Hoặc Công ty Huafa Hồng Công được tỉnh Long An chấp thuận cho đầu tư dự án kéo sợi màu (gồm có các công đoạn nhuộm bông, kéo sợi) tại KCN Thuận Đạo, với tổng diện tích 20,38ha, tổng vốn đầu tư 2.856 tỷ đồng.
Tại TPHCM, Công ty Gain Lucky Limited, thuộc Tập đoàn May Shenzhou International của Trung Quốc chuyên sản xuất trang phục cho các thương hiệu như Nike, Adidas, Puma... đã cam kết đầu tư 140 triệu USD. Tập đoàn này còn thành lập Công ty TNHH Worldon Việt Nam phát triển Trung tâm Thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp trên diện tích 45ha tại KCN Đông Nam…
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp trong nước án binh bất động. Một số doanh nghiệp lớn cũng đang mở rộng đầu tư nhưng quy mô còn nhỏ, chưa tạo sự đột phá. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: “Hiện nay để đón đầu nhiều hiệp định, nhất là TPP, nếu doanh nghiệp trong nước không đầu tư xây dựng nền móng tốt rất khó cạnh tranh. Trong đó, yêu cầu cải tiến công nghệ đang đặt ra hết sức cấp bách và là bài toán chung cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực”.
Thách thức ngành thủy sản
Cũng giống như dệt may, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản trong năm 2014 cũng đạt bước tăng trưởng ấn tượng, vượt xa con số kế hoạch ban đầu. Cụ thể, ngành thủy sản về đích với kim ngạch 7,9 tỷ USD nhờ sự đóng góp lớn của xuất khẩu tôm.
Tuy nhiên, thủy sản có một số điểm khác cơ bản với dệt may. Một trong số đó là đến nay doanh nghiệp Việt vẫn kiểm soát phần lớn thị phần trong nước. Bên cạnh đó, đến nay dù TPP đang rất gần nhưng thực tế chưa nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thủy sản của Việt Nam. Ngoài ra, trong các đàm phán của TPP dường như thủy sản ít được nhắc đến. Vậy thủy sản sẽ được gì và phải đối mặt với thách thức gì khi TPP được ký kết?
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, hiện nay thủy sản Việt Nam xuất khẩu mạnh vào 2 thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản. Với Hoa Kỳ các dòng thuế với thủy sản Việt Nam tương đối thấp, nên khi thuế về 0% (nếu TPP được ký kết) cũng không thay đổi nhiều ở thị trường này. Tuy nhiên, với Nhật Bản các doanh nghiệp kỳ vọng TPP sẽ tạo thêm nhiều lợi thế cho xuất khẩu thủy sản khi vào thị trường khó tính này.
Theo đánh giá của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện vẫn chưa thể đánh giá cụ thể những tác động của TPP với ngành thủy sản, song nếu nhìn vào thách thức sẽ có một số vấn đề quan trọng doanh nghiệp phải đối mặt, như phải thực thi những quy định khắt khe về bản quyền, an sinh xã hội và môi trường…
Chưa kể khi các hàng rào thuế quan bị cắt giảm, hàng rào kỹ thuật của các nước mọc lên nhiều hơn sẽ tác động không ít đến xuất khẩu của Việt Nam.
Lợi thế của ngành dệt may khi TPP có hiệu lực thuộc về khối FDI. Ảnh: LONG THANH |
Trong khi đó, tại thị trường nội địa doanh nghiệp thủy sản cũng phải chịu áp lực khá lớn. Hiện nay hàng thủy sản từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam đang được áp dụng mức thuế tương đối cao (trung bình 15% đối với thủy sản sống và 30% đối với thủy sản chế biến).
Bởi vậy, việc thủy sản nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam không chịu mức thuế này chắc chắn sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp thủy sản nội địa trước hàng hóa nhập khẩu của nước ngoài. Từ đó có thể thấy TPP đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp.