(ĐTTCO) - Lặn lội thu thập chứng lịch sử, giá trị nghệ thuật, điêu khắc rồi tự mình đi vận động tài trợ… hơn 20 năm qua, ông Phạm Minh Trâm (ở thôn Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã làm hồi sinh một quần thể di tích đá độc đáo, rất có giá trị.
Kiệt tác trên đá
Ở làng Cao Mỗ (nay là thôn Cao Mỗ) có quần thể di tích bằng đá uy nghi, tọa lạc gần quốc lộ 39A. Đây là khu Sinh từ được nhân dân xây dựng năm 1772 để thờ Thiều Quận công Phạm Huy Đĩnh, một danh thần dưới thời Lê Trung Hưng.
Quần thể di tích đá ở khu Sinh từ có tất cả 16 tiêu bản bằng đá với những nét chạm khắc hết sức tinh xảo, sống động. Từ đầu đường làng, chúng tôi gặp đôi tượng lính gác đứng đối xứng, cách biệt hẳn với khu Sinh từ. Ở phía đối diện qua hồ bán nguyệt, chúng tôi gặp cặp tượng lính gác thứ 2. Tiếp đến là 12 tượng, bia đá xếp thành từng đôi đăng đối ở khu vực sân chính của Sinh từ. 16 tiêu bản tượng đá ở đây mang nhiều nét chạm khắc tinh xảo của các bậc nghệ nhân thời Lê Trung Hưng. Tất cả tượng đá được làm theo khuôn thước nhất định.
Tượng người cao 1,7m đứng trên chân đế cao 25cm. Các chi tiết trên người được đặc tả rất rõ nét và sinh động. Đầu đội mũ bì biều có chỏm và múi, lồng trong mũ là khăn “thanh các” phủ tới vai. Các tượng đều mặc áo giáp thụng, có áo dài ở trong tới gót chân. Áo tượng chạm hổ phủ ở vai, thắt lưng kết nút con do. Tất cả tay ngoài đều cầm vũ khí như: kiếm, trùy, kích, thương…, còn tay trong ấp vào bụng rõ cả 5 ngón, mặt tượng nào cũng có râu. 10 pho tượng là 10 khuôn mặt khác nhau, mắt mở lớn nhưng có vẻ chìm trong suy tư.
Hai tượng voi trong thế nằm phủ phục dài 93cm, thân dày 80cm, cao tính đến đỉnh đầu 1,55m. Vòi cuộn lại, lệch sang một bên khá sống động. Hai tượng ngựa dài 1,6m, cao tính tới đỉnh đầu 1,5m và mình dày 50cm. Đầu ngựa ngẩng cao, miệng đeo hàm thiếc, trán có yên hình phượng. Chân ngựa săn chắc, tạc nổi khối trên nền đá tạo thế vững chắc.
Đặc biệt, trong quần thể di tích đá này còn có 2 văn bia hình trụ tròn. Theo các nhà nghiên cứu ở Việt Nam, những tác phẩm tạc bằng đá này rất quý, cả miền Bắc chỉ 2 nơi có. Ngoài khu quần thể di tích ở thôn Cao Mỗ là quần thể tượng đá ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng và chỉ riêng 2 tấm văn bia đá ở khu Sinh từ này có hình trụ tròn. Toàn bộ bia cao 2,05m; trong đó thân bia cao 1,11m, chu vi 2,20m. Đây là 2 văn bia chạm bút tích của 2 người nổi tiếng sống cùng thời với Thiều Quận công Phạm Huy Đĩnh. Đó là: Báo Ân phường bia ký của nhà bác học Lê Quý Đôn và Từ Vũ bia ký do Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du) cùng đề từ năm Cảnh Hưng 33 (1772).
Ông Phạm Minh Trâm, người có công làm sống lại quần thể di tích |
Thái Bình là tỉnh không có núi đá (theo Sở TN-MT tỉnh Thái Bình), vậy quần thể di tích đá này được tạc ở đâu và vận chuyển về Thái Bình bằng cách nào? Từ những tư liệu của dòng họ Phạm ở Cao Mỗ còn lưu giữ đến nay, có thể hình dung ra rằng, Thiều Quận công Phạm Huy Đĩnh không tự xây Sinh từ cho mình.
Chỉ biết lúc làm quan triều đình, ông đã có nhiều ưu ái cho quê hương và trên 2 văn bia có đề chữ do Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm và nhà bác học Lê Quý Đôn viết về thân thế, sự nghiệp và công lao của Phạm Huy Đĩnh rất rõ ràng. Người dân trong vùng nhớ tới ông nên đã xây dựng Sinh từ (có nghĩa nơi thờ tự khi còn sống).
Sau khi các tiêu bản đá do các nghệ nhân ở Thanh Hóa làm xong thì được vận chuyển bằng cách đóng bè và đi theo đường sông. Khi chuyển từ bến sông vào khu Sinh từ thì có 2 giả thuyết: Thứ nhất, người thực hiện đã vận động phu phen, dân địa phương đào mương để đưa các tượng, bia về khu Sinh từ. Thứ hai, người xưa đã dùng ròng rọc để di chuyển và khi đi qua các ruộng bắp, lúa đã làm hỏng hoa màu. Sau đó, ông Phạm Huy Đĩnh biết chuyện và thương dân nên đã lấy tiền đền bù cho các gia đình bị thiệt hại. Có thể thấy rằng khu Sinh từ và bia đá, tượng đá là do dân trong vùng có lòng xây dựng lên với lý rằng, ông quận công nào cũng xây Sinh từ và lăng mộ cho bản thân mình.
Hơn 20 năm hồi sinh di tích
Một thời gian dài, khu Sinh từ của Thiều Quận công Phạm Huy Đĩnh bị bỏ hoang. Dấu tích chính là những vết nứt, vỡ trên thân voi đá, ngựa đá vẫn hiện rõ đến ngày nay. Còn dòng họ Phạm khi đó không có kinh phí trùng tu, bảo vệ.
Trước thực trạng ấy, năm 1992, ông Phạm Minh Trâm, hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phạm ở làng Cao Mỗ, đã quyết định tìm lại giá trị lịch sử đích thực của nhân vật Phạm Huy Đĩnh cũng như khu Sinh từ. Sau khi có tư liệu, ông Trâm đã viết một loạt tác phẩm mang tính khảo cứu lịch sử, khẳng định giá trị nghệ thuật và gửi đăng trên Tạp chí Xưa và Nay cũng như Báo Văn hóa Thái Bình. Nhà sử học Dương Trung Quốc biết tin cũng trực tiếp về khảo sát khu Sinh từ. Đến ngày 10-11-1995, đại diện 7 chi của họ Phạm ở Cao Mỗ họp mặt và bầu ban vận động trùng tu khu Sinh từ gồm 12 người và bầu ông Trâm làm trưởng ban. 7 năm sau, ngày 9-10-2002, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định công nhận khu Sinh từ với quần thể tượng, bia đá là di tích lịch sử văn hóa. Tuy công nhận di tích lịch sử văn hóa nhưng tỉnh không có kinh phí trùng tu nên ông Trâm tiếp tục hành trình đi kiếm tiền tài trợ.
Toàn cảnh quần thể di tích đá có lịch sử 244 năm ở Thái Bình |
Ông lên Hà Nội và dành hẳn 2 ngày đi hỏi thăm xem tổ chức nào có thể tài trợ công trình như vậy và được chỉ tới địa chỉ của Quỹ Hỗ trợ hoạt động văn hóa Việt Nam - Thụy Điển (ở số 46 Trần Hưng Đạo) và được hỗ trợ 3.000 USD.
Số tiền 3.000 USD vào thời điểm đó khoảng 45 triệu đồng, nhưng ông Trâm cho biết họ cấp tiền để bảo vệ 2 tấm bia hình trụ tròn chứ không phải trùng tu toàn bộ quần thể di tích vì họ cho rằng, không đâu ở Việt Nam có bia hình trụ mà lại do 2 người nổi tiếng đề chữ.
Thế là từ năm 2002 đến 2015, ông Trâm và dòng họ Phạm ở Cao Mỗ tiếp tục vận động để có kinh phí hoàn thiện dần khu Sinh từ di tích đá Thiều Quận công Phạm Huy Đĩnh. Ngoài 3.000 USD được tài trợ, đến nay đã vận động thêm được hơn 400 triệu đồng. Nhờ vậy, khuôn viên của khu Sinh từ hiện đã trùng tu tương đối hoàn chỉnh với hồ nước phía trước được kè bờ bao; xây tường bảo vệ; nhà thờ và hậu điện được trùng tu, nâng cấp.
Hiện nay vào các ngày rằm, mùng một Âm lịch hàng tháng, người dân ở địa phương tới hành lễ rất đông. Giờ đây, dân Cao Mỗ đều coi khu Sinh từ Thiều Quận công là địa linh nhân kiệt. Trong lần chúng tôi về đây đã chứng kiến nhiều du khách từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định… tới tham quan. Điều đó chứng tỏ Khu di tích Sinh từ đã được nhiều người biết đến hơn xưa. Các cháu học sinh trên địa bàn cũng có những bài học ngoại khóa bổ ích sau khi tham quan.
Với những giá trị độc đáo của công trình đá cũng như đánh giá đúng con người, sự nghiệp, công lao của Phạm Huy Đĩnh thì ông Trâm cho rằng quần thể di tích này xứng đáng được công nhận là di tích cấp quốc gia. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã đánh giá về khu quần thể di tích Sinh từ Thiều Quận công như sau: “Quần thể các di tích trong khu Sinh từ gồm cây cối (cây duối cổ trên 200 năm tuổi), kiến trúc, đồ tế tự và nhất là các tượng đá, trong đó có 2 tấm bia hình trụ có đề chữ của nhà bác học Lê Quý Đôn và Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm là những chứng tích có giá trị mỹ thuật và lịch sử của thế kỷ 18, cần được lưu giữ tốt”.
Tuy đã 80 tuổi và không còn trong ban quản lý di tích nữa, nhưng ông Phạm Minh Trâm vẫn có những kiến nghị với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhằm quảng bá rộng rãi và có biện pháp bảo vệ khu di tích Sinh từ tốt hơn nữa.
Thiều Quận công Phạm Huy Đĩnh sinh năm 1726 và mất 1775. Cái chết của ông đến bây giờ còn là điều bí ẩn của lịch sử. Có giả thuyết cho rằng, ông được Chúa Trịnh sai lên Đồng Mỏ, Lạng Sơn dẹp loạn và bị giết ở đó do chính gian thần trong triều hãm hại. Theo sử liệu của nhà bác học Lê Quý Đôn thì Phạm Huy Đĩnh làm đến 14 chức quan trong thời đại Vua Lê - Chúa Trịnh, thế kỷ 18. Chức quan cao nhất là Thái tể hay còn gọi là Tể tướng. Ông là nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ 18, được vua ban chữ Thiều kèm tước vị quận công. |