Theo dõi sát để có đáp ứng phù hợp
Thống kê của Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 6-2023, Việt Nam đã ghi nhận hơn 11,61 triệu người mắc, 43.206 người tử vong do Covid-19 (chiếm tỷ lệ 0,4%) và có hơn 10,63 triệu người khỏi bệnh.
Hiện hàng ngày, cả nước vẫn ghi nhận một số lượng nhất định số ca mắc mới Covid-19 nhưng hầu hết đều ở thể nhẹ, số ca tử vong trung bình trong 1 tuần qua là 0 ca. Toàn quốc cũng đã tiêm chủng được hơn 266,4 triệu liều vaccine Covid-19 các loại, trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 223,7 triệu liều.
Mặc dù, tới thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa công bố kết thúc đại dịch Covid-19; tuy nhiên với những dữ liệu trên cho thấy, dịch Covid-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt và hoàn toàn có đủ điều kiện để nước ta công bố khống chế được Covid-19 và chuyển Covid-19 từ nhóm dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm, lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao) sang nhóm B (nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh).
Nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm PCR cho người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Đánh giá công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nêu rõ, Việt Nam đã có các biện pháp ứng phó rất hiệu quả, linh hoạt với đại dịch Covid-19; đã làm rất tốt trong việc giữ số ca mắc và tỷ lệ tử vong tương đối thấp trong giai đoạn đầu của đại dịch cho đến khi có vaccine. Khi có vaccine, Việt Nam xuất sắc triển khai tiêm chủng, tốc độ và quy mô của việc triển khai tiêm chủng là vô cùng ấn tượng, đặc biệt là nỗ lực đảm bảo vaccine đến được với tất cả mọi người ở mọi miền đất nước.
“Đây chính là một trong những câu chuyện thành công về ứng phó với Covid-19 của Việt Nam mà WHO thường nêu bật và lan tỏa”, TS Angela Pratt nhấn mạnh và khuyến nghị: “Chúng ta đã tiếp thu các bài học chống dịch trong 3,5 năm qua, cần tiếp tục áp dụng những bài học đó để quản lý Covid-19 lâu dài trong tương lai, cũng như để chuẩn bị cho mối đe dọa đến từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác ”.
Khám cận lâm sàng, kiểm tra sức khỏe tổng quát cho người bệnh hậu Covid-19 |
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, mặc dù Việt Nam chưa chuyển đổi dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B, đó là việc mở cửa, không cấm đoán đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng cách ly… để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, nếu xếp Covid-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác, vẫn phải xem là bệnh có tính đặc thù vì WHO chưa công bố kết thúc đại dịch. “Chúng ta cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không để bị động, bất ngờ, vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống, vừa bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân”, PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết.
Việt Nam cần xây dựng kế hoạch tích hợp tiêm Covid-19 vào các chương trình tiêm chủng thường quy, tiêm chủng suốt đời vì dịch Covid-19 sẽ còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta trong tương lai gần; cần đảm bảo mọi người được miễn dịch thông qua chương trình tiêm chủng thường xuyên. Bên cạnh đó, cần tích hợp giám sát Covid-19 với giám sát các mầm bệnh đường hô hấp khác, trong đó quan tâm giám sát bộ gen/giải trình tự gen để xác định một người bị nhiễm biến thể nào của Covid-19
TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam
Duy trì các biện pháp phòng dịch
Trước các khuyến cáo trên của WHO cũng như nhiều ý kiến đề nghị Việt Nam sớm công bố hết dịch Covid-19 vì đã đủ điều kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đến nay, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, dù đầu tháng 5 vừa qua WHO đã công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát quy định pháp luật, tham khảo kinh nghiệm các nước, các biện pháp thực tiễn phòng chống dịch của Việt Nam, xây dựng hồ sơ phân loại để chuyển từ bệnh nhóm A sang nhóm B. Bộ Y tế cũng xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 và đề xuất đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên theo khuyến cáo của WHO.
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng, trên cơ sở khuyến cáo của WHO và đại dịch Covid-19 trên thế giới chưa kết thúc, Việt Nam cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc tiêm vaccine Covid-19 và tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao. TS Dương Thị Hồng khẳng định Việt Nam sẽ cập nhật theo khuyến cáo của WHO. Thông qua Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, Bộ Y tế sẽ đưa ra hướng dẫn tiêm vaccine Covid-19 phù hợp cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trong thời gian tới.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, dù cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa về đích nhưng tình hình hiện nay khá lạc quan, khi số ca mắc và tử vong do Covid-19 đã giảm mạnh. “Việt Nam nên tuyên bố chấm dứt dịch Covid-19 trong nước và nên loại dịch Covid-19 khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A. Điều này sẽ giúp chúng ta mở cửa và phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn. Hiện vẫn còn làn sóng dịch nhỏ, có thể xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong thời gian tới, chúng ta phải cảnh giác, ứng phó nhưng không đáng lo ngại. Người thuộc nhóm nguy cơ cao vẫn phải được bảo vệ, tiêm vaccine đầy đủ”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng kiến nghị.
GS-TS PHAN TRỌNG LÂN, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Xây dựng kế hoạch ứng phó trong tình hình mới
Hiện nay, WHO đánh giá rủi ro nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn ở mức cao trên thế giới, dù số ca mắc và số ca tử vong giảm trên toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. Hơn nữa, bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi với sự xuất hiện của rất nhiều biến thể phụ. Để ứng phó với Covid-19, thời gian qua, chúng ta đã đưa ra các giải pháp đáp ứng phù hợp với tình hình dịch tễ trong bối cảnh từng thời kỳ. Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với Covid-19 trong tình hình mới nhằm quản lý bền vững dịch bệnh. Kế hoạch này gồm các nội dung vừa củng cố vừa tăng cường, lồng ghép giám sát có trọng điểm và thường xuyên. Biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay vẫn là tiếp tục thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) và vaccine, cùng với thuốc điều trị và nâng cao ý thức người dân, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh và giảm bệnh nhân nặng nhập viện.
TS NGUYỄN TRỌNG KHOA, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Tiếp tục cảnh giác, phát hiện sớm các trường hợp bệnh
Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang xem xét nội dung về các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và cách ly đối với người bệnh Covid-19. Về cơ bản các chuyên gia đã thống nhất là sẽ có một số điều chỉnh, chủ yếu liên quan đến sử dụng thuốc kháng virus, một số thuốc kháng thể đối với Covid-19 theo các khuyến cáo, bằng chứng mới nhất của WHO và các báo cáo khoa học trên thế giới.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở điều trị tiếp tục cảnh giác với Covid-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh; các đơn vị hồi sức, đơn vị chạy thận, đơn vị có bệnh nhân nặng đang điều trị ở bệnh viện phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện những ca bệnh, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm sang các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường năng lực cho hồi sức cấp cứu để ứng phó với các dịch bệnh khác.