Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam. Đến nay, từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, tôi cho rằng Việt Nam có thể yên tâm công bố hết dịch Covid-19 vì đã đủ các điều kiện.
Điều kiện đầu tiên là tỷ lệ bệnh nặng do mắc Covid-19 gây ra hầu như không còn. Những ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng mà có dương tính với Covid-19, điều đó cho thấy Covid-19 vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không còn gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, không còn nguy cơ gây tử vong cao.
Điều kiện thứ hai, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine rất rộng, tiêm được hơn 266 triệu liều vaccine Covid-19. Tất cả người từ 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi cơ bản. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi đạt 81%; tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi nguy cơ cao đạt 89%; mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69%, như vậy là một thành công rất lớn trong việc tiêm vaccine.
Điều kiện thứ ba, là tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đã ổn định. Đầu tháng 5, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây là 3 điều kiện cơ bản và cần thiết để Việt Nam chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng tránh nhiễm Covid-19 |
Bệnh truyền nhiễm nhóm A là nhóm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền cao và phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao. Còn nhóm B là nhóm bệnh truyền nhiễm nguy cơ nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong.
Khi Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A nữa, chúng ta cần coi như bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác, việc chi trả điều trị cũng cần như các bệnh lý chuyên khoa khác, nghĩa là do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Trải qua 3 năm chống dịch, chúng ta cần rút bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ. Chúng ta không thể không thấy sự cố gắng của mọi tầng lớp xã hội chung tay phòng chống dịch. Có những việc tưởng như không thể mà chúng ta đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn và rất tốt, như việc thành lập quỹ vaccine, tiêm vaccine diện rộng, thành lập các bệnh viện điều trị Covid-19.
Tôi còn nhớ khi đại dịch xảy ra thì có quyết định thành lập Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đặt tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, là tuyến cuối trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc, với quy mô 500 giường bệnh.
Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở Hoàng Mai xây dựng trên một bãi đất trống, chính Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi vận động doanh nghiệp đóng góp tài chính, dồn sức xây dựng để một tháng sau hoàn thành đi vào hoạt động. Hàng ngàn bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch đã được chữa khỏi và ra viện từ nơi đây.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng tránh nhiễm Covid-19 |
Chúng ta đã chứng kiến cả một hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực, nhưng hết dịch vẫn nhiều điều đáng tiếc xảy ra, những bài học kinh nghiệm vô cùng xương máu, đau đớn. Vì vậy, cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn các loại dịch khác và có thể Covid-19 bùng phát trở lại.
Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của đoàn giám sát của Quốc hội về việc Bộ Y tế sớm ban hành các văn bản hướng dẫn sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị để chống dịch, chuyển sang điều trị khám, chữa bệnh thông thường. Bộ Y tế nên giao cho các bệnh viện địa phương quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí những cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được mua sắm, trao tặng.
Thế kỷ 21 dự báo mô hình bệnh tật thay đổi rất nhiều. Đại dịch Covid-19 đi qua, hậu quả để lại đến nay có thể vẫn khiến nhiều người còn sợ hãi, nhưng chúng ta cũng không được quên nhiệm vụ quan trọng là ứng phó với các bệnh không lây nhiễm gây tử vong hàng đầu hiện nay như tim mạch, ung thư. Nhà nước cần phân bổ nguồn lực cân đối để vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, vừa có thể ứng phó tốt với các đại dịch có thể xảy ra.