HSBC: Việt Nam tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng

(ĐTTCO)-Các chuyên gia HSBC cho rằng kể từ khi thực hiện đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã nhận được dòng vốn FDI đáng kể, trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Sản xuất dệt may tại một doanh nghiệp FDI. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sản xuất dệt may tại một doanh nghiệp FDI. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong Báo cáo “ASEAN Perspectives - Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức” công bố ngày 12/9, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC nhận định bất chấp những thách thức thương mại diễn ra gay gắt, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng.

Các chuyên gia HSBC cho biết ASEAN thu hút mức cao kỷ lục gần 17% vốn FDI toàn cầu trong năm 2022, gần gấp đôi so với 4 năm trước. Thành tựu này phản ánh rõ ràng các nền tảng cơ bản vững chắc, nhân khẩu học thuận lợi và chuỗi cung ứng cạnh tranh của ASEAN.

Tuy nhiên, HSBC cho rằng điều quan trọng cần lưu ý là không phải quốc gia nào cũng được hưởng lợi ở mức độ như nhau. Hơn 65% vốn FDI của khu vực đã đổ vào Singapore, tương đương trung bình tới 25% GDP của nước này. Nhưng điều này một phần là do vị thế chiến lược của Singapore là một trung tâm tài chính quan trọng.

Malaysia và Việt Nam cũng thu hút được dòng vốn FDI đáng kể. Ví dụ, FDI mới vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay đã cao hơn mỗi năm trong ba năm gần đây. FDI của Indonesia vẫn chưa tăng đáng kể, nhưng tiến trình cải cách công nghiệp của nước này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

Việt Nam tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI vượt trội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Có hai chuỗi cung ứng được hưởng lợi nhiều nhất là ngành công nghệ và xe điện (EV). Trong khi Singapore, Malaysia và Việt Nam là ba quốc gia có thành tích vượt trội ở lĩnh vực công nghệ, Indonesia và Thái Lan là hai quốc gia được hưởng lợi chính ở lĩnh vực xe điện. Để thấy được sức mạnh của FDI, Malaysia hiện chiếm 45% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài lĩnh vực sản xuất, ngành dịch vụ tài chính của ASEAN cũng có những khởi sắc nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở Singapore.

Đối với Việt Nam, các chuyên gia phân tích của HSBC cho rằng kể từ khi thực hiện đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã nhận được dòng vốn FDI đáng kể, trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Trong khi phần lớn khoản đầu tư ban đầu đổ vào lĩnh vực dệt may và giày dép có giá trị gia tăng thấp hơn, Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng.

Phần lớn thành công trong lĩnh vực công nghệ là nhờ lộ trình FDI kéo dài nhiều năm của Samsung tại Việt Nam với khoản đầu tư 18 tỷ USD trong hai thập kỷ qua, một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam.

Điều này cũng đã khuyến khích các gã khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Apple, mở rộng hoạt động của họ. Bất chấp những thách thức thương mại diễn ra gay gắt, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng.

Đầu tư GI, đầu tư thành lập mới, tại Việt Nam đã tăng 40% so với cùng kỳ trong 8 tháng qua, trong đó riêng lĩnh vực sản xuất đã chiếm 85% tổng vốn FDI mới.

Đặc biệt, vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất từ đầu năm đến nay đã vượt mức đầu tư mỗi năm trong ba năm vừa qua một cách đáng ngạc nhiên. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.

Cũng theo chuyên gia HSBC, ASEAN đã chứng kiến một nhóm các nhà đầu tư rất đa dạng từ Mỹ, EU và châu Á trong các lĩnh vực khác nhau. Các nước Đông Bắc Á chiếm 1/3 dòng vốn FDI vào ASEAN từ lâu nhưng đầu tư nội khối ASEAN đã từ lâu trở thành nguồn cung cấp FDI hàng đầu.

"Trong khi tỷ trọng FDI vào ASEAN theo nguồn vẫn ổn định, chúng ta cần ghi nhận sự xuất hiện của Mỹ với tư cách là quốc gia đầu tư FDI chính vào ASEAN. Trong ba năm qua, Mỹ với thị phần 17%, đã thay thế khu vực nội khối ASEAN - 14% - để trở thành quốc gia đầu tư FDI lớn nhất trong khu vực, mặc dù cách biệt với tỷ lệ không lớn," chuyên gia HSBC cho biết.

Các tin khác