15 vườn ươm đạt chuẩn
Nhiều năm qua, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM phát triển mạnh mẽ. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của startup, nhiều vườn ươm startup đã được xây dựng. Đến nay, TPHCM có 15 vườn ươm, tập trung ở các trường đại học và ở Khu Công nghệ cao TPHCM, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM… cung cấp không gian làm việc, không gian tổ chức sự kiện cùng nhiều thiết bị cho các startup.
Các startup phải qua nhiều giai đoạn, từ giai đoạn ý tưởng cho tới nhiều vòng gọi vốn trước khi trở thành một startup thành công. Ở mỗi giai đoạn, các nhóm khởi nghiệp không chỉ cần vốn mà còn cần sự hỗ trợ, tư vấn khác như vấn đề sở hữu trí tuệ, phát triển mô hình kinh doanh, mở rộng kênh phân phối nên vườn ươm có vai trò rất rõ trong sự lớn mạnh của startup. Trong hội nhập quốc tế, vườn ươm phải đạt chuẩn là cần thiết.
Trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí, nhóm nghiên cứu đánh giá cao Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao… cơ bản đã đáp ứng phần nào cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động startup tại TPHCM, quy trình vận hành ổn định.
Tuy nhiên, để được đánh giá và đạt xếp hạng cao trên thế giới, vườn ươm phải đạt nhiều tiêu chí nhất định về cơ sở vật chất, chương trình ươm tạo, nội dung hoạt động, khả năng quản lý vận hành cũng như các mạng lưới liên kết kinh doanh trong và ngoài cơ sở ươm tạo, đặc biệt là mạng lưới đầu tư quốc tế.
“Đây là những tiêu chí nhằm tăng cường khả năng hỗ trợ startup và startup đổi mới sáng tạo có thể thương mại hóa thành công ý tưởng kinh doanh, công nghệ và tăng khả năng sống sót sau giai đoạn ươm tạo”, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc SIHUB, đại diện nhóm nghiên cứu cho hay.
Có thể mở rộng mô hình
Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu 8 phương pháp đánh giá của các nước và tổ chức quốc tế, xác định 86 tiêu chí để tham khảo; từ đó xây dựng bộ tiêu chuẩn các chỉ số đánh giá vườn ươm theo chuẩn quốc tế. Bộ tiêu chuẩn gồm 26 tiêu chí ở 4 nhóm, gồm: hạ tầng cơ sở, hoạt động và dịch vụ, quản lý vận hành, hiệu quả đầu ra.
Theo nhóm nghiên cứu, bộ tiêu chuẩn này xây dựng tiêu chuẩn và khung điểm cho 2 loại hình vườn ươm là vườn ươm đại học và vườn ươm doanh nghiệp. Điểm sáng tạo ở bộ tiêu chuẩn là chi tiết hóa các tiêu chí, thang điểm và phương pháp đánh giá, tạo thuận lợi cho hoạt động chấm điểm, dễ dàng áp dụng trong quá trình quản lý, vận hành vườn ươm theo chuẩn quốc tế. Do đó, bộ tiêu chuẩn còn là công cụ để các vườn ươm ứng dụng tự nâng cấp, tạo mô hình chuẩn cho đơn vị, tổ chức muốn lập vườn ươm mới.
Với bộ tiêu chuẩn, cũng thấy rõ những hạn chế của vườn ươm. Như ở Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao với phương án nâng cấp thành vườn ươm theo chuẩn quốc tế, cần bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT, AI; mở rộng không gian làm việc và xưởng chế tạo mẫu; triển khai nhiều hơn liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, phát triển giải pháp, sản phẩm.
Không chỉ minh bạch vai trò của vườn ươm trong chính sách phát triển startup, thể hiện khung điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp qua các tiêu chí, bộ tiêu chuẩn còn chỉ ra điểm yếu đang tồn tại để vườn ươm phát triển hoàn thiện hơn, gắn kết chính sách ươm tạo với các chính sách hỗ trợ startup của cơ quan quản lý nhà nước.
PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, Chủ tịch Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Nghiên cứu xây dựng mô hình vườn ươm khởi nghiệp theo chuẩn quốc tế”, cho rằng, bộ tiêu chí theo chuẩn quốc tế được nhóm nghiên cứu xây dựng không chỉ có độ phù hợp cao với hoàn cảnh ở TPHCM, mà còn có thể áp dụng mở rộng trên cả nước.