Hướng đi mới xử lý ngân hàng yếu kém

(ĐTTCO) – Một hướng đi mới trong việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam đã mở ra, sau khi một số ngân hàng như vậy bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

(ĐTTCO) – Một hướng đi mới trong việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam đã mở ra, sau khi một số ngân hàng như vậy bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

 

Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm 2016 (VDF 2016) vừa diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch xử lý mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém.

Thủ tướng cũng  nêu vấn đề với Ngân hàng Thế giới, cụ thể là Tổ chức Tài chính quốc tế IFC giúp đỡ Việt Nam giải quyết vấn đề nợ xấu một cách thực chất.

Trên thực tế, thời gian vừa qua có một số ngân hàng thương mại yếu kém đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng, như Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank).

Ngoài việc mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, như sáp nhập các ngân hàng yếu kém, xóa bỏ tên ngân hàng nhưng vẫn giữ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và ổn định thị trường.

Thời điểm bị mua lại 0 đồng, các ngân hàng này lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu từ gần chục ngàn tỷ đồng (GP.Bank) đến 24.000 tỷ đồng (VNCB). Sau khi được NHNN mua lại 0 đồng và hỗ trợ tái cơ cấu, các ngân hàng này đã khắc phục được một phần tổn thất, song vẫn còn rất nhiều khó khăn, yếu kém.

Theo nhiều chuyên gia, dù các ngân hàng nước ngoài đã có thể thâm nhập thị trường Việt dễ dàng hơn, song để có một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng trong nước là rất khó. Vì vậy, nếu phải bỏ ra 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mua lại một ngân hàng trong nước, họ vẫn sẵn sàng.

Cần nhắc lại là tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 5/12, trong phần kiến nghị của mình, nhóm công tác thị trường vốn tại Diễn đàn đã đề cập đến vấn đề này.

Theo nhóm công tác, để thu hút được dòng vốn mới của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và vào những doanh nghiệp Nhà nước mới được cổ phần hóa, Việt Nam cần minh bạch hóa và tạo môi trường thuận lợi cho việc tăng sở hữu nước ngoài.

Đồng thời, cần cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% trong các công ty đại chúng, trừ trường hợp luật pháp Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể và rõ ràng về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn.

Riêng với lĩnh vực ngân hàng, nhóm công tác thị trường vốn đề xuất rằng các ngân hàng 0 đồng có thể được bán toàn bộ cho nhà đầu tư ngoại.

“Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, nhóm đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, theo đó đối với ngân hàng mà Nhà nước là cổ đông lớn hoặc ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 35% cổ phần; còn đối với đối với ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 100%”, bản kiến nghị của nhóm viết.

Hiện NHNN đang xây dựng Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và các đề án, phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Chính phủ mới đây đã yêu cầu NHNN khẩn trương hoàn thiện Đề án này.

Hồi đầu tháng 11, phát biểu tại Hội nghị "Ngân hàng Châu Á: Hướng tới Hội nhập toàn cầu" trong khuôn khổ Đại hội đồng và hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội ngân hàng châu Á (ABA), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng.

"Trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ sắp tới, tôi mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước. Tôi tin tưởng rằng giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho tất cả", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Các tin khác