Hút đầu tư: Chủ động cải cách, tăng hấp dẫn

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2013, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 22 tỷ USD, tăng trên 35% so với năm 2012; 5 tháng đầu năm 2014 đạt 5,51 tỷ USD nhưng giải ngân đạt 4,6 tỷ USD, tăng 0,4% so cùng kỳ. Còn tính đến tháng 4-2014, tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên 16.300 dự án, với tổng vốn đầu tư thực tế khoảng 238 tỷ USD. Đã có khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư và trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2013, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 22 tỷ USD, tăng trên 35% so với năm 2012; 5 tháng đầu năm 2014 đạt 5,51 tỷ USD nhưng giải ngân đạt 4,6 tỷ USD, tăng 0,4% so cùng kỳ. Còn tính đến tháng 4-2014, tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên 16.300 dự án, với tổng vốn đầu tư thực tế khoảng 238 tỷ USD. Đã có khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư và trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam.

Triển vọng lạc quan

Sau Tập đoàn Intel nâng vốn đầu tư cho dự án tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) từ 300 triệu USD lên 1 tỷ USD, mới đây Tập đoàn Samsung có văn bản đề nghị tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD vào SHTP để sản xuất màn hình LCD và linh kiện, đã được UBND TPHCM chấp thuận.

Vấn đề quan trọng nhất đang được xem xét là cơ chế, ưu đãi sẽ dành cho Samsung để tập đoàn này đầu tư vào TPHCM. Samsung đang là nhà sản xuất và kinh doanh điện thoại di động hàng đầu và cũng là nhà cung cấp tivi LCD hàng đầu thế giới.

Vì vậy, nếu nhà máy sản xuất màn hình LCD được đặt tại TPHCM, chắc chắn sẽ đóng góp lớn vào bức tranh kinh tế, thu hút đầu tư của cả nước. Được biết, Samsung đã cam kết sẽ đầu tư nhà máy sản xuất màn hình LCD theo đúng tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi theo Luật Công nghệ cao của Việt Nam, tức ngoài đầu tư nhà máy còn thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển để nghiên cứu, thiết kế... sản phẩm tại SHTP.

Việt Nam đang có nhiều hành động thiết thực, cụ thể cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là cơ chế giá và phân bổ nguồn lực, chủ động đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu rộng; cải cách môi trường kinh doanh để minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh hơn, đơn giản thủ tục hành chính. Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển doanh nghiệp tư nhân, coi đây là động lực quan trọng để phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam; khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cả giao thông, điện, bệnh viện, trường học... Việt Nam sẽ bảo đảm, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân, cũng như qua các tổ chức tự nguyện, hợp pháp; bảo đảm an ninh, an toàn cho các tổ chức, người nước ngoài học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam.

 (Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn VBF)

Trước đó, vào năm 2009, Tập đoàn Samsung khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh với vốn tổng đầu tư 670 triệu USD, sau đó nâng vốn lên 2,5 tỷ USD. Tháng 3-2013, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) cũng đã khởi công xây dựng khu tổ hợp công nghệ cao tại Thái Nguyên trị giá 2 tỷ USD.

Theo kế hoạch, dự án tổ hợp SEVT có thể thu hút 40.000-50.000 lao động, vì công suất của dự án này tương đương với nhà máy Samsung ở Bắc Ninh với khoảng 43.000 lao động trực tiếp làm việc.

Trong năm 2014, ước tính 2 nhà máy Samsung ở Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 35 tỷ USD sản phẩm điện thoại di động các loại. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn và thông thoáng khi các thương hiệu hàng đầu thế giới về công nghệ cao đã đầu tư vào nước ta.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2014 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức với chủ đề “Từ chương trình tới hành động - chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới”, đại diện Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho biết số thành viên của JBAV đã đạt 1.319, có nghĩa Việt Nam là nước có số doanh nghiệp Nhật Bản cao thứ hai trong ASEAN sau Thái Lan.

Điều này cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục coi Việt Nam là một thị trường quan trọng cũng như duy trì chiến lược mở rộng hoạt động. Nói như Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Marc Townsend, sự ổn định cũng như xu hướng phát triển của Việt Nam ngày càng rõ nét, bằng chứng là kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2013 đạt 29,7 tỷ USD, trong năm 2014 dự kiến lên 33,8 tỷ USD (Việt Nam xuất khẩu 28,4 tỷ USD).

Điều này cho thấy cơ hội lớn nhất đối với Việt Nam đang ở phía trước nếu như Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Ông Kim Jung In, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Korcham), cho rằng thời điểm này Việt Nam nên công bố chính thức cho nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới biết Chính phủ đang nỗ lực đưa ra những giải pháp cụ thể để ổn định môi trường kinh doanh.

Còn tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014 do Báo Đầu tư tổ chức ở TPHCM tuần qua, Tổng Giám đốc Quỹ Asia Frontier Capital (AFC), ông Thomas Hugger, cho biết AFC được thành lập tại Việt Nam cuối năm 2013 nhưng đến hết tháng 5-2014 đã đạt mức tăng trưởng khoảng 12%.

Trong danh mục đầu tư ở các thị trường mới nổi của AFC, Việt Nam dẫn đầu với tỷ lệ 20,1%. Tiềm năng tăng trưởng đó dựa trên cơ sở về môi trường kinh doanh đang được cải thiện và tình hình chính trị ổn định. Hơn nữa, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Bangladesh hay Campuchia… sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cơ cấu đầu tư.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, cho biết tài sản tại Việt Nam đang được định giá hấp dẫn so với các thị trường mới nổi khác. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi, lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp vẫn có cơ hội mở rộng, tỷ giá hối đoái về cơ bản vẫn ổn định... Vì vậy, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại khi vốn cam kết đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cao nhất trong ASEAN.

Sức hút từ TTCK

Tính đến tháng 4-2014, lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã lên đến con số hàng tỷ USD. Nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trên thế giới thông qua TTCK Việt Nam không ngừng gia tăng đầu tư vào doanh nghiệp, vào TTCK khi có thêm các cơ hội mới.

Thực tế từ năm 2013, niềm tin của các nhà đầu tư đối với TTCK đã trở lại, kéo theo sự tăng trưởng 22% của VN Index và tiếp tục tăng 11% trong 5 tháng đầu năm nay. Hiện nay có khoảng 17.000 tài khoản được mở bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

UBCKNN đang xây dựng cơ chế riêng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư dài hạn vào TTCK Việt Nam. Từ đó rà soát, phân loại, nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với các lĩnh vực ngành nghề Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Trước mắt thực hiện việc nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, trong đó khuyến khích các tổ chức tài chính lớn có uy tín.

TS. Vũ Bằng,
Chủ tịch UBCKNN

TS. kinh tế Marc Faber, Chủ tịch Công ty quản lý Quỹ Indochina Capital, chia sẻ một niềm tin rất chắc chắn vào sự tăng trưởng dài hạn của nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK Việt Nam. Chính vì vậy, ông Marc Faber cho rằng Chính phủ nên mạnh dạn thay đổi như hạn chế việc can thiệp vào nền kinh tế, cổ phần hóa nhanh các doanh nghiệp nhà nước và cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính.

Đặc biệt nhanh chóng có những quyết định để mở rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty Việt Nam. Ông Don Lam cho rằng việc nới room cần thúc đẩy nhanh hơn, nếu không đó sẽ là sự thất vọng lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó thêm cơ hội cho việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Vinatex, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam...

TS. Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư tại Hoa Kỳ có trụ sở tại TPHCM, cho rằng khó có thể đưa ra lý do để cho rằng Việt Nam không xứng nằm trong danh sách các điểm đến đối với nhà đầu tư quốc tế.

Với tình hình kinh tế liên tục được cải thiện, tín dụng và hệ thống ngân hàng tốt hơn, Việt Nam sẽ tiếp tục  thu hút vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp. Sự phục hồi của TTCK Việt Nam gần đây trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông, cho thấy nhiều nhà đầu tư mà phần lớn là nhà đầu tư nước ngoài xem cổ phiếu trên TTCK đang rẻ so với thị trường khu vực và đầu tư là hợp lý.

Có những trường hợp nhà đầu tư đánh giá sai sự kiện và cơ hội, hoặc phản ứng thái quá trước tác động hay cú sốc bên trong và bên ngoài nên bán tháo cổ phiếu. Và đây lại là cơ hội cho nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

Diễn giả trình bày tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014. Ảnh: LÊ TOÀN

Diễn giả trình bày tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014. Ảnh: LÊ TOÀN

Ông Vũ Quang Thông, Tổng giám đốc CTCK Vietcombank, cho rằng để các quỹ ngoại có thể mạnh tay giải ngân đầu tư hơn nữa, chúng ta cần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng hơn mà ưu tiên hàng đầu là định hướng chính sách và quản lý kinh tế, tiếp tục duy trì sự ổn định của nền kinh tế với mức tăng trưởng hợp lý.

Với TTCK, một trong những nguyên nhân chính khiến các quỹ đầu tư lớn trên thế giới còn dè dặt là quy mô thanh khoản của thị trường vẫn còn khá thấp. Do vậy cần có giải pháp nâng quy mô và thanh khoản bằng cách tăng hàng hóa chất lượng lên sàn, định hướng phát triển thị trường theo quy chuẩn và thông lệ quốc tế. 

Các tin khác