(ĐTTCO) - Đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được đánh giá là khu vực có đóng góp lớn về vốn, tăng trưởng GDP, xuất khẩu và tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động. Nằm trong tốp 5 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là á quân Đông Nam Á, thu hút FDI đã tạo động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn FDI, cũng đã nảy sinh nhiều hệ lụy về môi trường.
Động lực tăng trưởng
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), 8 tháng năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm 14,3 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015; ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Cũng trong thời gian này cả nước có 1.619 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015; 770 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 4,6 tỷ USD, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong hơn 25 năm thu hút FDI, có thể thấy 80% công nghệ của khu vực FDI về Việt Nam là công nghệ trung bình, công nghệ cao chỉ chiếm 6%. Rõ ràng doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu để tận dụng tài nguyên, nhân công giá rẻ. Hệ quả, khu vực FDI đã tạo ra không ít thách thức cho nền kinh tế, mà những sự cố ô nhiễm môi trường như Vedan trong quá khứ và Formosa gần đây là những cảnh báo. PGS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân |
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm, với 678 dự án đầu tư đăng ký mới và 551 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 10,53 tỷ USD, chiếm 73% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 8 tháng. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 836 triệu USD, chiếm 5,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 622 triệu USD, chiếm 4,3% tổng vốn đầu tư. Về đối tác đầu tư, có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 4,8 tỷ USD, chiếm 33% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ 2 với 1,7 tỷ USD và Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với 1,46 tỷ USD.
Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 30 dự án cấp mới và 21 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,02 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 2 với 1,78 tỷ USD. Tiếp theo là Đồng Nai và Bình Dương với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt 1,59 tỷ USD và 1,38 tỷ USD. Những con số trên cho thấy doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, thu hút khoảng 3 triệu lao động. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư ngày càng được tăng lên.
Ô nhiễm môi trường tăng theo
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng về những hậu quả tiêu cực của khu vực FDI. Theo một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Kinh tế quốc dân về tình hình tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp FDI, hiện có đến 80% khu công nghiệp vi phạm các quy định về môi trường; 70% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn, 23% trong số đó xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép 5-12 lần.
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với 55 nền kinh tế, hơn 90% các dòng thuế suất được giảm về 0%. Vì thế, Việt Nam được coi là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài và khu vực FDI đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Vấn đề là chúng ta cần tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh thu hút FDI, nhưng phải chọn lọc các dự án chất lượng cao. GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI |
Một điều tưởng như rất nghịch lý là gần 70% doanh nghiệp FDI cho biết đầu tư vào Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí về môi trường so với đầu tư ở nước họ. Bởi lẽ chi phí xử lý nước thải ngành dệt nhuộm, sắt thép rất lớn, việc quản lý, giám sát xả thải rất khó, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Vì thế, khi đầu tư tại Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí 10-15% so với đầu tư ở nước họ. Phải chăng do chúng ta đang chạy theo thành tích tăng trưởng GDP nên dễ dãi trong thu hút FDI, nhập khẩu ô nhiễm vào Việt Nam. Nhiều dự án FDI hiệu quả thấp, chỉ sử dụng tài nguyên và lao động giá rẻ nhưng vẫn nhận được nhiều ưu đãi của các tỉnh về giá đất, nước, tài nguyên, thậm chí hạ thấp tiêu chuẩn môi trường đối với dự án thuộc lĩnh vực nhuộm, luyện kim... Vì thế FDI tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam nhưng ô nhiễm môi trường cũng tăng theo, chưa thành nước công nghiệp hóa nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng.
Đánh giá về 25 năm thu hút FDI, ông Đào Quang Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, nhận định trên 80% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% công nghệ ở mức thấp và lạc hậu, chỉ 5-6% có công nghệ cao. Không ít trường hợp nhà đầu tư lợi dụng sơ hở của luật pháp, yếu kém trong quản lý để nhập máy móc, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Quy định về môi trường của Việt Nam đang theo tiêu chuẩn của các nước phát triển, nhưng việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, tập trung vào khâu tiền kiểm. Nhiều địa phương không có cơ chế kiểm soát về môi trường. Thực trạng này càng trở nên báo động, theo kết quả nghiên cứu tác động môi trường của khối FDI tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây, từ năm 2011-2015 nhiều doanh nghiệp FDI có công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng, khả năng phát thải cao như dệt may, hóa chất, điện tử, giấy, gang thép… mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Đáng lo ngại hơn, tính đến giữa năm 2016, Việt Nam đã ký kết và tham gia đàm phán 15 FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các hiệp định này mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Song những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA gồm dệt may, da giày, gỗ, sản xuất linh kiện điện tử… lại được xếp hạng trong danh sách các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất do sử dụng nhiều hóa chất độc hại, khó xử lý, chi phí lại cao.
Sau vụ việc Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung, nhiều ý kiến cho rằng cần có những cơ chế bắt buộc đóng cửa những dự án gây ra ô nhiễm nghiêm trọng như Formosa để tránh những tổn thất lớn về môi trường. Thậm chí, nên có cơ chế loại ngay từ đầu những dự án gây ô nhiễm môi trường. Thí dụ, những dự án đã cấp phép nhất thiết phải dành một lượng vốn nhất định để đầu tư vào hệ thống xử lý vấn đề môi trường đúng theo quy chuẩn, không có sự châm chước ngay từ khi cấp phép.
Phải sàng lọc dự án
TS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công (CIEM), cho rằng hầu hết doanh nghiệp ở các nước phát triển đầu tư vào nước kém phát triển hơn thường sử dụng công nghệ thấp hơn ở nước họ. Đó là một thực tế khách quan. Nhưng nếu công tác quản lý tốt, khả năng kiểm soát công nghệ họ sử dụng, hạn chế tác động xấu tới môi trường cũng tốt hơn. Đặc biệt, những dự án lớn có khả năng gây ô nhiễm phải rất cẩn trọng vì trong giai đoạn đầu thường chưa biểu hiện nhiều. Càng về sau khi quy mô sản xuất tăng lên, khả năng gây ô nhiễm ở những dự án này càng nhiều hơn. Điều này đòi hỏi khả năng kiểm soát, khả năng khắc phục những sự cố liên quan đến môi trường ngay từ khi mới phát sinh. Quan trọng hơn, cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt từ khâu phê duyệt, chấp nhận dự án với những đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc, tuân thủ thực sự đầy đủ các quy định về pháp luật môi trường. Đôi khi những dự án nhỏ hơn, lợi ích kinh tế dường như ít hơn nhưng bảo vệ môi trường tốt hơn, về dài hạn lại là những dự án có lợi ích kinh tế cao hơn những dự án lớn mà nguy cơ ô nhiễm cận kề.
![]() |
Formorsa Hà Tỉnh là điển hình của tình trạng chuyển công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. |
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, thực tế môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, cả nước có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khu vực FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, khai thác và tận thu khoáng sản... Trong khi đó chúng ta còn quá nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý và các vấn đề môi trường. Đặc biệt tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư, dẫn tới việc nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác trong quá trình thu hút nguồn vốn này.
Vấn đề cấp thiết lúc này là phải sàng lọc lại các dự án FDI và siết chặt tất cả khâu cấp phép dự án, giám sát. Mất đi một số dự án FDI xấu và đi kèm là những lợi ích kinh tế là khó tránh khỏi. Nếu thực sự quyết tâm thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào FDI và xuất khẩu hàng gia công, lắp ráp phải chấp nhận một sự hy sinh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đó là một con đường không hề dễ dàng nhưng phải đi tới cùng, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Chúng ta phải thay đổi tư duy về vấn đề môi trường. Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, kiên quyết không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường”.
TPP - không đánh đổi môi trường lấy kinh tế Hà My Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không cho phép các quốc gia miễn áp dụng hoặc áp dụng luật môi trường ở cấp độ thấp để thu hút đầu tư hoặc thương mại giữa các nước thành viên, hay còn gọi là nguyên tắc “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”. Đây cũng là yêu cầu Việt Nam đặt ra trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong các quy định pháp luật chung về môi trường của Việt Nam chưa có bất kỳ tiêu chí nào tương tự cam kết này. Luật vẫn còn lỏng lẻo Tại hội thảo về đánh giá tác động của TPP đối với pháp luật về môi trường của Việt Nam diễn ra hôm qua 14-9, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) nhìn nhận, trên thực tế công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Việt Nam không có quy định cho phép cơ quan quản lý đầu tư được hạ thấp các quy định về môi trường (pháp luật Việt Nam tách biệt giữa đánh giá tác động kinh tế - xã hội và đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án trước khi cấp phép đầu tư). Đây là đặc điểm giúp nguyên tắc “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” dễ đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, đến nay nước ta vẫn chưa có cơ chế nào nhằm đảm bảo việc xây dựng pháp luật cũng như áp dụng pháp luật về môi trường tuân thủ nguyên tắc “không đánh đổi”. Vì thế, thực tế vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy cơ quan nhà nước vi phạm nguyên tắc này vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, mặc dù đi theo 2 cơ chế khác nhau song có sự trùng lặp về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt báo cáo ĐTM. Đó là điều 23 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 trao quyền phê duyệt báo cáo ĐTM cho chính cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cơ quan cấp dưới. Sự thiếu độc lập này khiến một cơ quan hoặc một cá nhân có thể lựa chọn “đánh đổi môi trường lấy kinh tế” một cách dễ dàng. Thậm chí, do đi theo 2 cơ chế khác nhau nhưng do cùng 1 cơ quan thực hiện có thể dẫn đến việc khó quy trách nhiệm khi có sai phạm gây tác động môi trường lớn. Thứ hai, cả 2 cơ chế phê duyệt chủ trương đầu tư và báo cáo ĐTM đều không có tiêu chí rõ ràng. Pháp luật chỉ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để thẩm định nhưng không có quy định tiêu chí. Điều này dễ dẫn đến tùy tiện của cơ quan thực thi, trong đó có thể bao gồm cả sự tùy tiện “đánh đổi giữa môi trường và kinh tế”. Thứ ba, cả 2 cơ chế nêu trên thiếu sự giám sát của cộng đồng. Mặc dù pháp luật về ĐTM yêu cầu phải tham vấn người dân nơi có dự án, song nhiều nghiên cứu trước đây phản ánh hoạt động này không được thực thi hiệu quả. Thứ tư, thủ tục đánh giá ĐTM thường do chủ đầu tư thực hiện, cơ quan nhà nước chỉ thẩm định dựa trên báo cáo của chủ đầu tư mà rất ít có trường hợp đánh giá lại. Trong khi đó, việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự án do cơ quan nhà nước thực hiện. Đây là một điểm trọng yếu khiến cho các tác động môi trường của dự án có thể không được xem xét đầy đủ trước khi thực hiện. Một nguy cơ khác tiềm ẩn rủi ro với môi trường là xác định quy chuẩn chất thải. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có quy định quy chuẩn kỹ thuật môi trường cấp địa phương phải nghiêm ngặt hơn quy chuẩn kỹ thuật môi trường cấp quốc gia, nhưng vẫn cho phép ngoại lệ nhằm “đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường có tính đặc thù”. Bên cạnh đó, các quy chuẩn kỹ thuật cấp quốc gia đều cho phép phân biệt thành các nhóm A và B phụ thuộc vào địa điểm tiếp nhận. Tuy nhiên, thẩm quyền phân vùng tiếp nhận nước thải này do UBND cấp tỉnh quyết định. Như vậy là không độc lập so với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt báo cáo ĐTM. Thiếu chế tài, thực thi yếu kém TPP dành 1 chương về môi trường nêu về các định nghĩa, quy định, các thỏa thuận môi trường đa phương, cam kết chung, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… nhằm thúc đẩy thương mại hỗ trợ lẫn nhau và chính sách môi trường; bảo vệ môi trường mức độ cao và thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường; và tăng cường năng lực của các bên để giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến thương mại, bao gồm cả thông qua hợp tác. Tuy nhiên, khi thực thi các cam kết về môi trường trong TPP, do số lượng doanh nghiệp có vốn sở hữu nhà nước lớn có thể trở thành rào cản thương mại, hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta.
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia tư vấn dự án đánh giá tác động của TPP đến bảo vệ môi trường của Việt Nam, cho rằng mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam về môi trường trong TPP rất cao, chỉ vài trường hợp cần điều chỉnh pháp luật trong nước cho phù hợp. Bởi lẽ, trong TPP, pháp luật về bảo vệ môi trường phải ở mức độ cao và ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam hiện nay lại cho thấy nhiều công cụ chính sách, thực thi yếu kém. Vì thế cần phải có chế tài mạnh với những doanh nghiệp tìm cách tiết kiệm chi phí trong việc đầu tư cho hệ thống bảo vệ môi trường. Thí dụ, 1 doanh nghiệp tiết kiệm được 1 tỷ đồng do không đầu tư hệ thống kiểm soát, bảo vệ môi trường, vi phạm này cần phải bị xử phạt gấp 10 lần số tiền trên nhằm răn đe những hành vi tương tự. Một điểm quan trọng khác, theo ông Đức đó là Việt Nam tham gia nhiều hiệp định đa phương có quy định về bảo vệ môi trường, song hiệp định đó có cơ chế tuân thủ “nhẹ nhàng” hơn, nếu không thực hiện đúng cam kết cũng không có chế tài. Nhưng với TPP, các cam kết nếu không thực hiện sẽ bị chế tài xử phạt. Thí dụ, các nước trong khối sẽ không giảm thuế với hàng hóa vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Theo ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, TPP dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2016. Các cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường trong TPP liên quan đến nhiều bộ, ngành sẽ góp phần thúc đẩy thực thi đầy đủ cam kết và cơ hội Việt Nam bảo vệ môi trường hơn, trước hết ở việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. |