(ĐTTCO)-Hơn 700 km đường cao tốc được đưa vào sử dụng trong 5 năm qua là thành tựu của ngành giao thông. Tuy nhiên, việc tiếp tục thu hút nguồn vốn để xây dựng thêm 2.000 km cao tốc nữa đang là một “bài toán” không đơn giản đối với Bộ GTVT trong thời gian tới.
Thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được 186.660 tỉ đồng (chiếm 92,15% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay), hoàn thành vượt mức các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng như đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000 m cầu đường bộ.
Đồng thời hoàn thành việc nâng cấp mở rộng và đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; cơ bản hoàn thành nâng cấp mở rộng QL1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, sớm hơn 1 năm so với kết hoạch.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác khoảng 704 km đường cao tốc, vượt 104 km so với mục tiêu đề ra.
Về hàng không, Bộ GTVT đưa vào khai thác cảng hàng không quốc tế Phú Quốc mới, sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) và đầu tư mới, nâng cấp các công trình nhà ga, đường lăn, sân đỗ tại một số các cảng hàng không khác (nhà ga hành khách của các cảng hàng không quốc tế như Đà Nẵng, Vinh, đặc biệt là nhà ga T2 và nhà khách VIP của cảng hàng không quốc tế Nội Bài...), đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ mức 42 triệu hành khách năm 2010, lên khoảng 70 triệu hành khách trong năm 2015.
Giao thông nông thôn cũng thay đổi với 47.436 km đường được xây mới và nâng cấp trong 5 năm qua. Đề án xây dựng 4.145 cầu treo với tổng mức đầu tư 8.338,98 tỉ đồng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số tại 50 tỉnh/thành phố trên cả nước đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác 195/235 cầu trong giai đoạn một của dự án.
Trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, TNGT giảm cả 3 tiêu chí và năm 2015 cũng là năm thứ 2 liên tiếp số người chết giảm xuống dưới 9.000 người. Giai đoạn 2011-2015, số người chết do TNGT đã giảm 12.023 người, giảm 20,58% so với giai đoạn 2006-2010.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TPHCM giảm rõ rệt. Đến nay, Hà Nội chỉ còn 46 điểm ùn tắc, giảm 32 điểm so với năm 2011 (giảm 41%). TPHCM còn 18 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng, giảm 13 vụ so với năm 2011 (giảm 42%).
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua (năm 2010 ở vị trí thứ 103).
Không chờ ngân sách Nhà nước
Mặc dù tiến độ các công trình hầu hết đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhưng theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, chất lượng các công trình chưa đồng đều.
Đó là sự xuống cấp tại một số điểm của một số công trình đường bộ mới hoàn thành. Đó là hiện tượng đường bị hằn lún, bong tróc, nhưng chưa thực sự tìm ra giải pháp tốt nhất, gây hoang mang và hiểu lầm trong dư luận. Ngoài ra, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn, trên những quốc lộ vẫn rất phức tạp, thậm chí đã xảy ra cả ùn ứ trên đường cao tốc.
Mặc dù chúng tôi đang đưa ra những giải pháp mạnh mẽ cùng với toàn xã hội chung tay giải quyết vấn đề hóc búa này, nhưng khả năng thành công hoàn toàn trong ngắn hạn là rất khó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của ngành GTVT chiều 4/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thời gian tới ngành GTVT còn rất nhiều việc phải làm, vì đất nước hướng đến công nghiệp hóa-hiện đại hóa mà không có hệ thống đường cao tốc thì không thể đáp ứng được yêu cầu.
“Hiện mới có hơn 700 km đường cao tốc. Năm năm tới, Bộ GTVT phải hoàn thành 2.000km đường cao tốc nữa. Chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc huy động mọi nguồn lực, chứ không thể cứ trông chờ ngân sách Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải nâng cao năng lực vận tải, kết nối các phương thức để giảm chi phí vận tải nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.