Ngày 24-5 ĐTTC đã có bài chủ điểm: “Quản lý vàng theo Nghị định 24 - Nhiều cơ chế cần tháo gỡ”; trong đó nêu những thách thức cần được làm rõ và xử lý. Để quản lý thị trường vàng, việc huy động vàng trong dân mang tính căn cơ. Để có cái nhìn tổng quan, ĐTTC trích đăng ý kiến của TS. Lê Đạt Chí (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) về việc huy động vàng trong dân nhìn từ các nước.
Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ
![]() |
Những năm qua, kinh tế Việt Nam, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ có những điểm tương đồng, như mức thâm hụt thương mại cao và đồng nội tệ suy yếu. Khi đồng nội tệ bị mất giá, thâm hụt thương mại tăng lên đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng của người dân.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cơ cấu nhập khẩu vàng của các quốc gia đang có xu hướng nghiêng về vàng thỏi hơn là trang sức.
Điều này cho thấy vàng được coi là một kênh đầu tư. Tuy nhiên, đứng ở góc độ quản lý nhà nước, việc người dân nắm giữ một lượng lớn vàng là sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Năm 2012, mỗi quốc gia đang có những cách làm riêng nhằm khai thông lượng vốn này.
Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra kế hoạch khuyến khích người dân gửi vàng vào hệ thống ngân hàng và trả lãi cho tài khoản gửi vàng, người gửi có quyền rút vàng thỏi (gold bar) từ các máy ATM. Cuối tháng 11-2011, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) phải đạt mức dự trữ bằng vàng 10% trong tổng mức dự trữ bắt buộc.
Gửi vàng ở Ấn Độ bao gồm gold coin, gold bar và trang sức. Kỳ hạn cũng đa dạng. Thí dụ gửi vàng ở Ấn Độ lãi suất 0,75%/năm cho kỳ hạn 3 năm; 1%/năm cho kỳ hạn 4 và 5 năm (thông tin vào tháng 2-2011). Lãi suất được tính bằng tiền vàng (XAU-Gold Currency) và được trả bằng rupe. Người dân có quyền chọn trả lãi suất không tích lũy (trả lãi vào ngày 31-3 hàng năm) hoặc tích lũy vào lúc đáo hạn. Vàng gửi sau khi kiểm tra chất lượng sẽ được chuyển cho Mint.Mumbail của Chính phủ Ấn Độ để nấu lại thành gold bar. Ngân hàng sẽ phát hành chứng chỉ gửi vàng cho các vàng chuẩn (vàng 9999) dựa trên báo cáo của Mint. Tất cả chi phí luyện vàng sẽ được tính cho các ngân hàng và không tính cho khách hàng. Người gửi có quyền chọn lại vàng hoặc tiền mặt tương đương tại thời điểm đáo hạn. Việc thanh toán trước hạn sẽ bị phạt lãi suất 0,5% đối với kỳ hạn 1-3 năm và 0,25% đối với kỳ hạn 3 năm. Chứng chỉ vàng có thể được giao dịch trên thị trường tài chính. Với cách làm này Ấn Độ đã dễ dàng thành lập sàn giao dịch vàng. |
Lý do Thổ Nhĩ Kỳ muốn thực hiện kế hoạch huy động lượng vàng trong dân vì đồng tiền của quốc gia này rớt giá thảm hại trong năm 2011: đồng lira giảm 23% so với USD khi thâm hụt tài khoản vãng lai lên đến 10% GDP.
Từ đây nhu cầu vàng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 128%/năm trong quý IV-2011 (theo số liệu của WGC), nên buộc phải nhập khẩu 79,7 tấn trong năm 2011, chủ yếu là vàng thỏi và tiền vàng (gold coin). Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc yêu cầu các NHTM dự trữ vàng sẽ làm tăng niềm tin đối với hệ thống tài chính, từ đó hỗ trợ cho đồng lira. Ngoài ra, việc dự trữ vàng sẽ giúp các ngân hàng đảm bảo thanh toán khi cho vay vàng.
Ấn Độ là quốc gia sớm có kế hoạch huy động vàng vì cuộc chiến giữa vàng và nội tệ của Ấn Độ đã có từ rất lâu. Từ năm 1962, Ấn Độ đã ban hành sắc lệnh kiểm soát vàng (The Gold Control Order), theo đó cấm mua và bán nữ trang trên 14 carat và các thợ kim hoàn phải có giấy phép hành nghề.
Biện pháp này gặp phải nhiều cản trở và chỉ trích từ dư luận nên đã thất bại do việc hạn chế nhập khẩu vàng làm nảy sinh tình trạng buôn lậu vàng và cơ chế tỷ giá phi chính thức. Trước tình hình này, năm 1977, việc nhập khẩu vàng nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu vàng được Ấn Độ đưa ra thảo luận, nhưng do dự trữ ngoại hối thấp nên nó được xem không khả thi.
Chính phủ quyết định bán số vàng bị tịch thu với số lượng nhỏ thông qua Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) nhưng không đủ lớn để ngăn chặn tình trạng buôn lậu vàng. Khi sắc lệnh cấm không thành công, chính phủ và RBI đã có vài sáng kiến để huy động lượng vàng trong dân.
Theo đó cho phép các ngân hàng trả lãi suất đối với trái phiếu được phát hành để hoán đổi với vàng thỏi, tiền vàng hoặc trang sức. Trái phiếu vàng kỳ hạn 15 năm với lãi suất 6,5%/năm được phát hành nhưng chỉ huy động được 16,7 tấn vàng.
Nhiều chương trình sau đó được đưa ra nhưng Gold Bond 1980 Scheme (trái phiếu vàng với lãi suất 7%/năm) vào tháng 3-1965, National Defense Gold Bonds vào 1980, Gold Deposit Scheme được tung ra lần cuối cùng vào năm 1997 nhưng chỉ huy động được vài tấn vàng trong 2 năm phát hành.
Năm 1999, nhằm cố gắng hút vàng trong dân, Chính phủ Ấn Độ lần đầu tiên cho phép các NHTM được thực hiện nghiệp vụ nhận gửi vàng (vàng thỏi, tiền vàng và trang sức) có trả lãi suất (chính là nghiệp vụ gửi vàng ngày nay). Mỗi ngân hàng có mức lãi suất riêng, với thời gian gửi 3-7 năm.
Lãi suất và lãi vốn đối với vàng được miễn thuế và các ngân hàng có thể cho vay vàng đối với những người sản xuất vàng hoặc bán trên thị trường, hoặc cho vay các ngân hàng khác.
Các gợi ý cho Việt Nam
Cách ứng xử của Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cho chúng ta một số kinh nghiệm để giải quyết vấn đề huy động vàng. Thứ nhất, tại sao Ấn Độ thực hiện thành công nghiệp vụ nhận gửi vàng (không gây rủi ro đến hệ thống ngân hàng), trong khi Việt Nam lại không?
Sự khác biệt ở chỗ, Ấn Độ thực hiện huy động vàng chủ yếu thông qua các NHTM lớn của Nhà nước. Vàng sau khi được các NHTM huy động về sẽ được bán lại cho RBI. Trong khi đó, Việt Nam cho phép tất cả NHTM đều được thực hiện huy động vàng.
Một số ngân hàng đã không thực hiện tốt vấn đề quản trị rủi ro khi huy động và cho vay quá nhiều vàng, hoặc hoán đổi vàng sang tiền đồng để cho vay cao hơn.
Vấn đề mà Việt Nam gặp phải là khâu quản trị rủi ro ở các ngân hàng chứ không phải do chính sách huy động vàng có vấn đề. Nếu áp dụng cách làm của Ấn Độ, NHNN Việt Nam nên chọn những ngân hàng có khả năng quản trị tốt để huy động vàng.
Thực tiễn ở Ấn Độ cho thấy việc phát hành trái phiếu vàng không đem lại thành công nếu không tạo sàn giao dịch. Hiện nay, nhiều chuyên gia đề xuất phát hành trái phiếu vàng hoặc chứng chỉ vàng. Nhưng nếu người dân không thể sử dụng các trái phiếu hoặc chứng chỉ vàng để giao dịch sẽ rất khó để họ gửi hoặc cho vay vàng.
Do đó, song song với việc phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng, cần nhanh chóng thành lập sàn giao dịch vàng. Thí dụ trong cơ cấu nhập khẩu của Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có khuynh hướng chuyển sang vàng thỏi (tức dạng đầu tư) hơn nữ trang.
Điều này cho thấy người dân xem vàng là kênh đầu tư hơn là phương tiện tích trữ. Và nếu đúng như vậy, tại sao không sớm thành lập sàn vàng để giao dịch? Hay như cách làm của Thổ Nhĩ Kỳ là một gợi ý hay khi thực hiện nghiệp vụ huy động vàng.
Việc yêu cầu các NHTM dự trữ vàng sẽ giúp đảm bảo tốt hơn thanh toán. Bên cạnh đó, NHNN có thể đặt ra tỷ lệ khống chế cho vay vàng hoặc cấm chuyển đổi vàng sang tiền đồng để cho vay cũng là một cách ép các ngân hàng huy động vàng phải quản trị rủi ro tốt hơn.